ĐBQH đề nghị đánh giá kỹ tác động khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu

GD&TĐ - Mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu cần được xác định hợp lý đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước nhưng không gây áp lực lên nền kinh tế.

ĐBQH đề nghị đánh giá kỹ tác động khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV vừa thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Một trong những nội dung còn nhiều đại biểu có ý kiến là lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, tốc độ tăng thuế đối với mặt hàng bia, rượu khiến doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ta, nhất là những nhà máy hiện đại mới đầu tư chưa sử dụng hết công suất không thể điều chỉnh công suất trong thời gian ngắn.

Với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do yêu cầu về sức khỏe, an toàn giao thông được áp dụng trong thời gian gần đây, nếu tiếp tục áp dụng trong thời gian tới về thuế suất tiêu thụ đặc biệt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nhà máy, người lao động và cả thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng cần đánh giá tác động, suy tính kỹ hơn trước khi quyết định thời gian áp dụng, xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý để đảm bảo đủ sức điều tiết tiêu dùng mà vẫn không ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và đời sống người lao động.

"Mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xác định hợp lý để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước hiệu quả, bền vững nhưng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế", đại biểu Huỳnh Thị Phúc nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng rượu, bia là một trong hai ngành thuộc hàng "top 10" nộp ngân sách, do vậy nếu tăng theo lộ trình của Chính phủ sẽ có khả năng "bóp nghẹt" 2 ngành này.

Trong khi đó, đại biểu lo ngại rượu, bia ngoại nhập lậu tràn lan vào Việt Nam chưa kiểm soát được, nếu tăng thuế suất đặc biệt với doanh nghiệp trong nước thì mặt hàng nhập lậu được hưởng lợi cao.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đồng ý tăng thuế đối với mặt hàng rượu bia nhưng phải có lộ trình để các hãng chuẩn bị tâm thế. Nếu áp thuế cao ngay lập tức, đại biểu bày tỏ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của các hãng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này là cần thiết, song cũng cần xem xét tăng thế nào để thay đổi hành vi. Đại biểu cho rằng một số đề xuất trong dự thảo Luật còn có điểm chưa hợp lý.

Đại biểu Hoàng Văn Cường không đồng tình với việc tăng thuế nhỏ giọt theo năm vì không thay đổi hành vi, mà nên tăng theo đợt, lần đầu có thể tăng khoảng 10-15%, sau đó 5 năm sau sẽ tăng tiếp đợt 2; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao ý thức và doanh nghiệp có thời gian để chuyển đổi sản xuất sản phẩm khác, như vậy mới có tác dụng.

dbqh-cuong.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị lùi thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia tới năm 2027 và không tăng theo lộ trình "nhỏ giọt" mỗi năm 5% như đề xuất của Chính phủ.

Vị đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, mặt hàng bia có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành dịch vụ, ăn uống, du lịch. Trong bối cảnh cần phục hồi du lịch, thúc đẩy tăng trưởng, việc tăng thuế cần được cân nhắc kỹ về lộ trình để tránh tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một số hiện vật bằng vàng trong Kho báu Staffordshire. Ảnh minh họa: Nationalgeographic.com

Kho báu Staffordshire

GD&TĐ - Năm 2009, Anh phát hiện kho báu khảo cổ gây chấn động thế giới ở Staffordshire.