Đề cao trách nhiệm của nhà trường với xã hội

GD&TĐ - Dự thảo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng, thạc sĩ, tiến sĩ vừa được Bộ GD&ĐT công bố cho thấy quyền chủ động trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo đã được đề cao. Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, điều này càng khẳng định trách nhiệm của các nhà trường với xã hội.

Đề cao trách nhiệm của nhà trường với xã hội

Trách nhiệm với người học và xã hội

TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết: “Một trong những điểm mới của Dự thảo là đã bỏ hoàn toàn tiêu chí quy định quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục đại học; Giảng viên thỉnh giảng được tính để xác định chỉ tiêu; Ngành đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Những điểm mới rất mở này đã tạo điều kiện chủ động tối đa cho các nhà trường trong việc hoạch định kế hoạch đào tạo. Cũng còn có những lo lắng về giảng viên thỉnh giảng, tuy nhiên tôi không cho là vậy vì thực tế nếu cơ sở đào tạo giữ uy tín với người học và xã hội thì sẽ có trách nhiệm với việc mình làm”.

PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cũng hoàn toàn tán đồng với quy định giảng viên thỉnh giảng được tính để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Ông cho rằng, đây là một điểm tiến bộ đáng kể.

Thực tế tuyển sinh hiện nay cho thấy, có nhiều trường cơ sở vật chất đảm bảo tốt cho hoạt động đào tạo, uy tín về chất lượng được xã hội đánh giá cao, điều này tạo sức hút cho trường. Tuy nhiên, do bị áp quy định về xác định chỉ tiêu trên tỷ lệ giảng viên khiến các cơ sở đào tạo này bị bó hẹp trong việc mở rộng quy mô đào tạo.

Thêm nữa, cũng cần thấy rằng giảng viên biên chế ở các cơ sở giáo dục công lập hiện nay dư giờ rất nhiều, trong khi đó đội ngũ giảng viên các trường ngoài công lập thì lại thiếu và yếu, thế nên việc cho phép lấy giảng viên thỉnh giảng để tính xác định chỉ tiêu cũng là việc nên làm vì giúp những trường đó nâng cao chất lượng đào tạo khi có được thầy giỏi.

Tuy nhiên, Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình với quy định đưa giảng viên thỉnh giảng vào tính chỉ tiêu tuyển sinh thì cũng có những ý kiến cho rằng, nên có những chế tài nghiêm khắc không để các các cơ sở đạo tạo tuỳ tiện, mượn gió bẻ măng tuyển sinh tràn lan.

Kiểm định là yếu tố cần

PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, cho rằng: Dự thảo quy định với những nội dung mới cho thấy, Bộ GD&ĐT đã giao phó trách nhiệm phải thực hiện tự chủ cho các nhà trường. Bên cạnh việc thực hiện trách nhiệm tự chủ thì việc đưa công tác kiểm định là một biện pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo rõ ràng mang tính ràng buộc để các cơ sở đào tạo thực hiện trách nhiệm với người học và xã hội.

Phân tích kỹ hơn về việc này, PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Viện Đại học Mở Hà Nội, cho rằng: Việc quy định các ngành đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định, có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường, hội đồng quản trị thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó, cũng đồng nghĩa với việc cơ sở đào tạo cam kết trách nhiệm với người học và xã hội.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các tổ chức công nhận kiểm định chất lượng giáo dục khi đánh giá phải khách quan, chính xác vì đây là tiêu chí để xã hội đánh giá trường đó có xác định chỉ tiêu quá sức mình hay không.

Cũng còn có những lo lắng các trường sẽ “lách luật” bằng cách lập đề án cho ngành đặc thù hoặc dựa vào kiểm định chất lượng. Tuy nhiên cũng như việc đưa giảng viên thỉnh giảng vào xác định chỉ tiêu, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng các quy định này đang rất mở, nhưng lại rất chặt khi ràng buộc trách nhiệm của các cơ sở đào tạo với người học.

Như quy định về tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn thì rõ ràng tổ chức kiểm định sẽ gián tiếp chịu trách nhiệm với xã hội nếu việc đánh giá chất lượng kiểm định không khách quan, thiếu chính xác.

Thêm nữa, việc công bố danh sách các trường đã kiểm định chất lượng giáo dục không chỉ là mức đạt mà phải là công khai các thông tin để người học, xã hội đánh giá các trung tâm kiểm định khách quan đến mức nào.

Có nhiều gợi ý cho rằng, việc đẩy mạnh quy định kiểm định chất lượng giáo dục và công khai các thông tin kiểm định để người học biết cũng là cách thức để kiểm soát trường xây dựng chỉ tiêu bừa, thêm nữa cũng nên quy định rõ đối tượng thỉnh giảng được xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải đảm bảo đã lên lớp một thời gian nhất định ở trường đối tác, tối thiểu phải là giảng viên thỉnh giảng 1 năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.