(GD&TĐ) - Ở nước ta, tre là văn hóa vật thể - phi vật thể. Tre phản ánh cốt cách Việt; tre giữ làng, giữ nước, tre cấu thành từng vật dụng sinh hoạt, tre có mặt ở từng cấu kiện nhà. Bây giờ, thời đại bê tông cốt thép, những ngôi nhà tre với những vật dụng xưa cũ kia đã vắng bóng. Hiếm hoi thay, ở Quảng Nam, có một ngôi nhà tre tồn tại đến hơn 1 thế kỷ, thế nhưng, cũng không thoát khỏi phận nổi chìm...
Ngôi nhà xuyên thế kỷ
Ngôi nhà tre của ông Nam cách đây 6 năm |
Tính đến đời ông Nam, ngôi nhà truyền đã 4 đời, sử dụng đã 103 năm. Nhưng, nhà là do cố của ông Nam mua lại từ một người hàng xóm nên tuổi của nó còn hơn thế nữa nếu tính luôn 20 năm nó thuộc về chủ trước. Thời bấy giờ, chỉ hào phú mới làm nhà rường cột gỗ kê đá, còn hầu hết đều ở nhà tre, cột chôn đất. Bởi vậy, có thể nói đây là ngôi nhà mang đầy đủ hồn cốt dân dã của làng quê Việt.
Nhà tre còn được gọi là nhà rôi. Với mái lợp tranh săng, nhà rôi của ông Nam rộng chừng 40m2, xoay mặt về nhánh sông Khúc Lũy - địa danh gắn liền với thành cổ La Qua, dinh trấn Quảng Nam thời chúa Nguyễn. Nền nhà đất nện; 1 gian 2 chái, gian giữa thờ cúng tổ tiên. Giàn cột lim chu vi gốc chỉ chừng 50cm nhưng chôn dưới đất trăm năm không hư hại. Toàn bộ vì kèo, đòn tay… đều bằng tre ngâm có đường kính chưa tới 10cm, sẫm màu.
Cách đây chừng 3 năm thôi, vách hai đầu hồi là những tấm phên lương trét phân trâu trộn nước cây bời lời; vách trước, vách sau đan công phu hơn với những nẹp tre trang trí. Giữa những tấm phên thưng vách để lộ ra những song cửa tre cật. Rèm cửa trước, lá cửa hông đều đan tre chẻ mỏng, có cây chống; các nẹp tre được buộc bằng dây mây tinh tế. "Ai bảo tre không bền? Nan tre mỏng nhưng trét dầu rái nên rất chắc. Xưa, mỗi cây tre phải ngâm dưới bùn hàng năm mới vớt lên. Tôi đã thử đặt một mẩu tre ngâm dưới một khúc gỗ. Một tháng quan sát, tôi thấy mối dưới đất phải lèn qua tre để ăn gỗ, tre không hề hấn gì." - ông Nam nói.
Qua năm tháng chiến tranh, đặc biệt năm Mậu Thân 1968, cả làng Khúc Lũy, La Qua đều trúng đạn, vậy mà nhà vẫn nguyên xi và vẫn đứng vững trong những trận bão khốc liệt. Ông Nam nhớ về thời xưa, cái thời mà những xóm làng dọc sông Thu Bồn, Vĩnh Điện luôn phủ rợp bóng tre. Nhiều thợ chẻ tre đan nan cót, đan giỏ mang xuống phố Hội bán cho thương thuyền. Có người làm cả những khung nhà tre ngâm, vác ra cửa Hàn bán cho ai cần làm nhà mới. Thời ấy đã quá xa xôi...
Loay hoay bảo quản đủ đường
Ngôi nhà bây giờ, tường đã bị xi măng hóa |
Ngôi nhà rôi đó vẫn đang được bao bọc bởi một khuôn viên đậm đặc tính truyền thống: Phía trước là sân vuông, phía sau lũy tre vờn bóng; cửa trái dẫn xuống nhà bếp, chuồng heo. Bên khóm chuối cạnh nhà: Gáo múc nước bằng dừa tựa vào ảng nước bằng đất nung... Nhưng không gian dân dã, yên bình này cũng đã bị xâm thực bởi bê tông cốt thép. Nhìn từ ngoài vào, đã thấy ngôi nhà đứng quá ư lạc lõng.
Qua 100 năm tồn tại với bao biến thiên, đá cũng biến dạng chứ nói chi đến tre. Mấy năm nay, vách phên nan bị thủng, ông Nam đã loay hoay đủ đường để bảo quản. Trước đó, năm 1983, cha ông đã phải thay mới vách phên nhưng vẫn đan theo kiểu cũ và vẫn giữ nguyên một tấm phên nhỏ chắn phần trên cùng hai tấm cửa nan ở hai gian đầu hồi.
Thế nhưng, đầu năm nay, vì phên quá hư hại, ông đã sửa lại bằng cách... xây tường. Thành ra, bây giờ nhà rôi thành nhà mái tranh, vách... xi măng. Ông Nam kể tiếp: Mấy năm trước, mái tranh cũng dột, vài chỗ ông phủ tôn chống dột. Giờ đã lợp lại bằng tranh nhưng dù gắng thế nào thì vẫn không thể làm được mái tranh y hệt cách làm mái xưa kia.
Nhức mắt khi nhìn ngôi nhà cột lim, tre láng bóng bị xen vô bởi những bức tường bê tông! Vào nhà, khu thờ phụng xưa cũng đã bê tông hóa. “Tôi biết tấm lòng cha tôi với ngôi nhà. Tôi luôn tự hứa phải giữ ngôi nhà, có tu sửa cũng phải hết sức cẩn thận, phải giữ sao cho đúng nguyên dạng... Nhưng tuy ranh giới rất mong manh, bảo tồn và bảo quản là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Bảo tồn thì tôi bất lực. Tôi quá già, tiền đâu. Tôi phải chọn bảo quản, phải giữ ngôi nhà bằng mọi cách, phải xi măng. Chừ, nó như thế, tôi rất đau lòng." - ông Nam nghẹn lời.
Đã bao lần con cháu bảo phá ngôi nhà đi, nhưng ông Nam can ngăn vì đây là kỷ niệm của cả bốn đời người, từ thuở cha ông, nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc nhà cổ, đã nhiều năm lui tới ngôi nhà này để nghiên cứu, nhận xét: “Cả nước mình, bây giờ tìm không ra nhà rôi có tuổi trăm năm thế này đâu.
Theo tôi, cùng với những di tích còn lại của dinh trấn Thanh Chiêm và thành cổ La Qua, ngành chức năng nên có cách đưa ngôi nhà vào bảo tàng nhà Việt. Kinh phí không bao nhiêu, quan trọng là có làm hay không thôi".
Ông Nam dự tính đan những tấm phên, rồi dán phên vào tường để người ngoài nhìn thấy tưởng tường vẫn bằng tre. "Nhưng, như thế thì quá giả tạo, còn đâu cốt cách nhà Việt. Tôi thực sự rối trí." - ông bộc bạch.
Mai Thành Dũng