Mới đây, một cuộc hội ngộ cảm động của các cựu tù đã diễn ra trên chính cái nơi mà họ từng trải qua những năm tháng tuổi thơ dữ dội… Biết bao kỷ niệm ùa về với những nhân chứng sống của một thời khói lửa, giữa sự xúc động của những người được chứng kiến…
Cuộc hội ngộ cảm động
Chứng kiến những cái bắt tay run run, những nụ cười rạng ngời trên những khuôn mặt nhăn nheo của các cựu tù tuổi đã quá lục tuần trong ngày hội ngộ, chúng ta thấm thía giá trị sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh cho cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay có ý nghĩa dường nào! Hơn 300 cựu tù của nhà lao “độc nhất vô nhị” (trong số 630 tù nhân nhỏ tuổi) bị ngụy quyền Sài Gòn giam cầm đã về dự lễ khánh thành Công trình trùng tu Di tích lịch sử Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt cuối tháng 4/2016 vừa qua.
Sau khi dự Lễ khánh thành Khu Di tích các đại biểu và các cựu tù đã tham quan các khu phòng giam, xà lim, khu trưng bày tư liệu, các hiện vật lịch sử… và tham dự chương trình gặp mặt “Những bài ca thắp lửa”. Trong không gian Di tích giữa đêm tháng Tư Đà Lạt ngọt ngào hương hoa và ấm áp tình đồng chí, những câu chuyện kể đầy cảm động, những bài hát khơi dậy khí thế hào hùng, bất khuất của tuổi trẻ một thời do các cựu tù hát lên cứ vút cao, hòa quyện vào đất trời đêm cao nguyên huyền diệu!
Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) Ngô Tùng Chinh, Phó ban Liên lạc cựu tù yêu nước Việt Nam, Trưởng ban Liên lạc cựu tù thiếu nhi Đà Lạt xúc động cho biết, sau khi “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” (tên gọi ban đầu của Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt) tan rã năm 1973, ông và các bạn tù tỏa về khắp nơi, tiếp tục tham gia kháng chiến. Đến nay, có người mất người còn. Trong số những cựu tù còn sống, có người bị bệnh tật, ốm đau, không về dự cuộc hội ngộ này được. “Tôi sẽ cố gắng liên lạc, thông tin để các cựu tù biết Di tích lịch sử đã được trùng tu khang trang để anh, chị em mừng và sẽ kết nối để những cựu tù về thăm lại nơi đây, dù chỉ một lần…”, ông Chinh nói.
Còn Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh (Mai Bốn) - một trong 3 tù nhân nhỏ tuổi lúc ấy của nhà lao đã tự mổ bụng để phản đối chế độ hà khắc của bọn cai ngục, rưng rưng tâm sự: “Gặp lại anh chị em lần này thấy ai cũng vui, nhưng thiếu nhiều quá; Tôi có may mắn hơn là nhà ở gần đây nên đi lại dễ dàng. Vài ba năm nữa, anh em tôi sẽ “vơi” dần…”. Và, ông quay mặt đi nơi khác để giấu những giọt nước mắt.
Về dự cuộc gặp mặt còn có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nhà Sử học Dương Trung Quốc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lâm Đồng và đông đảo cán bộ, đoàn viên, học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn TP Đà Lạt. Trong khuôn viên khu Di tích, đêm cứ khuya dần, sương ướt đẫm những mái đầu tóc hoa râm nhưng tiếng hát, những câu chuyện kể về những năm tháng tuổi thơ tranh đấu cho lý tưởng, cho tự do, hòa bình cứ ngân nga, ấm mãi trong tim mỗi người…
Địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước
Cuốn sách “Tuổi trẻ bất khuất - Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt ngày ấy”, do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2006 ghi lại: Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt do ngụy quyền Sài Gòn dựng lên vào năm 1971 và chỉ tồn tại trong vòng 2 năm 3 tháng. Ban đầu có tên là “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” nhằm mỵ dân, thực chất đây là một nhà tù chính trị hà khắc đã giam cầm 630 tù nhân thiếu nhi (từ 12 - 17 tuổi) mà giặc đã bắt và gom về từ các nhà lao trên cả nước (Chí Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc, Thủ Đức, Tân Hiệp, Kho đạn Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…). Trong đó có 400 tù nhân nam và hơn 200 tù nhân nữ được giam ở hai khu vực riêng biệt. Trung tâm này đặt dưới sự quản lý của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn.
Việc hình thành cái gọi là “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” này là thủ đoạn tách các tù nhân yêu nước dưới 18 tuổi ra khỏi những tù nhân cách mạng lớn tuổi để giam cầm riêng biệt, hòng ngăn chặn sự tiếp ứng, hỗ trợ giữa các thế hệ tù nhân. Dù chúng có đặt ra đủ ban bệ (Ban an ninh, Ban cải huấn, Ban hướng nghiệp…), nhưng sớm lộ diện một nhà tù đánh đập, tra tấn các tù nhân nhỏ tuổi hết sức dã man: Mỗi ngày 3 đợt tra tấn, biệt giam, tạt nước lạnh vào người tù trong những đêm giá rét…
Đã có nhiều cuộc đấu tranh diễn ra giữa tù nhân thiếu nhi chống chào cờ, không hát quốc ca ngụy, xé cờ ba que và giết một tên tù nhân phản bội làm tay sai cho giặc. Đáng nhớ nhất là việc 3 tù nhân thiếu nhi tự mổ bụng để đấu tranh chống lại chế độ lao tù quá tàn khốc. Và, có 7 cuộc tổ chức vượt ngục; trong đó, có nhiều cuộc vượt ngục thành công… Tháng 6/1973, “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” tan rã cùng với dã tâm thâm độc, đen tối của kẻ thù.
Với những bằng chứng lịch sử ghi dấu lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của tù nhân thiếu nhi, ngày 22/6/2009, Di tích lịch sử cách mạng Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia; tập thể tù chính trị Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và 6 cựu tù thiếu nhi được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. (Trong đó có 2 anh hùng liệt sĩ).
Song, đến nay đã trải qua 45 năm tồn tại, Di tích xuống cấp trầm trọng, nhiều hiện vật lịch sử thất lạc hoặc không còn. Được sự thống nhất của Bộ VH,TT&DL, từ năm 2010 UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở VH,TT&DL làm chủ đầu tư tiến hành trùng tu Di tích nhằm phục vụ tham quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ…
Công trình gồm 3 gói thầu: Xây lắp, phục dựng các cơ sở vật chất, hệ thống 3 dãy xà lim, các khu phòng giam, sân, cổng, tường rào, 5 bót canh; sưu tầm tài liệu, phục dựng, tái hiện các hiện vật lịch sử… Tổng diện tích phục dựng 8.300 m2, kinh phí gần 25 tỷ đồng.
Gần 5 năm trùng tu, Khu Di tích trở nên khang trang. Phần lớn tư liệu, hiện vật lịch sự được phục dựng và tái hiện khá đầy đủ. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã giao Bảo tàng Lâm Đồng quản lý, khai thác Di tích lịch sử cách mạng Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt phục vụ công tác tham quan, nghiên cứu, học tập…
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói: “Di tích lịch sử cách mạng Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt sẽ làm phong phú thêm các điểm tham quan, nghiên cứu của du khách khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng. Di tích sẽ giúp nhân dân và du khách nhận thức đầy đủ, sinh động, trực quan và hiểu rõ những đóng góp to lớn của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây còn là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ trong cả nước…”.