Đây là lý do vì sao iPhone cấm kị dùng sạc rẻ tiền, nếu không sẽ hỏng cả sạc lẫn máy

GD&TĐ - Ừ thì chúng rẻ và dễ tìm, lại cùng chân cắm với iPhone để cứu nguy cho vạch pin đang dần tụt xuống đáy. Thế nhưng tiền nào của nấy mà thôi!

Đây là lý do vì sao iPhone cấm kị dùng sạc rẻ tiền, nếu không sẽ hỏng cả sạc lẫn máy
Phòng còn hơn chữa
Có một sự thật rất rõ ràng liên quan đến những chiếc smartphone trên thế giới, nhưng người dùng lại không coi nhẹ và không để tâm quá nhiều: Hỏng hóc và thiệt hại đến từ dây sạc kém chất lượng.
Dĩ nhiên, phương pháp duy nhất để giải quyết điều này là dùng một bộ sạc chuẩn, được chứng nhận đủ tốt và đảm bảo chất lượng sử dụng. Thế nhưng làm thế nào để chúng ta nhận biết ra đâu là nơi bán phụ kiện sạc tốt, nhất là trong trường hợp đã lên xe đi du lịch xa đến một nơi hoàn toàn mới, không thân thuộc như ở nhà?

Chìa khóa là đây: Hãy tìm những phụ kiện được in kèm chứng nhận MFi trên vỏ hoặc giấy đựng. MFi nghĩa là "Made For iPhone/iPod/iPad", là một tiêu chuẩn được Apple lập ra dành cho thiết bị của mình.

Kể cả là phụ kiện do hãng khác sản xuất, chỉ khi chúng có dấu in tiêu chuẩn này trên bao bì mới thực sự an toàn để dùng cho các thiết bị Apple, thay vì gặp sự cố vì các mặt hàng trôi nổi không rõ xác nhận.

Vậy vì sao những phụ kiện sạc bên ngoài dễ gây nguy hiểm cho iPhone của bạn? Nhìn chung, các bộ sạc khác không có chứng nhận MFi thường truyền tải điện năng và công suất lớn hơn phụ kiện thật đi kèm từ lúc mua iPhone, hoặc so với tiêu chuẩn của Apple.

Có thể tốc độ sạc sẽ nhanh hơn, nhưng nó sẽ làm con chip U2 - phụ trách chức năng sạc trong mạch điện của iPhone bị cháy và không thể hoạt động đúng cách như trước được nữa.

Đây là lý do vì sao iPhone cấm kỵ dùng sạc rẻ tiền, nếu không sẽ hỏng cả sạc lẫn máy - Ảnh 2.

Một hộp phụ kiện sạc của hãng khác nhưng đã có tiêu chuẩn MFi.

Nếu chip U2 trong mạch iPhone bị hỏng, những dấu hiệu sau có thể xuất hiện:

- Không thể sạc, hoặc điện sạc ảo (vẫn có ký hiệu báo đang sạc, nhưng không tăng dung lượng pin lên chút nào).

- Không thể kết nối iTunes của cổng USB-Lightning vì đầu mạch đã hỏng.

- Chỉ số pin tụt bất thường từ cao xuống cực thấp, hoặc chỉ dừng cố định ở một mức rồi sập nguồn.

Một khi đã mắc phải, thay pin cũng không giải quyết được vấn đề vì đây là lỗi trên mạch điện bên trong iPhone.

Tại sao sạc MFi tiêu chuẩn mới đủ an toàn cho thiết bị Apple?

Hiện tại, một củ sạc chính hãng đi liền với iPhone sẽ xấp xỉ 500.000 đồng, và dây sạc tính riêng cũng tương tự. Như vậy, nguyên một bộ phụ kiện sạc pin do Apple làm ra đã có giá lên tới gần 1 triệu đồng - nghe khá đắt đỏ, nhưng bạn sẽ thực sự cần đến nó nếu không muốn cả chiếc iPhone vài chục triệu của mình cũng "ra đi" sớm.

Jessa Jones - chuyên gia sửa chữa từ iPad Rehab lý giải: "Các cáp sạc đạt tiêu chuẩn MFi khác với số còn lại vì chúng có một chip riêng ở trong bộ sạc, giúp chủ động hạn chế các sự cố điện áp bất thường trong khi sạc pin."

Con chip riêng ở đây có tên gọi E75, làm nhiệm vụ rà quét điện năng từ bên ngoài, kiểm soát xong rồi mới cho phép đi qua dây nối, truyền tải vào trong mạch iPhone.

Tại đó, chip U2 như đã đề cập sẽ tiếp nhận thông tin sạc. Kể từ khi quá trình này được thực hiện xong xuôi, iPhone sẽ ghi nhận như một tiêu chuẩn chung mà chỉ có những bộ sạc MFi được trang bị chip E75 riêng mới thỏa mãn được.

Đó là lý do vì sao những lần sạc tới, nếu bạn cố tình dùng cáp sạc không có chip E75, một thông báo "Phụ kiện không hỗ trợ" (Accessory not supported) sẽ hiện lên ngay lập tức, đồng thời ngăn chặn không cho sạc hay kết nối tới máy dù đã cắm vào.

Đây là lý do vì sao iPhone cấm kỵ dùng sạc rẻ tiền, nếu không sẽ hỏng cả sạc lẫn máy - Ảnh 3.

Dòng thông báo chặn quyền kết nối của cáp sạc.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất cáp sạc "không có tâm" đã nghĩ ra cách qua mặt cơ chế trên: Can thiệp và làm giả chip E75 để cho phép sạc kém chất lượng của mình vẫn dùng được cho iPhone. Vì thế, khả năng cao thiết bị sẽ dễ dàng dính hậu quả vì một giây phút lầm lỡ không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

"Một con chip E75 "xịn" sẽ có giá ít nhất là tầm 4 USD, vì thế nếu thấy bất kỳ loại sạc nào có tổng giá bán gần với mức đó, hãy nghi ngờ và tránh xa ngay lập tức và đừng ham rẻ," Jessa khuyến cáo.

Chẳng hạn, khi cần kíp mà thấy một cửa hàng phụ kiện bán toàn sạc có giá tầm 100.000-150.000 đồng, hãy cẩn thận mà bỏ qua ngay vì như vậy là mức rất sát với một sản phẩm giá gốc.

Thậm chí, ngay cả tem MFi nay cũng đã có thể làm giả và dán lên thân sạc như thường, khiến nguy cơ mua hàng giả kém chất lượng càng cao hơn. Có lẽ phương án đảm bảo nhất chỉ còn là những cơ sở chính hãng, hoặc có uy tín cao từ lâu.

Trong trường hợp bạn lỡ làm hỏng chip mạch U2 trong máy dựa trên những dấu hiệu đã biết, xin chia buồn rằng việc sửa chữa nó sẽ gần như là bất khả thi, kể cả là các nhân viên bảo hành từ Apple. Có một tỷ lệ nhỏ các cửa hàng sửa chữa linh kiện bên ngoài sẽ nhận bung máy để cố gắng cứu vớt đến cùng, nhưng cũng chẳng có điều gì chắc chắn 100% được về số phận chiếc iPhone này.

Lần tới, nếu có ngại ngùng mua một chiếc sạc iPhone giá cao trong lúc đang dở dang chuyến du lịch, hãy nghĩ lại tới giá trị của chiếc iPhone ban đầu và tỉnh lại khỏi suy nghĩ cám dỗ ham rẻ đó nhé!

Theo Tri thức trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ