Dấu hiệu cảnh báo bệnh gan

GD&TĐ - Vàng da là triệu chứng điển hình cảnh báo suy giảm chức năng gan, viêm gan, xơ gan, ung thư gan.

Người bị bệnh gan có thể cần phải hạn chế carbohydrate (carbs) vì lượng carbs cao làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Ảnh minh họa: INT
Người bị bệnh gan có thể cần phải hạn chế carbohydrate (carbs) vì lượng carbs cao làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Ảnh minh họa: INT

Vàng da là triệu chứng điển hình cảnh báo suy giảm chức năng gan, viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Một số trường hợp khi phát hiện vàng da, đi viện khám thì bệnh đã ở giai đoạn “báo động”.

Nguyên nhân gây vàng da, vàng mắt

Cuối năm 2022, ông Trần Quyết Chiến (60 tuổi, Hà Nội) thấy mắt và da vàng. Đi viện khám, ông được chẩn đoán viêm gan B, phải nhập viện gấp vì men gan cao 2000 U/L. Ông Chiến cho biết, trước đó, thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, nhưng chủ quan nên không đi khám.

Đến khi sắc tố da kém, nhiều người gặp đã thốt lên “mắt và da sao vàng thế”, ông mới đi khám. Một trường hợp khác là ông Vũ Trọng Trung (72 tuổi, Hà Nội) thường xuyên uống rượu từ khi còn trẻ. Đến khi da vàng, bụng trướng, ông được người nhà đưa tới bệnh viện khám thì được chẩn đoán xơ gan.

Theo bác sĩ, các bệnh về gan là nhóm bệnh lý chính gây nên vàng da ở người trưởng thành. Lý do là tế bào gan bị ảnh hưởng và không thu nhận được bilirubin, bị đào thải và cuối cùng là ứ đọng trong máu. Ngoài ra, việc các tế bào gan bị hủy hoại hoặc giảm số lượng cùng có thể là nguyên nhân tại gan gây tăng nồng độ bilirubin trong máu.

Theo TS.BS Vũ Trường Khanh - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, vàng da, vàng mắt là triệu chứng cho thấy tế bào hồng cầu trong máu chứa quá nhiều bilirubin (một chất màu vàng cam). Khi những tế bào này chết đi, gan cũng bắt đầu lọc bulirubin ra khỏi máu. Tuy nhiên, nếu cơ quan bị tổn thương, không còn hoạt động bình thường, bilirubin sẽ dần tích tụ và gây ra hiện tượng vàng da, vàng mắt.

Đây có thể là dấu hiệu điển hình cho một số bệnh lý như: Viêm gan, bệnh gan liên quan đến rượu, tắc ống mật, ung thư tuyến tụy. Ngoài ra, một số loại thuốc như acetaminophen, penicillin, thuốc tránh thai và steroid cũng thường liên quan đến bệnh gan, có thể gây triệu chứng vàng da, vàng mắt ở người bệnh.

Có một số nhóm nguyên nhân điển hình gây bệnh gan. Trong đó, bao gồm nhiễm virus viêm gan B, C, D mạn tính hoặc viêm gan virus A, E cấp tính. Trong trường hợp này, virus có thể lây nhiễm vào gan dẫn đến suy giảm chức năng.

Đường lây chủ yếu là thông qua máu, tinh dịch, thực phẩm, nước bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với người bị bệnh đối viêm gan virus B, C, D. Lây qua đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống với viêm gan virus A và E.

Nguyên nhân khác là các vấn đề bất thường liên quan đến hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào gan sẽ gây ra các bệnh về gan tự miễn, chẳng hạn như viêm đường mật nguyên phát, viêm gan tự miễn… Ngoài ra, một số bệnh gan xuất hiện do di truyền như Wilson, Hemochromatosis.

Việc tích tụ quá nhiều chất độc cũng là nguyên nhân gây bệnh gan. Gan nhiễm mỡ do rượu là hậu quả của việc sử dụng quá nhiều rượu. Trong khi đó, gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu là do tiêu thụ quá nhiều chất béo.

Các yếu tố rủi ro mắc bệnh gan bao gồm lạm dụng rượu, béo phì, mắc tiểu đường tuýp 2, xăm mình, xỏ khuyên trên cơ thể, tiêm chích ma túy, tiếp xúc với máu hoặc dịch từ cơ thể người khác. Ngoài ra, quan hệ tình dục không an toàn, tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh gan cũng là những yếu tố rủi ro gây bệnh gan.

Phòng ngừa bệnh gan

Theo bác sĩ Khanh, bệnh gan có thể được chủ động phòng ngừa ngay từ sớm bằng một số biện pháp hữu ích. Cụ thể, mọi người nên kiểm soát thói quen uống rượu. Tần suất hợp lý là tối đa 1 ly/ngày đối với phụ nữ và 2 ly/ngày đối với nam giới.

Thói quen uống hơn 8 ly/tuần đối với phụ nữ và hơn 15 ly/tuần đối với nam giới sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan. Đồng thời, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Lựa chọn đơn vị xăm mình, xỏ khuyên uy tín để tránh nguy cơ mắc bệnh gan.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân cần sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch hợp pháp, tuyệt đối không dùng chung kim tiêm. Tiêm phòng viêm gan A, viêm gan B… để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Chỉ dùng thuốc kê đơn và không kê đơn khi cần thiết, theo đúng liều lượng được khuyến cáo. Không trộn lẫn rượu và thuốc. Tránh tiếp xúc với máu hoặc dịch từ cơ thể người khác, virus viêm gan có thể lây lan theo những con đường này. Rửa tay kỹ trước khi ăn và chuẩn bị thức ăn.

“Nếu đi du lịch, tốt nhất là nên sử dụng nước đóng chai để uống, rửa tay và đánh răng. Đeo khẩu trang, đội mũ, mang áo dài tay, găng tay… khi phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, sơn hoặc các hóa chất độc hại khác và nên tuyệt đối thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng thừa cân, béo phì. Xây dựng chế độ ăn tốt cho gan đến từ các nguồn thực phẩm như: Rau họ cải, quả mọng, các loại hạt, đậu, cá béo, trà…”, chuyên gia khuyến cáo.

Theo BSCKI Nguyễn Thị Hồng Sâm - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khi lên thực đơn dinh dưỡng cho người mắc bệnh gan, cần tuân theo một số nguyên tắc để đảm bảo kiểm soát bệnh tốt hơn. Cụ thể, cần đa dạng các loại thực phẩm, từ ngũ cốc, trái cây, rau, thịt, đậu, sữa…

Đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống giúp người bệnh phục hồi sức khỏe được tốt hơn. Người bị bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chế các loại thực phẩm nhiều calo.

Trong khi đó, với bệnh viêm gan C, ngoài những lưu ý chung về chế độ ăn kiêng cho người bệnh gan, cần hạn chế thêm thực phẩm giàu chất sắt. Người bị bệnh xơ gan báng bụng nên hạn chế uống quá nhiều nước.

Người bị bệnh gan có thể cần phải hạn chế carbohydrate (carbs) vì lượng carbs cao làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Bệnh gan có thể khiến lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp ở một số người. Carbs thường có trong bánh mì, mì ống, gạo, ngũ cốc và các loại thực vật có tinh bột (khoai tây, ngô, đậu Hà Lan).

Có một số nhóm bệnh liên quan đến tế bào gan. Viêm gan cấp là quá trình viêm xảy ra tại gan do virus, vi khuẩn hoặc rượu, thuốc, bệnh tự miễn khiến cho tế bào gan bị hủy hoại. Xơ gan là quá trình mà các tổ chức của gan bị thay thế bằng mô sẹo ảnh hưởng đến chức năng gan một cách từ từ, khó phát hiện nhưng sẽ nặng lên khi chức năng gan tệ hơn. Những nguyên nhân chính gây xơ gan là viêm gan B mạn, viêm gan C mạn, tổn thương gan do rượu hoặc viêm gan tự miễn. Ung thư di căn vào gan cũng cần được nghĩ đến và xếp vào nhóm nguyên nhân tại gan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...