Đất cho trường học: Không đồng bộ, chậm tiến độ

GD&TĐ - Tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, khu đô thị, chung cư mọc lên rầm rộ năm này qua năm khác. Nhưng nhà cứ mọc còn các công trình dân sinh, đặc biệt là trường học luôn bị “ngó lơ”, khiến nhu cầu sinh hoạt và học tập của người dân bị bỏ quên, đồng thời làm tăng áp lực cho các trường công nằm trên địa bàn…

Trường THCS Lê Ngọc Hân khánh thành cơ sở mới.
Trường THCS Lê Ngọc Hân khánh thành cơ sở mới.

Mòn mỏi chờ… đất

Khu đất 2.599m2 tại ngõ 282 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội có thể gọi là “kim cương” khi tọa lạc tại vị trí đắc địa tiếp giáp ngã ba giữa phố Trích Sài và ngõ 282 Lạc Long Quân. Mặt tiền lô đất trải dài vài chục mét bám sát mặt phố Trích Sài, nhìn thẳng ra mặt nước Hồ Tây.

Nhiều năm qua, lô đất được UBND TP Hà Nội cho Tổng Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) thuê làm bãi đỗ xe với hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Trong suốt thời gian thuê, UDIC liên tục có động thái muốn chuyển đổi mục đích sử dụng lô đất trên khi thì làm dự án nhà ở, lúc lại muốn xây khách sạn, văn phòng và cuối cùng là xây trường mầm non tư thục!

Trước sự việc trên, từ năm 2006 đến nay, người dân và chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị TP lấy lại khu đất giao cho UBND quận Tây Hồ và UBND phường Bưởi quản lý, lập đề án xây dựng trường mầm non công lập phục vụ con em trên địa bàn. 12 năm chờ đợi mòn mỏi, ngày 7/2/2018, người dân trên địa bàn phấn khởi khi  tiếp cận với Văn bản số 585 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý  ký với nội dung thống nhất đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, “giao UBND quận Tây Hồ khẩn trường đầu tư xây dựng trường mầm non công lập tại ngõ 282 Lạc Long Quân bằng nguồn vốn ngân sách quận theo đúng quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn”.

Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết: Trường Mầm non Tây Hồ đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục để chính thức đi vào hoạt động trong thời gian tới, nâng tổng số trường mầm non công lập trên địa bàn lên 10 trường. Trường MN Tây Hồ có công suất 20 lớp, dự kiến tiếp nhận hơn 700 trẻ theo học, góp phần giảm tải cho Trường Mầm non Bình Minh và Xuân La. 

Kỷ lục “chờ đợi” có thể kể Trường THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), mặc dù có chủ trương tách cấp tiểu học và THCS từ năm 1994, nhưng phải tới năm 2015, dự án mới được triển khai. Dự án được khởi công vào tháng 3/2018 tại địa điểm trước đây là một phần khuôn viên của Nhà máy Rượu Hà Nội. Giáo viên, học sinh, phụ huynh, chính quyền và nhân dân phường sở tại đều hân hoan, phấn khởi khi ngôi trường chính thức đi vào hoạt động sau hơn 20 năm nằm “treo” trên giấy.

Cô Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Ngọc Hân cho biết: Nhiều năm qua, nhà trường vẫn sử dụng chung cơ sở vật chất với Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Cơ sở vật chất hạn chế khiến việc dạy học và tổ chức các hoạt động gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều năm quy hoạch, việc xây dựng và khánh thành ngôi trường mới trong năm học 2019 - 2020 có ý nghĩa rất lớn với các thế hệ thầy, trò nhà trường.

Chung cư khu Ngoại giao đoàn xây đựng các tòa nhà nhưng “quên” xây trường học. Ảnh minh họa
Chung cư khu Ngoại giao đoàn xây đựng các tòa nhà nhưng “quên” xây trường học. Ảnh minh họa

Khu đô thị “đáng sống” nhưng thiếu trường học

Còn tại k hu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) cũng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (Tổng HUD) làm chủ đầu tư. Dự án xây trên ô đất rộng 51ha với quy mô dân số lên đến 6.700 người khởi công từ năm 2002, quy hoạch 6 ô đất xây trường học nhưng đến nay chỉ có 1 lô đất xây trường mầm non đã hoàn thành. 5 lô còn lại lô  vướng quy hoạch nghĩa trang, 3 lô chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ phát, đến nay nhà đầu tư chưa có động thái gì.

Được giới thiệu là khu đô thị đáng sống và là điểm nhấn của Thủ đô, tuy nhiên, rất nhiều cư dân ở Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang bức xúc vì quy hoạch nơi đây bị băm nát, các tòa nhà mọc lên liên tiếp nhưng tuyệt nhiên không thấy trường học đâu. Theo quy hoạch của khu đô thị Ngoại giao đoàn  có 4 trường học, gồm 2 nhà trẻ, 1 trường cấp một và 1 trường cấp hai. Song trên thực tế, những lô đất dành cho xây dựng trường học đến nay vẫn chỉ là những bãi đất trống, nơi để vật liệu xây dựng của các công trình xung quanh, nơi  trồng cây...

Chị Ngô Thu Trang, cư dân sống tại tòa N04T1, khu Ngoại Giao đoàn cho biết: Gia đình chị có 2 con nhỏ, lúc mới tìm hiểu, chị được giới thiệu sẽ có trường công hiện đại được xây dựng ngay sau khi bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, từ lúc mua nhà cho tới nay đã 8 năm, chị chưa thấy có ngôi trường nào được xây dựng tại đây. Vì thiếu trường học, phần lớn cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn phải gửi con ở các trường tư thục với  chi phí đắt đỏ. Hoặc phải gửi con đi học ở trường cách xa nhà hơn chục cây số, rất khó khăn và bất tiện…

Ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết: Hoàng Mai là một trong những quận có dân số đông nhất toàn TP. Hàng năm có số HS đầu cấp tăng xấp xỉ 5.000 em. Nhu cầu trường, lớp học  lớn nhưng khó khăn lớn nhất với Hoàng Mai hiện nay là những ô quy hoạch không giải phóng được mặt bằng xây dựng trường lớp. Đơn cử, dự án trường MN trên địa bàn phường Thịnh Liệt, các nhà đầu tư đã đấu thầu hơn 10 năm ô đất để xây dựng trường nhưng nay vẫn.. nằm im. Hay các ô đất của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD) trên địa bàn phường Hoàng Liệt – nơi có số dân cũng như số học sinh đông nhất, đã quy hoạch đầu tư 3 cơ sở tiểu học và mầm non, tuy nhiên quy hoạch vẫn còn nhưng công ty chưa xây dựng…

Trước thực trạng nhiều trường phải bố trí học luân phiên để đủ lớp học cho HS, ông Thái đề nghị, các dự án xây dựng trường học chậm triển khai, TP cần có chủ trương thu hồi giao cho quận xây dựng để sớm có thêm trường, lớp học cho con em nhân dân trên địa bàn.

Những dự án trường học trở thành hiện thực sau nhiều năm “nằm trên giấy” đã phần nào đáp ứng được nguyện vọng học tập của nhân dân và gây dựng niềm tin với xã hội. Tuy nhiên, con số này khá ít ỏi so với nhu cầu thực tế cũng như quy hoạch lấy đất xây trường học ở hầu khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.