(GD&TĐ) - Ai hưởng lợi trong việc giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch “khủng” như hiện nay? Đấu thầu vàng miếng để bình ổn thị trường hay bình ổn giá? Đằng sau sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng (TCTD) vào các phiên đấu thầu là gì? Đó là 3 trong số những “băn khoăn” của xã hội về sự can thiệp sâu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với thị trường vàng hiện nay; cũng là 3 vấn đề “nóng” mà phóng viên đặt ra với ông Lê Minh Hưng – Phó Thống đốc NHNN…
NHNN khi bắt đầu thực hiện đấu thầu vàng miếng đã đặt mục tiêu kéo sát giá vàng trong nước và thế giới theo yêu cầu của Quốc hội, nhưng diễn biến thực tế lại khác hẳn. Ông có giải thích gì về điều này?
- Việt Nam không sản xuất được vàng, nhu cầu vàng miếng được đáp ứng nhờ qua dùng ngoại tệ nhập khẩu. Thời gian qua, chúng ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hoạt động bình thường của thị trường ngoại tệ. Trong 2 năm qua, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng miếng để góp phần ổn định vĩ mô, trong khi nhu cầu vàng miếng là có thực, trong đó có một phần từ các ngân hàng tất toán trạng thái. Mặt khác, gần đây giá vàng quốc tế sụt giảm mạnh nhất trong 30 năm qua. Đây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch.
Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: “Khi nhu cầu trên thị trường giảm bớt thì chênh lệch giá trong nước và quốc tế sẽ giảm” |
Nhưng nhìn lại, từ khi triển khai Nghị định 24, tuy có chênh lệch giá mà không có các cơn sốt vàng; diễn biến tỷ giá và hoạt động thị trường ngoại tệ hết sức ổn định, đây là một trong những yếu tố then chốt để ổn định vĩ mô.
NHNN thực hiện đấu thầu vàng theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về quản lý dự trữ ngoại hối. Việc đấu thầu góp phần tăng cung, giảm áp lực cầu; nếu NHNN không tham gia bình ổn, trong bối cảnh không cho phép nhập khẩu, thì thị trường sẽ biến động rất mạnh, đặc biệt là về giá. Việc đấu thầu 12 tấn vàng đã góp phần bình ổn giá, tránh được tình trạng bất ổn, sốt vàng. Chưa kể còn góp phần ổn định tỷ giá và hoạt động của thị trường ngoại tệ.
Chênh lệch giá vàng từ 6 - 7 triệu đồng/lượng hiện giờ là quá lớn. Vậy ai đang được hưởng lợi từ sự chênh lệch này, mà cụ thể là tại các phiên đấu thầu, thưa ông?
- Khi tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua việc đấu thầu vàng, NHNN đã công bố rất rõ đây là hoạt động bình ổn thị trường, NHNN không bình ổn giá. Việc đấu thầu không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức cân bằng với giá vàng thế giới mà chủ yếu tăng cung ra thị trường để giải quyết nhu cầu vàng.
Trong thời gian qua, nhu cầu vàng là có thực, mặc dù nhu cầu vàng đầu tư trong dân đã giảm. Thời gian qua, thị trường vàng có biến động nhưng không xảy ra những cơn sốt vàng, không xảy ra những biến động hay tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng. Đây là thành công lớn của Nghị định 24. Còn nếu thời gian qua mà không tăng cung thì với nhu cầu rất lớn như vậy, hoạt động trên thị trường vàng sẽ bất ổn. Còn toàn bộ khoản chênh lệch giá vàng NHNN thu được từ việc đấu thầu vàng là nguồn thu của NSNN, chuyển về NSNN.
Dư luận cũng đặt dấu hỏi phải chăng NHNN tăng cung vàng miếng chỉ để phục vụ các ngân hàng tất toán?
- Cần phải thấy một tín hiệu tích cực là sau khi triển khai Nghị định 24 và NHNN triển khai bình ổn thị trường vàng, nhu cầu nắm giữ vàng đã giảm rất mạnh, tất nhiên còn có nhu cầu khác đến từ các tổ chức tín dụng. NHNN có thể bán trực tiếp vàng cho các tổ chức này, nhưng để minh bạch, công khai, NHNN đã tổ chức đấu thầu và cho phép các doanh nghiệp (DN), các tổ chức tín dụng đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Lượng vàng miếng trúng thầu một phần dùng để tất toán trạng thái, một phần để cung ra thị trường.
Có một vấn đề đặt ra là trong 3 - 4 tháng đầu năm dư nợ huy động tăng nhưng cho vay không tăng, từ đó không thể không đặt ra nghi vấn rằng phải chăng dòng tiền ấy đang chảy từ các ngân hàng chảy vào để mua vàng chứ không cho DN vay?
- Trước hết tôi xin khẳng định rằng, các tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu vàng phải đáp ứng quy định của NHNN về trạng thái kinh doanh vàng và nguồn vàng sử dụng cho mục đích gì. Chúng tôi có quy định cụ thể và giám sát chặt chẽ công tác này.
Còn về nguồn tiền, chúng tôi đã có quy định tại thông tư của NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cung cấp tín dụng cho các DN để kinh doanh và mua vàng miếng. Hiện nay NHNN đang triển khai thanh tra toàn bộ các tổ chức tín dụng và DN tham gia vào quá trình đấu thầu mua vàng của NHNN theo đúng quy định của pháp luật.
Như Nguyễn (Thực hiện)