Đấu thầu vàng miếng vào ngày 23/4: Giá vàng trong nước có hạ nhiệt?

GD&TĐ - Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, việc đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước sẽ là giải pháp trước mắt để giảm nhiệt giá vàng SJC.

Ngân hàng Nhà nước chính thức tổ chức đấu thầu vàng miếng.
Ngân hàng Nhà nước chính thức tổ chức đấu thầu vàng miếng.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, việc đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ là giải pháp trước mắt để giảm nhiệt giá vàng SJC, nhưng về lâu dài vẫn phải cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng.

Đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm

Theo kế hoạch, 10 giờ sáng 22/4, NHNN sẽ đấu thầu gần 17.000 lượng vàng miếng SJC, sau 11 năm dừng hoạt động này. Tuy nhiên, cách thời gian mở thầu một tiếng, nhà điều hành thông báo hủy do “không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền cọc”.

NHNN cho biết, sẽ đấu thầu lại vào 10 giờ sáng 23/4. Hiện, 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia. Các đơn vị sẽ đăng ký, đặt cọc tham gia phiên thầu trong ngày 22/4.

Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Loại vàng đấu thầu là vàng miếng SJC do NHNN tổ chức sản xuất. Tỷ lệ đặt cọc cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu là 10% với giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,80 triệu đồng/lượng. Khối lượng tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên.

Khối lượng đấu thầu tối thiểu 1 thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa 1 thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).

NHNN quy định bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng; bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.

NHNN cũng lưu ý, trường hợp NHNN không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu của NHNN thì NHNN sẽ quyết định hủy kết quả thầu.

Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN Việt Nam; Quyết định số 563/QĐ-NHNN ngày 18/3/2013 ban hành Quy trình về mua, bán vàng miếng của NHNN Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan.

Thị trường vàng thời gian qua đã tăng trưởng nóng hơn dự kiến khiến rất nhiều chuyên gia kinh tế phải thừa nhận đã dự báo sai về giá kim loại quý này. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, vàng SJC đang giao dịch quanh mức 81,10 - 84,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng tới 10 triệu đồng/lượng tính từ đầu năm.

Vàng nhẫn thậm chí còn có mức tăng mạnh mẽ hơn, tới 13 - 14 triệu đồng/lượng đối với vàng SJC 9999 tùy thương hiệu. Sở dĩ vàng SJC tăng chậm hơn vàng nhẫn (trái với diễn biến trước đó) chủ yếu do những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về việc giảm chênh lệch giữa vàng SJC và giá vàng thế giới.

Dù vậy, mức chênh lệch này vẫn khá cao, hiện vào khoảng 10,5 triệu đồng/lượng. Lúc cao điểm, thương hiệu vàng này đã có lúc chênh với giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng.

Việc đấu thầu vàng miếng SJC được kỳ vọng sẽ giúp tăng cung vàng trên thị trường và hạ nhiệt giá vàng trong thời gian tới. Đây cũng là lần đầu tiên NHNN đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm, kể từ năm 2013.

Hạ nhiệt thị trường

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhìn nhận, việc đấu thầu vàng miếng là giải pháp phù hợp trong bối cảnh cần tăng nguồn cung vàng miếng cho thị trường sau nhiều năm vàng SJC “một mình một chợ”, không liên thông với thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng chắc chắn sẽ tác động tới nguồn cung và giá vàng. Bởi, lượng vàng được NHNN bán cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thông qua đấu thầu sẽ giúp tăng nguồn cung vàng vào thị trường, góp phần làm giảm nhiệt “cơn sốt giá” hiện nay.

“Thực tế là nguồn cung hạn chế và sức cầu tăng cao tạo nên sự bất ổn trên thị trường vàng, đẩy giá vàng lên cao. Việc đấu thầu cũng cần phải có một lượng vàng rất lớn để giữ sự bình ổn. Nhưng về lâu dài, cần phải xem xét việc sửa đổi và điều chỉnh Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng để phù hợp với thực tế hơn”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, số lượng 16.800 lượng vàng miếng SJC được NHNN đưa ra đấu thầu là khá ổn, nguồn cung sẽ được tăng lên, chắc chắn sẽ kéo giảm mức chênh lệch với giá vàng thế giới.

“Với mức giá tham chiếu sát 81,8 triệu đồng/lượng mà NHNN đưa ra đấu thầu, có thể các đơn vị sẽ bỏ thầu cao hơn giá sàn khoảng 100.000 - 200.000 đồng, tức khoảng 81,9 - 82 triệu đồng/lượng. Tùy vào nhu cầu của từng đơn vị họ sẽ đưa mức giá tham dự thầu khác nhau”, ông Khánh chia sẻ.

Chuyên gia Lê Quốc Doanh dự đoán, sau đấu thầu, giá vàng SJC nếu có giảm cũng chỉ về mốc 82 triệu đồng/lượng; không thể thấp hơn giá tham chiếu mà NHNN đưa ra đấu thầu.

“Trừ trường hợp giá vàng thế giới sụt mạnh một vài trăm USD thì vàng SJC sẽ có giá dưới 80 triệu đồng/lượng”, ông Doanh phân tích. Còn với vàng nhẫn 9999, theo nhận định của ông Doanh, khi vàng SJC được tăng cung sẽ tác động tới giá vàng nhẫn.

“Giá vàng trong nước chắc chắn vẫn biến động theo giá thế giới nhưng ngay sau khi NHNN bán đấu thầu, khoảng cách giữa hai thị trường sẽ được co lại. Đây cũng chính là mục tiêu của việc đấu thầu vàng”, ông Doanh cho biết.

Ông Doanh phân tích thêm, trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng rất cao, giá vàng trong nước bắt buộc phải biến động theo. Trong nền kinh tế hội nhập, giá vàng trong nước phải liên thông với giá thế giới. Dù vậy, hiện nay giá vàng trong nước đang chênh lệch quá xa so với giá vàng thế giới, có lúc cao hơn đến 20 triệu đồng/lượng.

Về chính sách quản lý thị trường vàng trong nước thời gian tới, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, NHNN đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đã lấy ý kiến các bộ, ngành. NHNN đã trình Chính phủ chủ trương nên sửa đổi Nghị định 24.

Theo đó, Nghị định 24 đã có những tác động tích cực trong thời gian qua và đã đến lúc sửa Nghị định này cho phù hợp với các điều kiện hiện nay, đặc biệt là tập trung vào vấn đề Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ