ĐBQH tin tưởng dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp này

GD&TĐ - Bên lề phiên làm việc sáng nay (21/5) của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn Hà Nội - chia sẻ với báo chí về một số điểm mới của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đại biểu tin tưởng dự thảo Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí trao đổi với phóng viên trong giờ giải lao phiên làm việc sáng nay (21/5)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí trao đổi với phóng viên trong giờ giải lao phiên làm việc sáng nay (21/5)

* Đại biểu đánh giá như thế nào về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tôi cho rằng đây là nội dung rất được chờ đợi của cử tri và đại biểu Quốc hội. Khi tôi tiếp nhận được bản sửa cuối cùng của Ban soạn thảo và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi thấy, đây là lần sửa đổi tốt nhất từ trước đến nay.

Ngôn từ trong sáng, rõ ràng; nội dung cơ bản đã đạt, tiếp thu được rất nhiều ý kiến qua các lần góp ý trước; một điều nữa là hình thức trình bày mạch lạc. Còn bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi cho là rất khúc chiết, rõ ràng. Đó là điều chúng tôi nhận thấy và tôi rất vui về điều đó.

* Qua nghiên cứu dự án Luật, đại biểu băn khoăn nhất về điều gì?

- Chúng tôi vẫn thấy có nhiều ý kiến, nhiều vấn đề cần phải được tiếp tục tiếp thu sửa chữa. Ngay trong phiên thảo luận sáng nay, các ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý cũng thể hiện rõ điều này. Tôi cho rằng, những ý kiến đó rất quý báu, bổ sung vào việc tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này.

Ban đầu tôi hơi băn khoăn về vấn đề sách giáo khoa (SGK) được quy định ở Điều 32 dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật có nêu, mỗi môn sẽ có một hoặc nhiều bộ SGK. Đây là điểm bức xúc nhiều nhất trong xã hội, được cử tri và nhân dân quan tâm.

Nhưng khi tôi đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội thì nhận thấy, có những ý rất quan trọng mang tính then chốt, thể hiện ở Điều 31, 32. Đó là chương trình giáo dục phổ thông và SGK phổ thông là hai vấn đề mà ở đó chương trình là quyết định. Chương trình là vấn đề bắt buộc, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là phương tiện, là công cụ giảng dạy truyền tải nội dung chương trình.

Với quy định như trong dự thảo sẽ tạo điều kiện phát huy tính năng động, độc lập, tự chủ và giải phóng một nguồn năng lượng, sự sáng tạo lớn của đội ngũ thầy cô giáo.

Khi đọc vấn đề này tôi đã thấy khá rõ ràng và yên tâm hơn. Nhưng vấn đề ở chỗ phải đưa được điều ấy vào trong Luật để mọi người không hiểu nhầm. Cho nên tôi cho rằng, mỗi môn có một hoặc nhiều bộ SGK cần phải được bổ sung trên cơ sở tuân thủ đúng chương trình đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Với những gì mà Ban soạn thảo đã chuẩn bị, tin rằng dự án Luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Xin cảm ơn đại biểu!

"Cá nhân tôi trăn trở làm sao để dạy tốt – học tốt; thầy ra thầy và trò ra trò, tạo nên một văn hóa tốt đẹp trong môi trường giáo dục, giữ vững truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Đồng thời cũng phải tiếp cận được với hiện đại, với những điều mới mẻ của thời đại" - đại biểu Nguyễn Anh Trí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.