Để biển không còn rác thải nhựa

Để biển không còn rác thải nhựa

Mục tiêu, đặt ra là các khu bảo tồn biển sẽ không còn rác thải nhựa.

100% khu bảo tồn không còn rác nhựa

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính trên 8 triệu tấn rác nhựa đã thải ra đại dương. Trong đó, 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền và 20% còn lại là do các hoạt động trên biển. Rác thải nhựa sẽ khiến cho tài nguyên biển trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng, sẽ là vòng tuần hoàn ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trước thách thức này, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển theo cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Tạo đột phá và chuyển biến căn bản về nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm nhựa và thu gom, xử lý rác thải nhựa.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: “Mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương. 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ và lưu trú du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển. Ngoài ra, sẽ hạn chế cơ bản việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển”.

Tuy nhiên, mục tiêu gần là đến năm 2025, Việt Nam sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển. 50% ngư cụ đánh bắt thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom. 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ và lưu trú du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời, bảo đảm tối thiểu một năm hai lần thu gom, làm sạch rác thải nhựa tại các bãi tắm biển. 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Đâu là giải pháp

Để biển không còn rác thải nhựa ảnh 1
Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển (Internet)

Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chia sẻ nhóm giải pháp mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra đó là: Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương. Tất cả không ngoài mục tiêu giữ gìn môi trường biển sạch, không có rác thải nhựa.

Vì vậy, trước hết sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện các phong trào, giáo dục lồng ghép, tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, nhất là tại các khu du lịch biển đảo. Thông qua các hoạt động thực tiễn, tạo đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa, hạn chế thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường. Mỗi người dân phaire thấy rõ tác hại của rác thải nhựa đại dương ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.

Thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 5 lưu vực sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại các đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 6 huyện đảo.

Đồng thời, thực hiện các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về tác động của rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là vi nhựa đến tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương. Thiết lập, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về rác thải nhựa đại dương, tích hợp, chia sẻ với khu vực và quốc tế….

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó bao gồm các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững (SDG 14).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ