(GD&TĐ) - Trong 2 ngày (23, 24/9/2013) tại Trung tâm khoa học và văn hóa Nga tại Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học về “Những vấn đề dạy tiếng Nga tại Việt Nam trong điều kiện ngoài môi trường ngôn ngữ” do Hiệp hội giáo viên tiếng Nga và văn học Nga quốc tế dành cho thế giới Nga tổ chức.
Một số giáo trình học tiếng Nga hiện nay |
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý ; Ông Andrey Grigrevich Kovtun - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam; Bà Verbiskaya Lyumila Alexcevina - Chủ tịch Hiệp hội giáo viên và văn hóa Nga quốc tế; Ông Nguyễn Thúy Toàn - Giám đốc Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây; Cùng đông đảo các thầy cô giáo tới từ các trường đại học có khoa tiếng Nga và trường THPT chuyên (có dạy ngoại ngữ tiếng Nga) trên cả nước.
Các vấn đề được thảo luận: Thúc đẩy việc bồi dưỡng, giảng dạy tiếng Nga trong nhà trường phổ thông và đại học tại Việt Nam hiện nay; Nối lại việc dạy tiếng Nga và Văn học Nga tại Việt Nam; Việc dạy tiếng Nga và Văn học Nga tại Việt Nam cho người quốc tế…đã thu hút được nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các nhà nghiên cứu về văn hóa Nga tại tại Việt Nam, các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường phổ thông và đại học...
Việc giảng dạy tiếng Nga sẽ kết hợp giữa dạy ngôn ngữ với việc tìm hiểu văn hóa. Có nghĩa là, sẽ dạy theo các chuyên để, topic cụ thể để người học vừa nói được tiếng Nga vừa hiểu về văn hóa, con người Nga.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quang Quý bày tỏ sự vui mừng về mối quan hệ ngoại giao vô cùng khăng khít, bền chặt giữa hai nước Việt – Nga.
Thứ trưởng phát biểu: Dân tộc Nga, con người Nga đã để lại một ấn tượng tốt đẹp trong lòng người Việt Nam từ rất lâu và đến bây giờ vẫn vẹn nguyên tình cảm này. Ngôn ngữ tiếng Nga trong suốt một thời gian dài của thập kỷ XX đã được coi là thứ ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt, cho nên việc dạy và học tiếng Nga lúc đó phổ biến hơn cả.
Nhưng đến những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ XX khi Liên Xô sụp đổ, khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, xã hội nói chung và môn học ngoại ngữ, tiếng Nga trong nhà trường dường như bị ngắt quãng.
Đến nay, được “Hiệp hội giáo viên tiếng Nga và văn học Nga quốc tế dành cho thế giới Nga” và các tổ chức có liên quan đến tiếng Nga trong nước quan tâm, nối lại việc dạy và học tiếng Nga, Bộ GD&ĐT Việt Nam rất hoan nghênh và sẽ phối kết hợp cùng với các tổ chức này để có hướng triển khai cụ thể về việc dạy và học tiếng Nga tại Việt Nam - Thứ trưởng Trần Quang Quý chia sẻ.
Hiền Anh