Đầu tư vào nông nghiệp: Doanh nghiệp chưa mặn mà

GD&TĐ - Nhằm tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, thời gian qua đã có nhiều chính sách ưu đãi được ban hành, nhưng cho đến nay, DN vẫn thờ ơ khi đầu tư vào lĩnh vực này. 

Đầu tư vào nông nghiệp:  Doanh nghiệp chưa mặn mà

Vậy đâu là nguyên nhân? Chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn, hay chính những thủ tục hành chính phiền nhiễu đang khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà?

Những rào cản cần tháo gỡ

Theo báo cáo đánh giá thực tiễn về những vướng mắc và khó khăn của DN khi đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị định 210/2103/NĐ-CP của Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam tại Hội thảo Tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển DN trong nông nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội, kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NNNT) còn rất hạn chế mặc dù Nghị định 210 đã có hiệu lực từ 4 năm nay.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp vẫn chậm hơn so với DN ở các lĩnh vực khác. Đến tháng 9/2016, chỉ có 4.424 DN hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số DN cả nước.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại diện Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cho rằng là do chưa huy động được sự tham gia phù hợp của các thành phần kinh tế đầu tư vào NNNT do giới hạn đối tượng là DN, trong khi các nhà đầu tư vào NNNT Việt Nam có thể gắn với rất nhiều hình thức như: Nhà đầu tư tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất, tổ nhóm trang trại...

Một số quy định tại Nghị định 210 chưa phù hợp thực tế, gây khó khăn cho DN. Đặc biệt, điều kiện được thụ hưởng chính sách của Nghị định khó khả thi do nhiều tiêu chí có định mức quá cao, hoặc khó xác định nên DN khó tiếp cận chính sách như:

Để dự án được hưởng ưu đãi, hỗ trợ, một trong các điều kiện là sản phẩm chế biến phải tăng giá trị gấp đôi so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu, quy định sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động đạt mức tăng tỷ lệ giá trị chế biến trên hai lần.

Chưa kể về thủ tục hành chính, DN phải thực hiện khoảng 16 bước (với khoảng 40 văn bản có liên quan) để triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ, nhất là thủ tục hành chính như: Xây dựng, đất đai, môi trường, hỗ trợ đầu tư… còn phức tạp, xin chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, thực hiện quy hoạch tỷ lệ 1/500 thủ tục về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường và đặc biệt là các giấy phép con vẫn còn tồn tại khá nhiều trong ngành nông nghiệp.

Chính những hạn chế và vướng mắc này đã và vẫn đang tạo ra các rào cản, khó khăn để Nghị định 210 thực sự đi vào cuộc sống, không đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra của Chính phủ khi xây dựng chính sách này. Do đó cần phải rà soát, chỉnh sửa lại Nghị định 210 đủ sức hấp dẫn, phù hợp hội nhập, tình hình kinh tế để có thêm DN đầu tư vào nông nghiệp...

Xóa bỏ cơ chế xin - cho

Cũng tại Hội thảo các chuyên gia cho rằng, từ “hỗ trợ” nên được định nghĩa rõ ràng là Nhà nước dành ra một khoản ngân sách nhất định hằng năm để chi cho một số lĩnh vực nhằm khuyến khích DN đầu tư nông nghiệp.

Những sự hỗ trợ này phải minh bạch, dứt khoát, nên bỏ việc lồng ghép vào các chương trình khác để dễ tổng kết, đánh giá và quy trách nhiệm một chương trình thành công hay thất bại cho một tổ chức hoặc cá nhân nhất định.

Chẳng hạn về đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cấp một lần, vô thời hạn cho nông dân để không phải tốn kém trong việc cấp lại sổ đỏ. Việt Nam nên học Nhật Bản và Hàn Quốc lập cơ quan quản lý và môi giới đất nông nghiệp để xúc tiến việc chuyển nhượng, buôn bán, tích luỹ đất đai ở nông thôn. Nếu DN có nhu cầu sở hữu đất đai nông nghiệp, Nhà nước nên cho vay vốn với lãi suất 0% trong thời hạn 20 năm.

Ngoài ra cần giảm thiểu các thủ tục hành chính để các hộ kinh doanh cá thể chuyển lên thành DN kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được dễ dàng hơn. Bởi hiện tại, một hộ kinh doanh nếu chuyển lên DN, họ chưa làm gì nhưng vẫn mất 5 - 10 triệu đồng để tuân thủ các loại chi phí.

Nói về sửa đổi Nghị định 210, các chuyên gia cho rằng cần phải sửa chính sách thúc đẩy đầu tư phải xây dựng cơ chế, phân loại DN để có hỗ trợ riêng. Đồng thời cần xây dựng chính sách theo hướng kiến tạo nguồn lực, tức là tập trung vào chính sách ưu đãi không sử dụng vốn.

Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, xoá bỏ cơ chế xin - cho. Thay mệnh lệnh hành chính bằng cơ chế thị trường, cắt giảm thủ tục hành chính, thuế, hải quan...

Các chuyên gia cho rằng, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp không thể theo kiểu nếu trước đây khuyến khích bằng cách giảm 5%, giờ giảm thêm 10%. Đó là cách làm theo kiểu “cơi nới” trong khi cái cũ vẫn được bảo vệ, thủ tục hành chính vẫn trói buộc DN nên dù có ưu đãi nhiều đến mấy cũng không có nhiều ý nghĩa để thu hút thêm các DN đầu tư vào lĩnh vực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.