Đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế: Lợi đôi đường

Đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế: Lợi đôi đường

Năm 2016, HCMIU cũng là trường đầu tiên tại khu vực phía Nam được Bộ GD&ĐT trao chứng chỉ MOET về chất lượng đào tạo. Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng HCMIU về lộ trình đạt chuẩn kiểm định.

- Là cơ sở GDĐH hiếm hoi tại TPHCM đạt chuẩn AUN-QA cấp cơ sở GD, nhà trường đã chuẩn bị gì khi tham gia đánh giá CTĐT theo chuẩn AUN-QA?

- Nói đến đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục hay CTĐT, HCMIU luôn là một trong những đơn vị tiên phong trong hệ thống ĐHQG TPHCM thực hiện đánh giá không chỉ theo chuẩn AUN-QA, mà cả chuẩn của Việt Nam (MOET) và chuẩn của Hoa Kỳ (ABET).

Việc chuẩn bị để thực hiện đánh giá các CTĐT của trường đều xuất phát từ quan điểm chất lượng là ưu tiên hàng đầu khi thiết kế và xây dựng CTĐT. Với chất lượng được bảo đảm từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ, các CTĐT của chúng tôi xây dựng các kế hoạch đánh giá cụ thể trong chiến lược của nhà trường. Theo kế hoạch chiến lược trung hạn về bảo đảm chất lượng, hằng năm trường lập kế hoạch đánh giá cụ thể, từ đó đơn vị học thuật phụ trách CTĐT có chương trình đánh giá sẽ chủ động thực hiện tự đánh giá và các phòng chức năng liên quan phối hợp thực hiện. Khi văn hóa chất lượng được phổ biến và quán triệt trong toàn trường, việc triển khai đánh giá một CTĐT nào đó của trường đều thuận lợi.

- Trước và sau khi đạt chuẩn AUN-QA, các ngành học của trường có những thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi luôn chủ động tự đánh giá và cải tiến CTĐT của các ngành học theo hệ thống bảo đảm chất lượng định kỳ hằng năm. Việc tham gia đánh giá theo AUN-QA hoặc các chuẩn uy tín khác là cơ hội để cải tiến chất lượng từ góc nhìn bên ngoài, từ các chuyên gia. Vì thế, các CTĐT của HCMIU được cải tiến một cách toàn diện, đáp ứng được nhu cầu phát triển không ngừng của xã hội. Nhìn chung, uy tín cơ sở đào tạo đạt chuẩn kiểm định tạo kết quả tích cực trong tuyển sinh, hợp tác quốc tế, cũng như thu hút giảng viên, nhà khoa học đến cộng tác, làm việc tại trường. Ngoài ra, các CTĐT đã được đánh giá/kiểm định giúp SV tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, có nhiều cơ hội được chuyển tiếp, liên thông trong và ngoài nước.

Đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế: Lợi đôi đường ảnh 1
TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng HCMIU. Ảnh: T.G

- AUN-QA đang là mục đích theo đuổi của nhiều trường ĐH trong nước, vậy giá trị đạt được khi CTĐT hay cấp cơ sở đạt chuẩn này là gì?

- Việc đạt được chứng nhận đạt chuẩn đánh giá/kiểm định theo chuẩn AUN-QA nói riêng và các chuẩn uy tín khác nói chung là một cách khẳng định chất lượng của nhà trường đối với xã hội, cũng như với đối tác ở nước ngoài. HCMIU triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo mô hình quản lý chất lượng toàn diện cho tất cả các hoạt động từ đào tạo, nghiên cứu khoa học đến phục vụ. Các CTĐT đều được xác định lộ trình để tham gia đánh giá/kiểm định. Các chương trình chưa được đánh giá do chưa đủ điều kiện về số khóa SV tốt nghiệp để có thể đánh giá (theo quy định của AUN-QA là có ít nhất 3 khóa SV tốt nghiệp). Dù CTĐT đã được đánh giá hay chưa, chúng tôi vẫn triển khai rà soát và cải tiến định kỳ theo quy định.

- Ông có thể chia sẻ những việc cần làm để đạt được AUN-QA, nhất là về chi phí để vận hành chuẩn bị?

- HCMIU có đội ngũ bảo đảm chất lượng riêng của trường, tại các đơn vị, được đào tạo và tập huấn bài bản về bảo đảm chất lượng. Chiến lược bảo đảm chất lượng được xác định rõ ràng khi xây dựng kế hoạch chiến lược chung của trường.

Tính đến nay, chúng tôi có 12 CTĐT đạt chuẩn đánh giá AUN-QA, 2 CTĐT đạt chuẩn kiểm định ABET, là cơ sở giáo dục đạt chuẩn kiểm định của Bộ GD&ĐT và chuẩn đánh giá AUN-QA. Các hoạt động này được đầu tư từ nguồn kinh phí tự chủ của trường. Chỉ tính riêng chi phí cho việc chuẩn bị và thực hiện đánh giá đối với 1 chương trình AUN-QA khoảng 500 triệu đồng, và kiểm định một chương trình ABET gần 2 tỷ đồng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm, trang thiết bị và các hoạt động đào tạo trong những năm trước đó nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đạt chuẩn kiểm định.

- Xin cám ơn ông!

Những chính sách mở của HCMIU trong những năm qua đề cao hoạt động sở hữu trí tuệ, thu hút nhân tài và hỗ trợ kinh phí cho các đề tài chất lượng. Đặc biệt, những đề tài nghiên cứu khoa học của trường không chỉ mang tính học thuật đơn thuần mà còn chuyển giao công nghệ. Trường đã ký kết hợp tác với hơn 20 tỉnh thành trong cả nước… và nhiều các doanh nghiệp lớn cho 20 dự án trọng điểm khác. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ