Dấu hiệu nhận biết hội chứng tiền đình

GD&TĐ - Rối loạn tiền đình và rối loạn tuần hoàn não là những bệnh thường gặp, nhất là ở những người cao tuổi. Nhiều khi cùng có các biểu hiện: Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ù tai, hoa mắt, mất thăng bằng…

Dấu hiệu nhận biết hội chứng tiền đình

có nơi gọi là rối loạn tiền đình, chỗ khác lại nói rối loạn tuần hoàn não. Vậy đâu là bản chất của vấn đề?

Nguyên nhân

Nhiều người hiểu rối loạn tiền đình là một bệnh, nhưng thật ra rối loạn tiền đình chỉ là một hội chứng. Nghĩa là hội chứng này có thể xuất hiện trong nhiều bệnh cụ thể khác nhau.

Rối loạn tiền đình thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, người lao động trí óc nhiều hơn người lao động chân tay, người trẻ tuổi nhiều hơn người cao tuổi và đặc biệt không gặp ở trẻ em.

Do đó, khi trẻ em có những biểu hiện nghi ngờ như rối loan tiền đình ở người lớn được xem là đang “có vấn đề” về não bộ, cần phải được thăm khám, xác định một cách cẩn thận để tìm nguyên nhân và chữa trị kịp thời.

Tiền đình là một “cơ quan” nhỏ nằm ngay phía sau ốc tai ở hai bên đầu. Đây chính là bộ phận kiểm soát sự thăng bằng của cơ thể. Giống như một nhạc trưởng, tiền đình điều khiển sự phối hợp hoạt động của mắt, đầu và thân một cách nhịp nhàng.

Người bị rối loạn tiền đình, vì mất sự kiểm soát thăng bằng và phối hợp đó nên bị chóng mặt, ù tai, nhức đầu, buồn nôn, nôn, hay quên, mất ngủ, và đi đứng khó khăn. Nhiều khi, người khác nhìn thấy biểu hiện này tưởng bệnh nhân… giả vờ, đóng kịch.

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình vẫn còn đang được các nhà chuyên môn tiếp tục tìm hiểu và khám phá.

Những người đang mắc bệnh ở hệ thần kinh, tuần hoàn, thoái hóa cột sống đoạn cổ, các bệnh lý ở mắt, tai…, nhiễm độc hoặc thời tiết, môi trường thay đổi thay đổi nên có biểu hiện rối loạn tiền đình.

Một số bị rối loạn tiền đình do dùng các thuốc chữa bệnh, người ngồi nhiều trong phòng có máy lạnh (sự nhiễm lạnh làm co thắt mạch máu lên não, gây thiếu máu não nên bị rối loạn tiền đình). Nhiều trường hợp khác không thể tìm ra bất cứ nguyên nhân nào để quy kết. 

Dấu hiệu cảnh báo

Người bị rối loạn tiền đình thường có các biểu hiện sau đây:

Chóng mặt: Là biểu hiện nổi bật nhất khiến cho người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu. Cảnh vật xung quanh dường như đang chuyển động, xoay tròn. Bản thân cũng đang bồng bềnh cùng với sự chuyển động đó. 

Buồn nôn và nôn: Đi kèm với sự chóng mặt là cảm giác buồn nôn và nôn. Nhiều phụ nữ trẻ có biểu hiện buồn nôn cứ như là đang bị… “ốm nghén” nên cũng không thể loại ra khỏi sự “tình nghi” của mọi người về những chuyện có liên quan.

Mất thăng bằng: Người bệnh thường đi đứng không vững vàng, do không thể giữ được sự thăng bằng của cơ thể. Rối loạn này xảy ra do mất tính điều khiển đồng bộ của các bộ phận có liên quan như tiểu não, tiền đình, ngoại tháp, mắt…

Ngất: Đôi khi gặp, do giảm lượng máu lên não. Đặc biệt là ở những người mắc huyết áp thấp hoặc bị tụt huyết áp.

Ngoài ra, người bệnh còn có biểu hiện nhức đầu, nhìn mờ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, giảm thính lực, chân tay run rẫy, vã mồ hôi, lo âu và thậm chí là trầm cảm.

Điều cần làm 

Nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, ít ánh sáng, ít tiếng động. Chọn tư thế thích hợp nhất, có thể nằm ngửa, nằm sấp, nghiêng trái hoặc nghiêng phải theo thói quen của mỗi người.

Khám bệnh và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Nên lấy số điện thoại để có thể tham vấn từ xa trong quá trình điều trị và theo dõi. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống đầy đủ và lao động phù hợp.

Tạo một bầu không khí vui vẻ, tinh thần thoải mái, tránh những điều làm lo âu, gây stress. Người bệnh cũng cần tránh hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng các chất có khả năng gây kích thích như thuốc lá, bia rượu và cà phê.

Bí quyết phòng tránh 

Tập thể dục hàng ngày. Đây được xem như là biện pháp hàng đầu không chỉ phòng rối loạn tiền đình, mà còn phòng tránh mọi bệnh tật khác. Thể dục giữa giờ dưới hình thức xoa bóp hoặc vận động vùng cổ, vai và gáy.

Không ngồi lâu trước màn hình vi tính, tivi, máy tính bảng hoặc các loại điện thoại di động. Thực hiện công thức 50/10, nghĩa là cứ mỗi 50 phút tập trung cho công việc gì thì sau đó cần phải giải lao 10 phút.

Không thay đổi tư thế một cách quá đột ngột từ trạng thái nằm ngồi sang đứng hoặc ngược lại. Vì điều đó có thể gây bất lợi cho tuần hoàn máu nào và tiền đình.

Uống đủ lượng nước mỗi ngày và có chế độ dinh dưỡng tốt, cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây.

Không tự ý dùng các loại thuốc chữa bệnh mà không có chỉ định của những người có chuyên môn.

Rèn luyện để có một tinh thần bền bỉ, ý chí lạc quan, tránh mọi căng thẳng và stress. Bình tĩnh trước mọi sự việc và sự cố. Hãy nghĩ vấn đề gì rồi cũng sẽ tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Đó chính là cách thoát khỏi sự lo âu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.