Dạy học sách giáo khoa mới lớp 6: Cái khó “ló” cái hay

GD&TĐ - Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018 với lớp 6. Vượt lên mọi khó khăn, các trường THCS tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã linh hoạt các hình thức đảm bảo chất lượng dạy học.

Học sinh Trường THCS Bái Tử Long trong giờ học
Học sinh Trường THCS Bái Tử Long trong giờ học

Nhuần nhuyễn 2 hình thức

Năm học này, tổng số học sinh của Trường THCS Bái Tử Long, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh có 1193 em, trong đó có 293 học sinh lớp 6. Để chuẩn bị tốt cho chương trình thay SGK lớp 6, trước khi vào năm học, nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên tập huấn kĩ càng nội dung chương trình. Thầy cô được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ về chương trình GDPT 2018, sử dụng SGK mới lớp 6, xây dựng kế hoạch giáo dục, dạy học trực tuyến, công tác kiểm tra đánh giá.

Cô Lương Thuỳ Nga, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong chương trình GDPT 2018, những kiến thức được sắp xếp logic, khoa học hơn; phương pháp đổi mới phù hợp với phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo từng hoạt động trong bài soạn của giáo viên, đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục hiện nay. Việc dạy và học chương trình SGK lớp 6 đã nhanh chóng được nhà trường, giáo viên, học sinh bắt nhịp ngay từ những ngày đầu, tuần đầu năm học 2021- 2022.

Tuy nhiên, do hệ thống các thiết bị dạy học đi kèm chưa về kịp đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả dạy học các môn học, nhất là ở các môn có nhiều thí nghiệm.

Chương trình được xây dựng theo hướng mở, giúp giảm tải một lượng kiến thức bị trùng lặp ở từng môn đơn lẻ. Tuy nhiên, dạy học các môn tích hợp KHTN và KHXH đang là khó khăn đối với nhà trường khi chưa có giáo viên được đào tạo bài bản. Hiện, với 2 môn này, Trường THCS Bái Tử Long phải phân công từ 2 - 3 giáo viên dạy cùng môn, gây khó khăn trong việc thực hiện, nhất là trong khâu sắp xếp thời khóa biểu.

Đảm bảo an toàn cho học sinh, các nhà trường chú trọng công tác kiểm tra dịch tễ
Đảm bảo an toàn cho học sinh, các nhà trường chú trọng công tác kiểm tra dịch tễ

Năm học 2021 - 2022 bắt đầu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, cũng là năm học có nhiều thay đổi, đặc biệt là với khối học sinh lớp 6. Từ năm học này, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực với lớp 6, đồng thời thông tư cũng định hướng cho sự thay đổi đánh giá học sinh trong các trường trung học theo lộ trình thực hiện chương trình GDPT  2018. Những khó khăn và đổi mới trên cũng có ảnh hưởng phần nào đến chất lượng giáo dục, cô Nga chia sẻ.

Nhưng nhờ có sự chủ động, nhà trường đã điều chỉnh linh hoạt hình thức học tập từ trực từ học trực tiếp sang học trực tuyến, hoặc dạy học song song.  Thời kỳ đầu, khắc phục khó khăn do học sinh thiếu thiết bị thông minh, nhà trường đã phân loại học sinh tiến hành cùng 1 lúc nhiều hình thức dạy và học.

Cô trò cùng dạy học trực tuyến qua các phần mềm ứng dụng như: Zoom, google meet...; Giáo viên gửi hướng dẫn học, chấm và chữa bài qua zalo; chuyển tài liệu học qua gmail. zalo; in tài liệu và gửi trực tiếp tới tay học sinh.

Đến nay, để linh hoạt giữa 2 hình thức học tập, bên cạnh việc đầu tư thêm trang thiết bị dạy học thông minh, nâng cấp đường truyền, phủ sóng wifi…trường còn kêu gọi sự ủng hộ của phụ huynh, các nhà hảo tâm để giúp 100% học sinh có đầy đủ thiết bị thông minh phục vụ cho việc học trực tuyến.

Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn cùng trao đổi, xây dựng Kế hoạch bài giảng phù hợp để vừa dạy học trực tiếp, trực tuyến. Thầy cô xác định rõ mục tiêu bài học, chú ý kiến thức trọng tâm, không dàn trải.

Với những bài dạy trực tuyến, giáo viên chia nhỏ nội dung học một cách hợp lý để khi nội dung được trình chiếu trên màn hình ngắn  gọn, câu chữ dễ hiểu, dễ nhớ, hình ảnh sinh động, màu sắc phù hợp.

Để học sinh tích cực tương tác với giáo viên, thầy cô sử dụng các câu hỏi nhanh, các câu hỏi nêu vấn đề thu hút sự chú ý của các em. Kết thúc bài học một cách cô đọng thông qua phần luyện tập. Trường cũng đặc biệt lưu ý việc giao và kiểm tra bài tập về nhà giúp trò củng cố lại kiến thức và biết cách vận dụng lý thuyết vào bài tập.

Đến thời điểm hiện tại, qua hơn 2 năm thực hiện kết hợp giữa dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến, Trường THCS Bái Tử Long chưa thực hiện việc kiểm tra đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ trực tuyến, nhưng đã xây dựng ngân hàng đề phù hợp với học sinh trong điều kiện cần.

Chất lượng đảm bảo

Năm học 2021-2022, Trường THCS Chu Văn An (TP Cẩm Phả) có 20 lớp với 878 học sinh, trong đó học sinh lớp 6 là 222 em.

Cô Lê Thị Bích Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Để triển khai dạy học theo chương trình mới đối với lớp 6, nhà trường đã có sự chuẩn bị khá chu đáo về cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Nhà trường được trang bị 28 phòng học thông minh gồm các phòng học học văn hóa, phòng học bộ môn: Sinh học, Hóa học, Vật lý, Công nghệ, Tin học, Mỹ Thuật.... Các phòng học đều được kết nối mạng có đường truyền tốc độ cao thuận tiện trong việc giảng dạy, học tập.

Đội ngũ giáo viên được chọn dạy chương trình SGK mới đều là người có chuyên môn vững. Đa số là giáo viên cốt cán, có khả năng tiếp cận nhanh việc đổi mới chương trình và phương pháp dạy học.

Theo cô Huệ, nhà trường hiện đang gặp khó khăn khi bố trí thời khoá biểu do thiếu giáo viên. Để đảm bảo kế hoạch dạy học, Trường THCS Chu Văn An sắp xếp thời khoá biểu theo tuần, nên cán bộ, giáo viên khá vất vả.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An hào hứng với những tiết học thực hành
Học sinh Trường THCS Chu Văn An hào hứng với những tiết học thực hành

Mặc dù còn gặp khó khăn, phải dạy và học trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, nhưng chất lượng dạy và học chương trình SGK mới lớp 6 của trường THCS Chu Văn An đến thời điểm bảo đảm yêu cầu đặt ra.

Cuối học kì 1, kết quả 2 mặt học sinh lớp 6 (theo Thông tư 22) về học tập tỉ lệ học sinh đạt loại Tốt tăng so với đăng kí đầu năm (đăng kí: 120 đạt 131).

Về rèn luyện 222/222 học sinh đạt loại Tốt chiếm 100%. Các bài học đã được giáo viên thực hiện theo đúng kế hoạch, bảo đảm đúng yêu cầu của chương trình giáo dục môn học. Đối với các bài dạy thực hiện bằng hình thức trực tuyến, giáo viên đã tổ chức giảng dạy, cung cấp được các nội dung cốt lõi để học sinh hiểu, vận dụng. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn có diễn biến phức tạp, Trường THCS Chu Văn An đã chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị trang thiết bị để triển khai các hình thức dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Sáng 14/2- ngày đầu học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán kéo dài, trường có 37 học sinh không đến trường học trực tiếp vì các lý do liên quan đến yếu tố dịch tễ và các lý do đặc biệt khác.

Để giúp các em tham gia học cùng các bạn, nhà trường đã lắp đặt thiết bị truyền dẫn tại 20 phòng học. Các học sinh này sẽ được học cùng các bạn đang học trực tiếp trên lớp. Toàn bộ bài giảng, lời giáo viên giảng bài và phần tương tác giữa giáo viên với học sinh sẽ được truyền qua phần mềm học trực tuyến, cô Huệ chia sẻ.

Trường THCS Chu Văn An luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết với mong muốn không để học trò bị gián đoạn hoặc học lệch chương trình so với các bạn học trực tiếp tại trường. Bên cạnh đó trường cũng có phương án linh hoạt nếu có giáo viên không thể tới trường dạy trực tiếp. Vì trò thầy cô chấp nhận vất vả.

Ngoài việc chuẩn bị chu đáo trong công tác phòng, chống dịch, nhà trường còn xây dựng các phương án, kế hoạch dạy và học đối với mọi trường hợp phát sinh, kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ phù hợp với điều kiện thực tế, không tạo áp lực cho học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.