Dấu xưa quê nội

GD&TĐ - Hôm nay nó về quê giỗ ông nội. Vậy là ông đã xa thế giới này, xa gia đình nó đã gần năm. Ông nó ra đi sau một tuần ngã bệnh, không ai trong gia đình có thể tin được, vì sức khỏe của ông rất tốt, ngày ngày vẫn đạp chiếc xe dã chiến từng một thời vào ra chiến trường, bây giờ là phương tiện để ông đi buôn bán nông sản, đi thăm con cháu... 

Dấu xưa quê nội

Gần 20 năm, sự thay đổi quá lớn cho tất cả mọi người, những đứa cháu còn non nớt của ông ngày nào giờ đã trưởng thành, có những gia đình nhỏ, bố mẹ lại già nua, nhất là bố: Đã bắt đầu mang bóng dáng sự già của ông 30 năm về trước...

Tuổi thơ của chị em nó không được sinh ra tại quê hương, nhưng quê hương lại luôn in đậm bằng chính hình ảnh thân thuộc của ông nội và ông ngoại. Bà ngoại nó mất khi nó còn chưa qua tuổi mẫu giáo, cái tuổi chưa đủ khả năng cảm nhận mọi mất mát diễn ra. Ông ngoại mất sau đó hơn chục năm, lúc này nó cũng đã biết được thế nào là nỗi đau nhưng chưa sâu sắc lắm, Khi ông nội nó mất, nó đã học lớp 11, đã cảm nhận được nỗi đau mất mát, những hình ảnh ấy vẫn in đâm trong nó đến ngày hôm nay...

Tuổi thơ của chị em nó lớn lên bằng những ngày hè và ngày tết được về quê chơi, hay những ngày ông lên thăm nhà nó. Ông là một thanh niên xung phong, là dân công hoả tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, mồ côi từ nhỏ, lấy bà và ở rể trên mảnh đất nhà ngoại khi tuổi cũng đã cao so với thời ấy.... Nó được mẹ kể cho nghe ngày bố mới xuất ngũ quay về học cấp 3 cùng mẹ, bố làm quen với mẹ, ông lên tận nhà ông bà ngoại chơi hay ra đồng xem mẹ cấy,mẹ khi ấy nổi tiếng cấy giỏi nhưng khá nghịch, mẹ cấy mạ phía trước, ông đi sau nói chuyện, mẹ vẩy mạ ướt hết người ông, vậy mà về từ đầu làng gặp ai cũng khoe: con dâu tôi cấy lúa giỏi, nhanh... Hay khi bố mẹ đã đi học chuyên nghiệp, ông toàn lên nhà ông bà ngoại chơi kiểu giữ… chỗ cho con trai. Ấy thế mà rồi lại nên chuyện…

Bố mẹ kết duyên, chị em nó lần lượt ra đời, lớn lên trong những năm tháng cả nước khó khăn, mẹ nó một nách ba con thơ nên mỗi độ hè về chúng nó thường được bố mẹ cho về quê chơi, cũng là cách gửi chúng nó để mẹ đi làm. Mùa hè đến cũng là lúc quê nó vào vụ gặt, sau đó là thu hoạch hoa màu...

Ở quê nhà nào cũng có một cái sân thật to, buổi tối đèn măng xông được thắp lên sáng chưng cả sân, đàn ông thì đập lúa, đàn bà thì gom rơm chất thành đống, còn chúng nó thì thi nhau lăn trên đống rơm còn nguyên mùi lúa mới, hò hét chí choé loạn cả sân. Bao giờ cũng thế, khi chúng nó thấm mệt là đã thấy ông bưng ra nồi khoai hay nồi ngô nóng hổi. Chúng nó tranh nhau chọn củ to, nóng nhảy như con choi choi, ông lại cười vang và mắng yêu: cha bố mày, cứ ở đây với ông bà ngày nào cũng có khoai ăn, chỉ sợ mấy hôm nữa chán khóc đòi về...

Lũ trẻ hít hà vừa ăn vừa thổi, ông bà ngồi quạt mát cho cháu bằng những chiếc quạt được làm từ mo cau, ăn xong mọi người lại tiếp tục đập lúa còn lũ chúng lăn ra ngủ từ khi nào không biết... sáng mai được đánh thức dậy bằng mùi cơm gạo mới thơm phúc, cái mùi ấy nó còn vương đến bây giờ. Mà khi có gia đình rồi nó cũng cố canh những đợt lúa mới gặt, ăn những bát cơm gạo mới, nhưng sao không thấy thơm, ngon và ngọt như ngay xưa! Phải chăng do thời ấy đói, cuối vụ là ăn cơm độn sắn, khoai, gạo mốc... nên một bữa cơm gạo mới thấm đầu lưỡi đến tận bây giờ.

Bố mẹ nó cùng một xã nhưng khác làng; mỗi lần về từ nhà nội lên nhà ngoại hay ngược lại thường đi tắt con đường qua chợ liên xã. Ngôi chợ giờ gần như hoang phế, thảng hoặc mới có buổi chợ phiên lác đác người. Chỉ có những cây cổ thụ vẫn lừng lững như ngày nào, soi bóng cho những mái lều tranh xiêu vẹo, trong một không gian trầm mặc như từ tận thế kỷ nào. Nó thường tự hỏi: sao những ông làm phim muốn dựng cảnh xưa không biết về đây, đảm bảo chẳng phải mất công dàn dựng phim trường làm gì…

Ngôi chợ ấy trước đây sầm uất lắm. Tiếng là chợ liên xã, nhưng trong chiến tranh lại thành chợ trung tâm của cả vùng, do người dân sơ tán tránh máy bay Mỹ, tụ họp về rồi tận dụng không gian chợ để trao đổi, mua bán. Chợ là nơi mà nó háo hức nhất mỗi khi được về quê. Chợ chỉ họp vào vào buổi sáng những ngày quy định trong tháng mà ông thường gọi là chợ phiên, còn những ngày khác thì chợ bỏ không. Khi chưa biết gì, bố toàn bảo ngoan mùng một tết bố cho đi chợ mua bóng bay, pháp tép. Thế là hào hức, thế là đợi chờ, bao năm vẫn bị bố dụ thế, vẫn tin... sau này mới phát hiện ra: Vắng như chợ sáng mùng một Tết...

Những ngày chợ phiên, ông bà đội lạc, lúa, khoai ra chợ bán, dẫn theo bầy cháu nhỏ đi tắt qua cánh đồng, từ xa đã nghe tiếng người lao xao trả giá, chị em nó phi một mạch vào chợ còn ông phải đi chậm chờ bà vì chân bà yếu. Chúng la cà hết quán nó đến quán kia để chờ ông bà bán xong mọi thứ, lúc ấy sẽ được ông dẫn đi mua cái kẹo hay cái bánh xèo... nhưng có lẽ sướng nhất và mong chờ nhất là có những buổi chợ ông hào phóng mua cho chị em mỗi đứa một bát bún thịt mọc.

Ôi chao, sao bát bún khi ấy ngon lành đến thế, dù chỉ là một nắm bún, mấy cái mọc thịt chan lên một môi nước dùng cũng trắng tinh, không hành không rau, mà chị em nó xì xụp ăn đến cọng bún cuối cùng còn thòm thèm, rồi nịnh ông: Hôm sau lại ăn nữa, ông nhá. Bao giờ ông cười khà khà: Cha bố này, cứ ở nhà với ông, ông cho ăn hàng ngày...

Vào những chiều mùa hè, ông và chú sẽ đi đến những nhà có dừa kiểm tra xem dừa đến lúc chặt chưa? Nhà ai thuê thì chặt lấy công, nhà ai bán thì mua, ông thường nói dừa nên chặt vào buổi sáng hoặc khi chiều đã mát để nước dừa không chua, dừa mua về sẽ gọt vỏ, xếp đầy hai sọt, sáng mai ra ông đạp xe lên huyện để bán, món hàng được giá nhất thời bao cấp, nhất là so với các loại nông sản khác.

Ông luôn đi khi chúng nó đang ngủ, nhưng chiều về chúng nó luôn ra ngõ ngóng ông vì bao giờ trong hai cái sọt rỗng ấy sẽ có quà, đơn sơ gọi là thôi, nhưng không bao giờ ông quên... Cứ đến đầu ngõ là ông gọi to: Cháu tôi đâu rồi, cháu tôi đâu rồi? Chúng nó ùa ra đón ông, nhận quà từ ông, hồ hởi mà để ý mồ hôi chảy ròng trên khuôn mặt sạm nắng của ông. Năm tháng thanh bình cứ thế đi qua...

Ông mất đột ngột khi mùa hè vừa gõ cửa. Hơn chục năm sau, bà cũng qua đời. Từng ấy năm, bố mẹ đã thay ông bà làm nghĩa vụ lo lắng cho các chú, các cô. Lũ cháu lít nhít ngày nào giờ cũng đã trưởng thành, nhưng thời gian không xoá đi những dấu ấn, kỷ niệm mà chúng cháu đã có về ông. Thời gian có thể phai mờ đi nhiều thứ, nhưng thứ luôn luôn sáng rõ đó là tình mẫu tử thiêng liêng... Nó nhớ ông, người ông đôn hậu, hiền lành mà chất phác của nó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.