Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã tập trung phân tích và thống nhất sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị mới trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh.
Đồng thời, nhất trí tiếp tục thực hiện các giải pháp “chặn đến cùng” tất cả các ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (thông qua các nhà thuốc); triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng (lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung); kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người (cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể...
Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các địa phương có bộ phận cập nhật dữ liệu dịch bệnh thống nhất để hình thành hệ thống dữ liệu trong cả nước, phân nhóm những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, nguy cơ thấp. Tổ chức các tổ truy vết ở cả Trung ương lẫn địa phương luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có ca nhiễm bệnh.
Liên quan đến nội dung này, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT, Viettel cũng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để truy vết, giám sát các ca bệnh, giám sát việc thực hiện cách ly xã hội phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, triển khai hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội theo từng tình huống cụ thể; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong mua, bán hàng hoá.
“Với việc thực hiện Chỉ thị 16, chúng ta đã viết một phần mềm đo lường tập trung đông người, đo lường mật độ đi lại. Sau khi Chỉ thị 16 được thực thi, việc đi lại của người dân giảm sâu nhất vào ngày 2/4, giảm khoảng hơn 3 lần so với trước đó. Tuy nhiên, sau đó khoảng 5 ngày, người dân lại ra đường nhiều hơn, với xu thế đang tăng lên. Do vậy, chúng ta phải tăng cường về mặt chính quyền để người dân thực thi nghiêm mệnh lệnh của Chính phủ, để nếu ban hành lần 2, lần 3 người dân sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói.
Với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh.