Lẫn lộn tin thật - giả
Khác với báo chí in ấn truyền thống, với các tin tức thường có độ chính xác nhất định và những tin thất thiệt sẽ được đào thải một cách nhanh chóng bởi người trong cuộc, các tin tức trên báo điện tử hay các trang thông tin thường không thể kiểm soát về mặt nội dung, cũng như sự lan tỏa tính bằng giây của chúng.
Và trong cái bẫy thông tin trực tuyến ấy, những người tiếp xúc càng nhiều và càng phụ thuộc vào những công cụ tìm kiếm trên internet chính là những “con mồi” đầy tiềm năng.
Đó là khi mà những học sinh, sinh viên hiện sử dụng Google hay các trang mạng xã hội để xác minh thông tin mà không hề biết những thông tin tìm được trên các hệ thống ấy đôi khi đã được “phù phép” để dẫn dắt họ vào những thiên hướng suy nghĩ và hành động sai lệch.
Theo một báo cáo được công bố bởi Nhóm Nghiên cứu Giáo dục tại Đại học Stanford, Mỹ thì hầu hết các học sinh, sinh viên tại các trường trung học và đại học ở Mỹ không có khả năng giải thích tính hợp lý hoặc bất hợp lý của các thông tin chúng đọc được trên Internet, thông qua các trang tin tức, mạng xã hội hay được cung cấp bởi một người nổi tiếng trên Internet.
Ví dụ như các học sinh này thường không thể phân biệt đâu là một bài viết quảng cáo, giới thiệu sản phẩm hoặc xác định nguồn gốc thông tin chính xác của những thông tin này.
“Chúng ta luôn cho rằng do các bạn trẻ ngày nay sử dụng Internet và mạng xã hội thuần thục nên chúng cũng có khả năng nhận thức, phân biệt các thông tin trên những kênh này một cách chính xác. Nhưng theo các nghiên cứu của chúng tôi thì sự thật hoàn toàn ngược lại”, Sam Wineburg, Giáo sư tại Đại học Stanford và cũng là tác giả của bài báo cáo về thực trạng học sinh, sinh viên bị đánh lừa bởi các tin tức không nguồn gốc trên Internet, cho biết.
Kỹ năng “đọc” tin tức
Được bắt đầu từ đầu năm 2015, dự án giúp các học sinh, sinh viên có thể phân biệt được đâu là thông tin quảng cáo, thông tin chủ quan với các nguồn thông tin chính thức của Đại học Stanford diễn ra ngay trước thời điểm mà những tranh cãi về việc các tin tức thất thiệt đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội Mỹ.
Dự án rất được quan tâm bởi các nhà giáo dục trên toàn nước Mỹ và Đại học Stanford cũng nhận được nhiều lời mời hợp tác để mở rộng phạm vi nghiên cứu và áp dụng của mình.
Dự án được thực hiện xoay quanh việc giúp cho các học sinh, sinh viên, chủ yếu trong lứa tuổi từ 13 đến 19 tuổi có được lập luận tư duy phản biện của mình khi tiếp xúc với nguồn thông tin khổng lồ như ngày nay, mà rất nhiều trong số đó là các thông tin thất thiệt, được truyền tải với các mục đích không tốt.
Nghiên cứu hướng đến việc xây dựng cách thức đánh giá mức độ mà một học sinh, sinh viên ở từng độ tuổi đánh giá các thông tin trực tuyến, từ đó hướng đến việc xây dựng các kỹ năng cần thiết để phân biệt và chọn lọc những thông tin chính xác, hữu dụng trong ma trận các nguồn thông tin tràn lan trên Internet.
Sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã nhận được nhiều lời mời hợp tác thỏa thuận sử dụng từ những trường trung học, đại học trên khắp nước Mỹ cũng như tại một số quốc gia tại châu Âu. Dự án xoay quanh việc nâng cao kỹ năng đánh giá được các thông tin được truyền tải trên Internet, từ những dòng trạng thái trên Facebook, Twitter cho đến những đoạn bình luận trên những diễn đàn, trang tin tức, blog hay bất kỳ một nội dung được lan truyền thông qua các phương tiện, ứng dụng kỹ thuật số.
Thông qua các bài hướng dẫn của khóa học, một sinh viên sẽ có thể nắm được cách phát hiện một đoạn thông tin không chính xác và cách thức lý giải tại sao thông tin ấy là không đáng tin cậy. Mức độ phát triển của dự án được xác định bằng việc vượt qua khoảng 15 bài kiểm tra khác nhau, tương ứng với từng lứa tuổi và mức độ xây dựng kỹ năng đọc hiểu và xác minh thông tin.
Đơn cử như một bài tập của nhóm học sinh trung học cơ sở, ở lứa tuổi khoảng 13 đến 15, sẽ yêu cầu chúng giải thích tại sao chúng phải đặt nghi vấn với những bài báo cáo số liệu được cung cấp bởi một nhân viên ngân hàng hay thậm chí là được công bố bởi một tổ chức tài chính uy tín.
Bằng bài tập này, các học sinh sẽ nhận thức được rằng tác giả hay tổ chức công bố thông tin chưa hẳn một yếu tố đáng tin cậy để xác định tính chính xác của thông tin mà cần phải xác minh đến tính hợp lý, minh bạch của nguồn thông tin được đưa vào.
Ở cấp học sinh trung học phổ thông, học viên sẽ cần phải phân biệt các nguồn thông tin có sự tương đồng nhất định và xác định đâu chính là tác giả và nguồn thông tin chính xác.
Theo đó, bên cạnh nội dung, những học sinh cần chú ý những yếu tố khác để nhận biết thông tin “chính chủ” như dấu tích xác minh tài khoản, mối quan hệ với những tác giả chính chủ khác…, điều mà chỉ có khoảng 25% sinh viên chú ý khi tìm đọc một thông tin được chia sẻ bởi một người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Đối với cấp cao nhất, sinh viên đại học, mức độ phân tích trở nên phức tạp hơn vì đây cũng thường là nhóm tiếp cận với các nguồn thông tin thất thiệt với mức độ tinh vi rất cao.
Theo đó, một sinh viên khi tham gia vào dự án sẽ phải nắm bắt cách thức lý giải và nhận ra rằng không phải thông tin nào xuất hiện nhiều trên Google, được nhiều người chia sẻ thì đó là thông tin chính xác. Bên cạnh đó, họ còn phải tiến hành các thủ thuật phức tạp khác nhau để xác định tính chính xác và tin cậy của các trang thông tin điện tử.
Trong thời đại mà một thông tin không chính xác có thể dẫn đến những cái kết khôn lường thì việc các học sinh, sinh viên, những người dễ rơi vào tầm nhắm của những kẻ xấu đang cố ý tung và lan tỏa các thông tin thất thiệt, cần trang bị các kỹ năng để phân biệt thông tin thật-giả là điều đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Và khi mà ở giai đoạn hiện tại không có tổ chức nào có thể thực hiện vai trò kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, vốn vượt ngoài giới hạn chức năng của báo chí và cả chính phủ, thì giáo dục vẫn như thường lệ trở thành nhà tiên phong để giúp tạo ra sự khác biệt.
Dù những dự án giúp nâng cao kỹ năng đối phó tin tức thất thiệt cho học sinh, sinh viên như chương trình của các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford vẫn chưa nhiều nhưng việc nó đang được mở rộng phạm vi, không chỉ ở nước Mỹ và sang các quốc gia khác, chính là một dấu hiệu đáng mừng trong công cuộc chống lại cuộc khủng hoảng sai lệch thông tin ngày càng trầm trọng.