Dạy học online: Không thể thiếu định hướng của giáo viên

Dạy học online: Không thể thiếu định hướng của giáo viên

Tự học… bắt buộc

PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc thư viện Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) nhận xét: Việc SV đọc sách ít hay nhiều phụ thuộc rất nhiều vào động cơ học tập, chương trình và phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá của giảng viên.

“Muốn khuyến khích SV tự học, tự đọc, giảng viên phải có những phương pháp để buộc các em phải đọc sách. Ví dụ, như khi dạy một chương mới, tôi thường trình bày những kiến thức của chương đó tác động cuộc sống, nghề nghiệp của các em, kể thêm một vài câu chuyện ứng dụng có liên quan đến nội dung kiến thức của chương trình học rồi giới thiệu những đầu sách mà các em cần đọc. Kết thúc chương, sẽ có bài kiểm tra theo hình thức E-Learning. SV muốn đăng nhập vào hệ thống để làm bài kiểm tra sẽ phải trả lời khoảng 10 câu test có liên quan đến việc đọc sách tham khảo, nếu trả lời đúng chừng 80% mới được hệ thống chấp nhận để mở bài kiểm tra”.

TS Ngũ Thiện Hùng – Trưởng khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Muốn người học có ý thức tự học, người dạy phải công khai các yêu cầu, những chuẩn cần đạt và phải có chế tài bắt buộc và nghiêm túc thực hiện, không có trường hợp chiếu cố. Bởi để có một giờ học chỉ khoảng 40 - 45 phút cho phần mềm trực tuyến Zoom giảng dạy có hiệu quả, giảng viên tương tác được nhiều hơn, SV cần phải có sự chuẩn bị, gồm hoàn thành các bài tập được giao, tự nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức mới để giờ giảng ở trên lớp, thầy trò chủ yếu tập trung vào đào sâu kiến thức, chú trọng thực hành, giải đáp các thắc mắc của SV. Nếu người học không tự học gần như bị “bỏ rơi” trong giờ học”.

Sau khoảng thời gian triển khai thí điểm dạy trực tuyến 3 môn Toán – Ngữ văn – Anh văn cho HS khối 9, Trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã lên kế hoạch dạy – học trực tuyến 3 môn học này từ 30/3 cho các khối lớp còn lại. Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ chia sẻ: “Các môn học này, tại trang web OLM của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 đã có đầy đủ các bài giảng chuẩn của các khối lớp, nhà trường cung cấp địa chỉ trang web cho HS xem trước. Trong 45 phút dạy trực tuyến qua phần mềm Zoom giảng dạy, GV giải đáp thắc mắc cho HS, chốt lại nội dung và hỗ trợ, hướng dẫn các em giải bài tập”.

Dạy học online: Không thể thiếu định hướng của giáo viên ảnh 1
Một giờ giảng trực tuyến tại studio của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng.

Để giải pháp tình thế trở thành thói quen

Sự thụ động trong học tập của SV đang là vấn đề bức xúc vì những biểu hiện của nó ai cũng có thể nhìn thấy một cách dễ dàng: SV thiếu đầu tư, quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch học tập hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện cá nhân; không chú trọng sắp xếp thời gian, phải làm gì để đạt kết quả tối ưu trong học tập. SV thiếu quan tâm, không nắm vững chương trình học toàn khóa từng năm, từng học kỳ. Ít chú trọng đến mục đích của từng học phần mà chỉ quan tâm đến nội dung trong học phần đó nhằm đối phó trong thi cử. 

Việc tự học, tự nghiên cứu còn quá thiếu và yếu; Việc chuẩn bị bài ở nhà chưa được xem trọng, nếu có chuẩn bị thì còn quá sơ sài; không đọc tài liệu, tìm hiểu về bài học trước khi đến lớp nghe giảng cho dù đã có chương trình học, giáo trình, tài liệu. Phần đông SV thiếu tập trung khi học tập, không chủ động tiếp thu kiến thức, hoàn toàn dựa vào sự chỉ bảo, hướng dẫn của GV, rất ít khi thắc mắc về nội dung học tập hay phát biểu ý kiến trong lớp; SV chỉ học và thực hiện những gì GV yêu cầu…

Một kinh nghiệm của PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm trong thúc đẩy việc tự học, tự nghiên cứu của SV chính là giảng viên phải truyền cảm hứng và “rèn” hành vi tự học thông qua việc đọc sách chuyên ngành cho SV. “Theo dõi tình hình mượn sách ngoại văn, chúng tôi thấy có một số thầy cô yêu cầu nên số lượng SV đến thư viện để photo những bài báo, tài liệu bằng tiếng Anh tăng lên rõ rệt. Có thể lúc đầu là SV “buộc” phải đọc, nhưng dần dà sẽ tạo thành thói quen đọc sách cho các em” – PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm khẳng định.

PGS.TS Võ Trung Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng luôn yêu cầu SV của mình phải đọc tài liệu trước khi lên lớp, giờ học sẽ chủ yếu trao đổi và thảo luận nhóm, giải quyết các bài toán thực tiễn và giải đáp thắc mắc. 

“Với cách làm việc như vậy, SV vừa được rèn luyện khả năng tự học, phương pháp làm việc nhóm, trình độ ngoại ngữ cũng được cải thiện do phải tự nghiên cứu tài liệu và đặc biệt là khả năng vận dụng lý thuyết vào giải quyết các bài toán thực tiễn sẽ được nâng lên rõ rệt. Những phương pháp này sẽ giúp các em khắc sâu kiến thức và khả năng vận dụng hơn rất nhiều so với việc giảng viên cứ nói, SV cứ nghe. Tất nhiên, muốn được như vậy SV phải luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ giảng viên. Chính vì vậy, mình luôn khuyến khích SV gửi các thắc mắc qua email và đều được giải đáp kịp thời” – thầy Hùng trao đổi.

Cô Hồ Thị Tâm (GV Ngữ văn, Trường THPT Quốc Học – Huế) cho rằng: Nếu xác định được mục tiêu, dạy – học online không chỉ tồn tại trong mùa dịch như một giải pháp tình thế. Nó sẽ trở nên phổ biến trong đời sống chúng ta, như nhiều nền giáo dục trên thế giới đã từng và đang thực hiện. 

Dạy học online trong mùa dịch là giải pháp tình thế. Nhưng khi hoàn cảnh kéo dài phải tập thích ứng dần. Với cách thức này, vai trò của người dạy rất quan trọng trong việc định hướng và hướng dẫn. Người học phải cực kỳ ý thức việc học. Một khi người học biết họ cần học gì, và người dạy biết họ nên dạy gì, lúc đó, việc dạy – học online mới thực sự hiệu quả. - Cô Hồ Thị Tâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ