Dạy - học online ở miền đất mũi

Dạy - học online ở miền đất mũi

Chủ động nhiều giải pháp

Theo Sở GD&ĐT Cà Mau, ngành đã chủ động tập huấn, triển khai nhiều phần mềm học trực tuyến cho GV dạy online. Dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình, được ngành Giáo dục Cà Mau áp dụng từ ngày 8/4. 

Bên cạnh đó, để sử dụng hiệu quả thời gian nghỉ để phòng, chống dịch, một số đơn vị trường học tổ chức dạy học trực tuyến bằng các phần mềm như VNPT E-Learning; Trí Việt E-Learning; Zoom Cloud Meetings trên PC, Android và iOS…

Ngoài ra, một trong những hình thức học phổ biến khác là tạo nhóm trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... hoặc các mạng nội bộ của trường để GV và HS cùng trao đổi kiến thức và tự học với nhau. Từ khi áp dụng dạy học trực tuyến tại Cà Mau, các trường đã tạo hơn 20.000 khóa học với gần 80.000 HS tham gia (đạt hơn 43%). Trong đó, cấp tiểu học là gần 40%; cấp THCS là hơn 36% và cấp THPT là hơn 67%.

Nhiều đơn vị, trường học, nhất là các trường THPT đã triển khai và thực hiện khá bài bản và hiệu quả với số lượng HS tham gia đạt tỷ lệ cao như: THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (100%); THCS - THPT Vàm Đình (99,3%); THPT Đầm Dơi (94,6%); THPT Hermann Gmeiner (93%); THPT Tân Bằng (90,1%); THPT U Minh (89,4%)…

Một số trường học đã quan tâm đến việc dạy và học qua Internet, GV và HS có cơ hội tiếp cận thêm hình thức dạy - học mới. Tuy nhiên, với đặc thù là địa phương nằm ở cực Nam Tổ quốc - nơi phần lớn HS học tập, sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa nên việc học trực tuyến rất khó khăn. Một thực tế không thể phủ nhận là chất lượng dạy và học nơi đây có sự phân hóa, chênh lệch giữa vùng nông thôn và thành thị.

Nắm được tình hình này, Sở GD&ĐT Cà Mau đã chỉ đạo các nhà trường chủ động triển khai nhiều phương pháp cùng lúc, tạo sự linh động trong công tác dạy và học. Cụ thể, những đơn vị có điều kiện thuận lợi sẽ triển khai dạy trên các phần mềm trực tuyến nêu trên. 

Trường hợp, tại đơn vị trường học có nhiều HS không có điều kiện học trực tuyến, hạ tầng mạng hạn chế… thì Sở chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn GV giảng dạy thông qua hình thức soạn giảng, giao bài tập cho từng HS.

Theo đó, GV bộ môn sẽ soạn giảng, photo giao bài cho từng HS. HS sẽ nộp trả bài và GV sẽ kiểm tra kiến thức mà các em đã lĩnh hội. Từ đó, GV sẽ có định hướng, kế hoạch giảng dạy cho thời gian tới. Trong thời gian đó sẽ có sự kiểm tra, đánh giá chất lượng, bảo đảm mặt bằng kiến thức chung của HS (nơi có điều kiện và không có điều kiện).

Dạy học qua truyền hình phát huy hiệu quả

Nhằm giúp cho học sinh định hướng, ôn tập và thi kết thúc học kỳ II năm học 2019 - 2020, cũng như chuẩn bị ôn tập cho HS khối 12 thi THPT quốc gia trong tháng 8 tới, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Cà Mau tổ chức dạy học trên sóng truyền hình.

Để chuẩn bị cho việc dạy học trên truyền hình đạt hiệu quả, trước đó, Sở đã huy động 42 GV bộ môn được chọn ra từ các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tham gia dạy học ở một số môn của khối lớp 9 và 12. Những GV này sẽ luân phiên dạy học ở các bộ môn gồm: Văn học, Vật lý, Hóa học, Toán, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh và Giáo dục công dân dành cho khối 12 và các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh dành cho khối lớp 9.

Hàng tuần, từ thứ 2 đến thứ 7, tất cả các môn học này sẽ được phát sóng theo thời khóa biểu riêng từng ngày vào một khung giờ ấn định. Thời gian phát sóng của mỗi môn học là 45 phút. Khán giả và phụ huynh, HS có thể theo dõi chương trình này đồng thời trên sóng truyền hình Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, và phát song song trên App CTV Online. Kết quả đã thực hiện ghi hình 17 tiết (tính đến ngày 10/4) và đã phát sóng 10 tiết. Số HS học tập và khán giả theo dõi có hơn 50.000 lượt người (qua thống kê của hệ thống điện tử).

Cô Trần Thị Thúy, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Cà Mau chia sẻ: “GV tham gia giảng dạy trên truyền hình đều xác định chuẩn kiến thức để truyền đạt cho các em. Trong đó, chúng tôi chú trọng ôn tập, củng cố và hệ thống lại cho các em những kiến thức ở học kỳ I. Bên cạnh đó, đối với việc giảng dạy bài mới thì mỗi GV phải chọn những chuyên đề, những kiến thức trọng tâm, quan trọng để truyền thụ cho các em”.

Chia sẻ về phương pháp học tập mới, em Trương Thảo Anh, lớp 12C6, Trường THPT Trần Văn Thời cho biết: “Ngày 8/4 là ngày đầu tiên em tham gia học trên truyền hình. Cảm giác mới mẻ so với cách học truyền thống trước đây. Tuy nhiên em nhận thấy, các chuyên đề mà thầy cô giảng dạy rất dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với những kiến thức mới. Riêng đối với những kiến thức cũ ở học kỳ I, em cũng dễ dàng hệ thống hơn, bởi đây đều là những kiến thức cơ bản đã được thầy cô tinh giản, chắt lọc nên rất dễ nắm bắt”.

Hình thức học trực tuyến hay thông qua truyền hình không chỉ góp phần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả mà đang mở ra nhận thức mới trong cách dạy và học cho từng GV, HS tại địa phương. Bởi, trong thời kỳ kỷ nguyên số phát triển như hiện nay, việc tiếp cận nhiều phương pháp học tập khác nhau sẽ giúp HS phát huy tính tự học, tự rèn luyện và tiếp cận nhiều công nghệ học tập mới.

“Ngày 8/4 là ngày đầu tiên em tham gia học trên truyền hình. Cảm giác mới mẻ so với cách học truyền thống trước đây. Tuy nhiên em nhận thấy, các chuyên đề mà thầy cô giảng dạy rất dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với những kiến thức mới. Riêng đối với những kiến thức cũ ở học kỳ I, em cũng dễ dàng hệ thống hơn, bởi đây đều là những kiến thức cơ bản đã được thầy cô tinh giản, chắt lọc nên rất dễ nắm bắt” - Trương Thảo Anh, lớp 12C6, Trường THPT Trần Văn Thời chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ