Không chỉ vậy, cháu còn lười nói và chỉ thích dùng ngôn ngữ cử chỉ. Nhiều người biết chuyện, người bi quan bảo cháu có dấu hiệu tự kỷ, người thì an ủi chẳng qua là cháu chậm nói mà thôi.
Cũng tin chắc rằng bé chỉ bị chậm nói, vợ chồng chúng tôi tự tìm kiếm thông tin, hỏi han các chuyên gia và những người có kinh nghiệm, bằng mọi cách giúp con tập nói. Khi ấy mới thấm thía lời dạy của các cụ: Trẻ lên ba cả nhà học nói. Kết quả tiến triển nhanh chóng khi cha mẹ tập nói cùng con: Cháu nói được câu 3 từ, rồi cả câu dài, rồi biết kể chuyện… Đến bây giờ, cháu chuẩn bị vào lớp 1, năng lực ngôn ngữ hoàn toàn bình thường như chúng bạn.
Từ thực tế của bản thân mình, tôi nghiệm ra rằng, ở độ tuổi con bắt đầu tập nói, cha mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu đặc biệt từ con. Nếu con chậm nói hoặc nói khó khăn, cần giúp đỡ con trong việc học nói. Cố gắng dành thời gian nhiều nhất có thể cho con. Chúng ta có thể trò chuyện cùng con để năng lực thẩm thấu ngôn ngữ của bé được tăng lên.
Cha mẹ cũng có thể giúp con bắt chước nói theo mình từ những từ đơn giản đến những câu phức tạp hơn hoặc đọc thơ, truyện, hát chậm rãi cho con nghe. Đồng thời, cũng cần kiên nhẫn chờ đợi và lắng nghe con tập nói. Bởi nếu không có sự kiên nhẫn ấy, không phải chúng ta mà chính các con sẽ dễ nản lòng.
Trong giai đoạn học nói, trẻ con thường bắt chước lời nói của người lớn và do đó, thường ảnh hưởng thói quen ngôn ngữ từ những người xung quanh. Hãy dạy con mình nói những lời hay ý đẹp. Tránh nói những lời tục tĩu, cộc cằn khi con ở bên cạnh.
Chúng ta nên nhớ rằng, trẻ con bao giờ cũng bắt chước rất nhanh. Những gì mà cha mẹ nói hằng ngày, con trẻ sẽ ghi nhớ rất sâu và nói lại theo như vậy. Nói cách khác, khi con tập nói, vai trò của cha mẹ là rất lớn đối với năng lực ngôn ngữ của con sau này.