Các tác phẩm của ông thường kết hợp giữa chất liệu siêu thực, độc đáo với nhiều ảo giác, mộng mị về hiện thực, tạo cho người xem cảm giác ghê rợn, sợ hãi.
Đời tư nổi bật của một đạo diễn
David Keith Lynch - sinh ngày 20/1/1946 - là đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, họa sĩ, nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia người Mỹ. Lynch sinh ra trong gia đình tầng lớp trung lưu tại Missoula, bang Montana. Khi còn nhỏ, Lynch từng chu du khắp đất nước. Sau đó, ông theo học mỹ thuật tại Học viện Nghệ thuật Pennsylvania ở Philadelphia. Nơi đây, ông bắt đầu sản xuất những thước phim ngắn đầu tiên.
Lớn lên trong một gia đình có cha là nhà khoa học, mẹ là cô giáo dạy tiếng Anh, có lẽ chẳng ai nghĩ rằng, chàng David Lynch nổi loạn sau này sẽ trở thành một trong những nhà làm phim nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh. Lynch đến với phim thông qua âm thanh và những bức tranh đầy màu sắc.
Ông từng chia sẻ, khi đang vẽ một người phụ nữ trong khu vườn, ông chợt nghe thấy tiếng gió thổi, và bức tranh bắt đầu chuyển động. Hoặc như khi ông từng bắt gặp một người phụ nữ với khuôn miệng đầy máu bước đi trên đường rồi sau đó biến mất.
Những trải nghiệm lạ kỳ này có thể góp phần tạo nên viên gạch đầu tiên để David Lynch xây dựng sự nghiệp làm phim với những câu chuyện hư ảo giữa mơ và thực, phá vỡ mọi cấu trúc kể chuyện điển hình trong điện ảnh.
Phong cách làm phim độc đáo
Phim của David Lynch thường thiếu yếu tố tường thuật. Nó không mang tính giải thích nhiều và luôn có sự kết nối giữa các tình tiết, tùy thuộc vào cách hiểu của người xem. Con đường ảo mộng là phim tiêu biểu nhất cho phong cách đó. Bao nhiêu phần trăm trong Con đường ảo mộng là thật, đâu là điểm bắt đầu và đâu là điểm kết thúc của giấc mơ?
Chẳng ai biết, và Lynch cũng không muốn giải thích. Bởi ông cho rằng, người xem phải tự đi tìm trải nghiệm và cảm xúc riêng của mình trong đó.
Độc đáo, kỳ ảo nhưng cũng không kém phần ghê rợn, bạo lực và ám ảnh, phim của David Lynch làm không hiếm người nghĩ rằng, ông hẳn phải là một nhà làm phim với tâm hồn đầy sóng gió và đau khổ, mới có thể tạo nên những tác phẩm tăm tối như thế.
Tuy vậy, trong triết lý làm phim của mình và trong những dòng tự sự về cuộc đời, ông không cho rằng làm nghệ thuật là phải đau khổ, phải quằn mình bám lấy những cảm xúc tiêu cực. Bởi theo ông, quá trình bị áp lực đè nặng, vượt qua sức chịu đựng của con người có thể gây hại cho quá trình sáng tạo.
Những thành tựu đáng nể
Năm 1997, David Lynch chuyển tới Los Angeles và sản xuất bộ phim dài đầu tiên là Tẩy não. Sau khi tác phẩm siêu thực kinh dị này tạo tiếng vang trong cộng đồng phim đêm khuya, Lynch đạo diễn bộ phim tiểu sử về Joseph Merrick mang tên Người voi (1980) mang về thành công lớn. Ông được De Laurentiis Entertainment Group chiêu mộ và thực hiện thêm hai bộ phim: Khoa học viễn tưởng Xứ cát (1984), và Nhung xanh (1986) gây nhiều tranh cãi nhưng được giới phê bình đánh giá cao.
Tập trung vào chủ đề siêu thực, David Lynch liên tiếp phát hành ba bộ phim xoay quanh nội dung về “logic giấc mơ” và cách dẫn chuyện độc đáo: Phim tâm lý ly kỳ Mất đường cao tốc (1997), phim Con đường ảo mộng (2001) và phim kỳ bí Đế chế nội địa (2006). Ông còn sản xuất nhiều chương trình lấy Internet làm trọng tâm, như phim hoạt hình Vùng đất im lặng (2002) và phim hài kịch tình huống Những con thỏ (2002).
Vào ngày 27/10/2019, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã công bố nhà làm phim sáng tạo David Lynch được nhận giải thưởng thành tựu trọn đời Oscar.
Trước đây, David Lynch đã được 3 lần đề cử giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể hay nhất cho các tác phẩm Người voi, Nhung xanh và Con đường ảo mộng nhưng vẫn chưa một lần chạm tay tới chiến thắng. Lynch hai lần thắng giải César cho phim nước ngoài hay nhất, giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes và giải Sư tử vàng cho Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim Venice. Chính phủ Pháp đã tặng ông Huân chương Bắc đẩu bội tinh, với danh hiệu “Hiệp sĩ” năm 2002 và “Sĩ quan” năm 2007.
Không chỉ có vậy, David Lynch đã phát hành 2 album đơn ca là Crazy Clown Time (2011) và The Big Dream (2013), cùng âm nhạc trong nhiều bộ phim như “Ghost of Love” trong phim Vùng đất im lặng. Ông thành lập Quỹ David Lynch để hưởng ứng cho chương trình dạy Thiền định tại nhiều trường học và tác giả của hai quyển sách có tên là Images (1994) và Catching the Big Fish (2006), đồng thời đạo diễn nhiều video âm nhạc cùng quảng cáo khác.
Sống vì phim, hay nói đúng hơn là sống vì nghệ thuật, David Lynch không lo bộ phim của mình sẽ được đón nhận thế nào. Ông cho rằng, nếu suy nghĩ quá sâu về nó, về việc nó sẽ làm tổn thương người này, tổn thương người kia, hoặc họ sẽ cảm thấy thế nào về bộ phim… thì sẽ chẳng còn ai làm phim nữa. Vậy nên, Lynch chỉ làm những gì mình thích và không bao giờ biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.