Theo thông tin của báo Tuổi trẻ, gần đây, Đắk Lắk ghi nhận nhiều vụ ngộ độc do ăn thịt cóc, thịt nưa (giống trăn), thịt chó hoặc uống rượu ngâm rễ cây, tiết, mật động vật. Có những vụ nhiều người trong cùng gia đình, làng xóm bị ngộ độc, có người nguy kịch, tử vong.
Anh Y Hùng (21 tuổi) - người trực tiếp hái nấm - kể khoảng 15g ngày 7-6 sau khi đi tắm ở thác Đray Sáp, anh đã hái 3-4 kg nấm màu trắng về nấu mì tôm cho mấy anh em ăn. Khoảng một giờ sau, cả bảy người đều chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu nên được đưa đi cấp cứu.
Trước đó, cuối tháng 5-2015, một vụ ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây hà thủ ô tại huyện Ea H’Leo khiến một người tử vong, một người nguy kịch. Nạn nhân tử vong là ông Nông Văn Thụ (51 tuổi, trú thôn 3, xã Cư Wy, Ea H’Leo), người phải cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Ea H’Leo là ông Nông Văn Vương (47 tuổi, trú thôn 10, xã Cư AMung, Ea H’Leo).
Triệu chứng của hai nạn nhân được ghi nhận là chóng mặt, buồn nôn và co giật. Vợ ông Vương kể rượu hai người uống do bà nấu, ngâm với các loại rễ hà thủ ô tự đào trong rừng. Rượu này gia đình uống 5-6 lần, chính vợ ông Vương cũng uống nhưng không bị gì. Trước khi uống rượu, ông Vương có uống một hộp sữa, còn ông Thụ thì chưa ăn gì.
Các bệnh nhân tại xã Đray Sáp (Krông Ana, Đắk Lắk) trong vụ ngộ độc nấm được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuổi trẻ
Đau lòng nhất là câu chuyện của ba chị em H’Chúa (9 tuổi), H’Nách Byă (3 tuổi) và Y’Thuật Byă (hơn 1 tuổi) ở buôn Phung, Cư Pui (Krông Bông, Đắk Lắk) bị ngộ độc nặng sau khi ăn canh cóc. Theo H’Chúa, vì nhà nghèo, cha mẹ đi làm ăn xa nên em bắt một con cóc màu đen (cóc mủ) về nấu canh cho các em ăn.
Tuy nhiên H’Chúa chỉ làm sạch da, còn trứng, nội tạng cóc vẫn để nguyên bỏ vào nồi nấu. Sau đó chỉ có H’Chúa và hai người em khác là ăn và thấy chóng mặt, buồn nôn phải nhập viện. Hai em H’Nách và Y’Thuật đã không thể qua khỏi.
Ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc. Triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện: bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, Block nhĩ - thất, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt; rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp. Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...
Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả.
Cụ thể: Phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.
Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận....
Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo...
Cóc với sức khỏe của con người bên cạnh những lợi ích là những nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Để dự phòng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành; nếu muốn sử dụng thịt cóc để ăn cần loại bỏ cóc tía (cóc có mắt mầu đỏ), thịt cóc theo đúng quy trình (cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch), chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm.
Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt - trưởng khoa hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk - cho biết biết ngoài ca khiến bảy anh em trong một gia đình nhập viện tại huyện Đray Sáp kể trên, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca ngộ độc liên quan đến nấm, trong đó có những ca nguy kịch, có trường hợp đã tử vong. Tháng trước cũng có ba người trong một gia đình ăn nấm bị ngộ độc, một ca suýt tử vong.
Bác sĩ Nhựt khuyến cáo nấm có loại độc. Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, đẹp và thu hút. Trong khi đó nấm không độc thường xù xì, hình dáng xấu và có hai màu đen, trắng.
“Tập quán của người dân là hay hái nấm trong rừng, rẫy về chế biến thức ăn, rất dễ dẫn đến ngộ độc. Vì vậy người dân trước khi hái, ăn cần biết chắc loại nấm gì hoặc nên mua nấm được bán tại chợ, siêu thị có nguồn gốc. Nếu không phân biệt được đó là loại nấm gì, có độc hay không thì tuyệt đối đừng ăn” - bác sĩ Nhựt khuyên.