Cách đây hơn 1 tháng, nhạc sĩ Phó Đức Phương phát hiện mắc ung thư tụy trong tình trạng khá nặng. Hiện ông đang được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
Ung thư tụy là bệnh hiếm gặp nhưng lại rất nguy hiểm vì khó phát hiện sớm. Thông thường, khi bệnh nhân nghi ngờ mình mắc bệnh và đi khám thì đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
Trước đây, có nhiều nhân vật nổi tiếng mắc căn bệnh này. Đó là "Nữ hoàng nhạc soul" Aretha Franklin, Steve Jobs - nhà sáng lập Apple và bốn thành viên gia đình cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter.
Tụy nằm ở đâu?
Tụy thuộc hệ tiêu hóa, nằm phía sau dạ dày, gần túi mật. Cơ quan này có hai chức năng chính là tiết ra men đổ vào tá tràng, giúp tiêu hóa thức ăn ở ruột non và tiết ra hormone insulin và glucagon đi vào máu tham gia vào quá trình chuyển hóa glucose của cơ thể.
Triệu chứng và nguyên nhân của thư tụy
Các biểu hiện bệnh phổ biến là giảm cân không rõ lý do, đau bụng trên hoặc đau lưng, vàng da (không kèm đau, sốt)... Đây là các hiện tượng xảy ra do khối u đã xâm lấn vào đường mật, ống tụy, tá tràng.
Các nhà khoa học chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh nhưng đưa ra một số yếu tố khiến một người có nguy cơ cao. Đó là yếu tố di truyền và tiền sử gia đình (5-10% bệnh nhân có người nhà từng mắc bệnh).
Ngoài ra, hơn một nửa số người bệnh ung thư biểu mô tuyến tụy (dạng ung thư tụy phổ biến nhất) trên 70 tuổi.
Thêm vào đó, môi trường độc hại cũng là tác nhân gây bệnh như tiếp xúc khói thuốc, xăng dầu, thuốc trừ sâu, diệt cỏ.
Vì sao ung thư tụy nguy hiểm?
Tuy tỷ lệ người nhiễm ung thư tụy không cao so với các loại ung thư khác nhưng triệu chứng chỉ xuất hiện rõ khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. Lúc đó, khối u đã quá lớn, chèn vào các cơ quan khác và việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn.
Chỉ có khoảng 10-15% người kịp phát hiện bệnh lúc có thể phẫu thuật được. Thậm chí, sau khi điều trị, bệnh vẫn có nguy cơ tái phát tới 85%. Ở trường hợp khả quan nhất, lượng bệnh nhân có thể sống trên 5 năm chỉ chiếm 25-30%.
Cách chữa ung thư tụy
Việc chữa trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và sức khỏe của người nhiễm. Cũng như các căn bệnh khác, việc phát hiện sớm sẽ tăng cơ hội bình phục tốt hơn.
Giải pháp hiệu quả nhất là phẫu thuật với nhiều hình thức khác nhau như cắt bỏ tụy hoặc một phần tụy; cắt bỏ đầu tụy, hang vị đoạn cuối ống mật chủ, các hạch lân cận.
Mặc dù có thể sống thiếu tụy nhưng nhiều bệnh nhân vẫn bị tử vong sau đó do gan hỏng.
Khi không thể phẫu thuật, bác sĩ có thể áp dụng xạ trị, hóa trị kéo dài sự sống cho người bệnh.