ĐBQH đề nghị trưng biển đối với người có hành vi dâm ô, sàm sỡ

GD&TĐ - Xung quanh vụ nữ sinh bị sàm sỡ trên xe khách, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc trước hành vi này, đồng thời đề nghị cần có chế tài “mạnh tay” để xử lý.

Đại biểu Triệu Thế Hùng
Đại biểu Triệu Thế Hùng

Đại biểu Triệu Thế Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi: Trên báo chí cũng đã phản ánh hiện tượng và có sự phản ứng của cộng đồng phản đối, chống lại những hiện tượng xấu xa đó và đã giải quyết được. Ví dụ như bắt mang lên công an, để ngăn chặn đối tượng vi phạm.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, thời gian gần đây thấy có một vài phản ánh về hiện tượng sàm sỡ phụ nữ, trẻ em; trong đó có nữ sinh. Ở đây có câu chuyện sự vô cảm của người dân. Vì họ sợ 2 vấn đề: Thứ nhất sợ bị ảnh hưởng, liên lụy đến bản thân.

Thứ hai, không tránh khỏi tâm lý trách nhiệm của cộng đồng. Sự tương thân, tương ái bây giờ có vẻ như đang bị suy giảm đi ở một số bộ phận người dân khi cho rằng, không phải việc của mình thì không tham gia. Đó là điều mà chúng ta phải khắc phục.

Khắc phục bằng cách pháp luật phải nghiêm minh, trong đó có những vụ phải xử đến nơi đến chốn để làm gương, chứ không phải bắt rồi phạt nhẹ. Như trường hợp nam thanh niên sàm sỡ nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội bị phạt 200.000 đồng, rồi lại thả ra.

“Tôi cũng kêu gọi mọi người nên phát huy truyền thống tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân. Hãy đặt tình huống người bị hại đó là người thân của mình để phải có trách nhiệm.

Cho nên pháp luật phải nghiêm minh để mang tính răn đe cao. Trong những hành động như thế tránh chuyện gia tăng, nơi này làm được, nơi kia không làm được. Cả cộng đồng cùng lên án cái xấu thì lập tức cái xấu sẽ bị hạn chế hoặc bị đẩy lùi”-đại biểu Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng
 Đại biểu Bùi Thanh Tùng

Cho rằng, trong giai đoạn gần đây một số nề nếp, đạo đức xã hội xuống cấp, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) nêu vấn đề: Chúng ta đang cố gắng kiểm soát nó nhưng cũng rất khó khăn.

Chuyện đó làm cho người người thiện sợ người ác. Người chân chính muốn bảo vệ lẽ phải thì sợ bị trả thù, sợ chính mình cũng bị xâm hại. Những trường hợp đó họ bức xúc nhưng phải làm lơ, coi như không nhìn không nghe thấy.

Theo đại biểu, nguyên nhân là do các chế tài xử phạt, quy định có nhưng thực thi chưa nghiêm. Hoặc chưa thực sự sâu sát hoặc vì nể, vì một lý do nào đó nên chưa quyết liệt.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng, với những hành vi dâm ô, sàm sỡ, đôi khi không chỉ là xử lý hình sự, phạt nặng mà có thể sử dụng phương pháp trưng biển trước công luận về một ông nào đó có hành vi như vậy, để họ cảm thấy xấu hổ và những người khác sẽ không dám vi phạm.

Đại biểu Tùng đề nghị, quy định của pháp luật đối với hành vi sàm sỡ, dâm ô cũng cần nghiên cứu để cụ thể hóa hơn nữa. Sau đó, xử phạt phải có tính răn đe hơn. Như vậy, mới có thể giải quyết được những hành vi không đúng chuẩn mực với phụ nữ và trẻ em.

“Để người tốt không sợ người ác thì chúng ta phải tăng cương tuyên truyền cho cả người dân và đội ngũ thực thi pháp luật. Nội dung nào trong pháp luật chưa đủ sức răn đe thì sửa đổi, bổ sung” – đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.