Đất ấm

GD&TĐ - Nhà bà Mỉ ở sâu trong ngõ xóm. Đúng là mỗi năm mỗi khác. Cách đây ba mấy năm nhà bà ở giữa đồng, cái nhà vốn chỉ là lều canh dưa của chồng, giờ đã là xóm Mới chật ních nhà. Xóm Mới toàn là dân xóm Quế tách ra.

Đất ấm

Đến cổng nhà bà Mỉ, bà Sắc, bà Trụ thấy vắng lặng. “Bà lão có nhà không đấy?” Một cháu gái bước ra sân: “Có nhà đấy ạ”. “Hoa à? Bà mày đâu?” “Ở trong nhà ạ”. Bà Mỉ vẫn ngồi không động đậy trên ghế dài. “Giờ bà đã biết tôi chưa? ” Bà Sắc tươi cười hỏi. Bà Mỉ nhìn chằm chằm rồi gật đầu. Bà Sắc mừng rỡ “Vậy tôi tên là gì?” Bà Mỉ cười, gật đầu. “Thế ai đây?- Bà Sắc chỉ tay về bà Trụ. Bà Mỉ lại cười, gật đầu.

Khổ quá, bao hôm mà vẫn chưa tỉnh ra được. Bà Trụ ngạc nhiên: “Sao bảo hôm nọ bà ấy nhận ra cả ông Vinh, ông Duyệt, bà Huệ?” Bà Sắc thở dài. Bà Mỉ lúc tỉnh lúc không, chẳng ra khôn chẳng ra dại, cứ ngây ngây ngô ngô, lúc nói lúc im, chả biết bệnh tình thế nào. Cũng may bà chỉ lầm lì, ít nói chứ chưa phát dở phát dại mà bỏ nhà đi lang thang hoặc la hét, đập phá. Đúng là người ta chả biết thế nào. Có ai ngờ bà Mỉ lại khổ sở, cay đắng đến vậy.

Cách đây mấy chục năm, cô gái Mỉ người Tày về làm dâu làng này. Ai cũng khen ông Công tốt số vì lấy vợ đẹp. Mỉ mặt trái xoan, mũi dọc dừa, da trắng hồng, đôi mắt long lanh trông như hai giọt nước, cơ thể rắn chắc. Gái làng Quế đây không ai được như cô gái này. Mà Công tài ba tử tế gì cho cam, chỉ được cái mồm mép, nói phét nói lác, có tiếng lật mặt như lật bàn tay. Dân làng vẫn nghi ngờ việc xuất ngũ anh ta. Nhập ngũ chưa đầy hai tháng đã thấy khoác ba lô về vì yếu sức khỏe.

Nghe phong thanh anh ta ăn uống hay bôi xoa thứ gì ấy mà mặt mày sưng phù, lở loét nên qua mặt các y sĩ bệnh viện để có giấy xác nhận bệnh tật. Về nhà chưa đầy nửa tháng đã lành lặn, khỏe mạnh, rước cô vợ về. Lúc ấy chiến tranh ác liệt, nhà nước liên tục gọi quân. Công dỗ em trai mới mười bảy tuổi làm đơn xung phong nhập ngũ. Người em ấy mới đi hơn năm đã hy sinh trên đường vào chiến trường. Công quen biết Mỉ khi nhập ngũ huấn luyện ở một xã vùng cao. Chả biết anh ta tán tỉnh thế nào mà cô ta chết mê chết mệt, bỏ trai quê đeo đuổi để về làng Quế này.

Bà Mỉ vẫn ngồi đờ đẫn trên ghế, khi nhìn trừng trừng vào hai bà đang rì rầm trò chuyện, khi gục đầu vào đầu gối.

“Hoa này, bà cháu vẫn ăn ngủ tốt chứ?” Bà Sắc hỏi.

“Bà cháu ăn ít, ngủ ít lắm. Có đêm đang ngủ lại ngồi dậy khóc. Bố mẹ cháu phải vào dỗ đấy”.

“Sao thằng Ước không cho bà ấy vào bệnh viện tâm thần trên tỉnh?” - Bà Trụ thì thầm.

“Ấy chết, thằng Ước nghe thế sẽ bực đấy. Nó bảo, mẹ nó không phải đi đâu hết, cứ ở nhà con cháu chăm, rồi sẽ khỏi. Mẹ nó đã khổ nhục bao năm rồi, giờ phải an nhàn, bồi dưỡng tẩm bổ”.

“Thật phúc đức cho bà là có mấy đứa con hiếu thảo, chứ cứ như lão Công chắc bà ấy chả muốn sống”.

Phải, lão Công thì cả làng cả xóm đều ghét. Ngay anh em họ hàng cũng chẳng ưa. Hư đốn cả vợ lẫn chồng. Ấy là nói cô vợ sau của ông ta.

Ở nhà chạy chợ vài ba tháng, Công được ông cậu có vai vế ở Ty Tài chính cho làm cán bộ thuế trên huyện. Chả hiểu bằng cách nào mà chỉ sau vài ba năm Công khá giả lạ thường. Dù đã hết chiến tranh nhưng người dân làng này vẫn nghèo lắm. Vậy mà Công đã chễm chệ xe máy, vợ con ăn uống đầy đủ quả là điều khác thường ở làng. Nhưng rồi Công sinh đốn. Anh ta tằng tịu hết cô này đến cô khác, chả đoái hoài gì đến gia đình. Đã vậy luôn đánh đập vợ, bêu riếu vợ mọi nơi. Một ngày, anh ta đuổi vợ con ra lều canh giữ dưa giữa đồng, xưng xưng vợ đần vợ láo, hai con không phải là con lão. Độ tháng sau, anh ta rước cô gái to béo trẻ măng về nhà, chả cưới xin gì. Cứ tưởng gã sẽ làm vương làm tướng, tác oai tác quái, lên ngựa lên voi, ai dè phải chịu hẩm hiu. Anh ta bị buộc thôi việc, rồi ốm đau liên miên. Cô vợ mới giờ coi chồng như rơm như rác. Có mấy đứa con đều hư hỏng.

- Chắc lão Công không tới đây?- Bà Trụ hỏi - Bà ở ngay cổng nhà này nếu lão ấy đến, bà phải biết chứ.

- Bố bảo không dám vác mặt tới. Có đến, thằng Ước cũng tống cổ.

Bà Sắc nói thế là phải. Ông Công bỏ rơi hai đứa con từ lúc chúng mới hơn chục tuổi đầu. Hai anh em chúng từ khi mẹ mất tích đã tự mò cua bắt ốc nuôi sống nhau, cùng với trợ giúp của anh em họ hàng và bà con hàng xóm. Từ thuở bé, chúng đã ghét bố vì luôn đánh đập mẹ nó. Lớn lên cũng chưa lần nào được gặp bố tới thăm. Ông ta tuyên bố thẳng thừng hai đứa đó không phải là con mình, điều mà cả xóm phải bật cười và giận dữ. Cách đây hai năm khi đất đây lên giá, ông Công còn đòi chia đất nhà của con cho mình. Thôn và xã vào cuộc. Rốt cuộc, đất không chiếm được lại bị thêm mang tiếng xấu. Có người đã làm bài vè lưu truyền cả xã khiến ông ta không dám đến chỗ họp hành, tránh xa nơi đông người ở xóm.

Bà Mỉ vẫn ngồi không nhúc nhích, tựa như tảng đá. Chẳng hiểu trong đầu óc u mê bà có còn nhớ cái thời khắc tăm tối của mình.

Một buổi sáng có đứa cháu họ ở quê phóng xe máy lên tỉnh bất chợt gặp Mỉ đang xách giỏ cua đi bán, bèn dừng xe, kêu toáng lên:

- Dì vẫn vất vả thế này ư? Sao ai bảo, chồng dì làm cán bộ thuế giàu lắm?

Mỉ ứa nước mắt:

- Ông ấy bỏ dì rồi, đã lấy vợ mới.

- Cụ thế thế nào, dì kể đi. Dì không lo chỗ cua bán ấy. Cháu sẽ đưa tiền mười lần số cua đó.

Đứa cháu họ ấy có tiếng đáo để, tinh ranh nhất xã. Đi buôn bán cùng mẹ từ lúc chín, mười tuổi, trong Nam ngoài Bắc đủ cả. Thay chồng như thay áo. Ba, bốn con đều tống cho bố mẹ chăm. Tiếng là người Tày ở xã vùng cao nhưng gái thành phố chưa chắc đã bằng.

- Nghe dì nói, cháu nẫu ruột nẫu gan. Đúng là hồng nhan bạc phận. Ai ngờ người đẹp như dì lại hẩm hiu đến thế. Đã vậy cháu sẽ giúp dì giàu có để mở mắt thằng chồng đều cáng ấy.

Đứa cháu nói luôn, sáng mai tầm bảy giờ Mỉ đến đây, nó sẽ đưa lên Lạng Sơn nhận hàng, sáng đi chiều về. Tiền xe, ăn uống đi về nó sẽ lo hết. Chỉ cần đi một chuyến, tiền lãi đủ ăn một tháng. Hàng gì, Mỉ không cần biết vì đứa cháu nhận và bán.

Mỉ cũng lo. Từ bé đến giờ chưa đặt chân tới thành phố, chả biết đâu với đâu. Nhưng nghĩ đứa cháu đưa đi sẽ yên tâm. Với số tiền lớn có được, Mỉ sẽ sửa chữa căn nhà dột nát, cho con học hành. Sáng hôm sau sau khi dặn dò con, Mỉ lẳng lặng đi. Ai ngờ từ ấy Mỉ biệt tăm.

Không một ai kiếm tìm người đàn bà khổ sở ấy. Bố mẹ Mỉ già yếu, họ hàng ít ỏi đều sợ đi xa. Ông Công điềm nhiên như không, anh em họ hàng chỉ biết thúc giục lẫn nhau. Khổ nhất là hai đứa trẻ không mẹ không cha.

Một năm, ba năm trôi qua.

Năm năm, mười năm trôi qua…

Hai đứa bé ngày nào giờ đã là chàng trai khôn lớn, đã lấy ngày mẹ đi là ngày giỗ hàng năm.

Một hôm có bà ở xóm bên chuyên buôn bán vùng biên kể một chuyện với nhiều người về người đàn bà xấu số đã đến tai anh em Ước. Có một bà ăn xin ăn mày ở trên ấy trước khi chết bà có nói rằng, bà có hai người con trai bị lạc từ bé, quê làng Mế, tỉnh Bắc. Chỉ vì đi tìm con mà bà cơ cực thế này. Người ở bản đã chôn cất bà tử tế, có ghi tấm biển trên mộ là người vô danh, vô gia cư. Mả đã bao năm mà chẳng thấy ai đến tìm.

Ước nửa tin nửa nghi, theo lời khuyên của mấy người trong xóm, đã tới gặp thầy bói có tiếng ở xã bên. Ông thầy này sau khi thắp hương, giở sách, tung đồng trinh hen gỉ, lẩm nhẩm những câu bí hiểm đã quả quyết người chết đúng là người mẹ khách hàng. Ông ta còn giảng giải, làng Mế chính là làng Quế mà người nghe không rõ. Rành rành bà ta còn nói có hai người con trai. Hẳn do đầu óc mụ mẫm mà bà đã không nhớ đường về quê. Thế là anh em Ước theo lời chỉ dẫn của bà đi buôn ở xóm bên đã lặn lội lên tận bản vùng biên để bốc hài cốt về. Bao năm trời hai anh em vẫn đinh ninh nắm xương ấy là mẹ mình.

Bà Mỉ ngồi dựa lưng vào ghế, mắt lơ đãng nhìn ra phía trước như vào cõi xa xăm. Trông bà bây giờ đã béo tốt, da dẻ hồng hào. Dẫu tóc đã bạc, khuôn mặt có nhiều nếp nhăn nhưng vẫn giữ những nét đẹp của thuở xưa thời con gái. Đôi mắt trong, không mờ đục, trông thật thuần hậu. Hồi bà được đón về, nhiều người khó nhận ra - xanh xao, gầy yếu, tưởng chỉ cơn gió mạnh có thể bay mất. Xóm làng ai cũng tấm tắc khen anh em nhà Ước thật có hiếu với mẹ. Chăm mẹ từng ly từng tí. Ăn uống tẩm bổ. Đón thầy lang, thầy thuốc đến khám chữa bệnh.

Anh em Ước và cả xã chỉ biết sự thật về bà khi tòa án huyện đưa vụ cháu họ Mỉ lừa đảo, buôn bán người qua biên giới được xét xử lưu động.

Phải, cái hôm kinh hoàng với bà Mỉ.

Lải - đứa cháu họ bà Mỉ - dẫn bà đến một quán nước vắng vẻ bên đường nhỏ, bảo rằng chờ nó một lát để gọi ô tô tới để đi lấy hàng. Cô ta còn ân cần dặn dò lúc nữa sẽ có thêm vài ba chị em cũng đến đây cùng lấy hàng. Đúng là sau đó có hai cô đến. Cả ba người được đưa đi, nói là tới chỗ Lải. Đến nơi chả thấy Lải đâu, Mỉ phải theo xe máy một người đàn ông đầu trọc lầm lì đến một bản heo hút giao cho một ông trung niên vạm vỡ và tuyên bố Mỉ sẽ là vợ của ông này. Mỉ van lạy khóc khản cổ nhưng chả ai đoái hoài.

Liên tiếp những ngày sau ông chủ nhà bắt Mỉ làm vợ song cô chống cự. Thế là ông ta trói, đánh tàn bạo, sau nhốt cô vào buồng hẹp tăm tối. Thời gian trôi qua vẫn không khuất phục nổi cô gái, ông ta đưa cô vào rừng, trói gốc cây cho chết. Rất may cho Mỉ, có người tình cờ qua đó trông thấy đã cởi trói cho cô. Cũng từ ngày ấy Mỉ lang thang bao đường đất xứ người, không biết tiếng bên họ, không biết địa hình, ăn xin từng bữa, ngủ vạ ngủ vật, áo quần rách bươm, buộc túm từng chỗ. Rồi một hôm, Mỉ nghe tiếng người mình vội chạy đến gặp khiến người đó kinh hãi bỏ chạy. Sau cùng, Mỉ cũng đến một nơi có đông người ở đất Việt nhưng giờ đầu óc luôn hoảng loạn, lúc mê lúc tỉnh, chẳng nhớ gì hết. Ai hỏi chỉ lắc đầu hoặc khóc.

Một buổi sáng, bà Mỉ đang nằm trên tấm bao tải ở vỉa hè góc phố thì một bà đi tới, bỗng dừng lại nhìn chằm chằm rồi kêu thét lên:

- Bà Mỉ hả? Có phải bà Mỉ không?

Bà Mỉ nhổm dậy, toét miệng cười.

- Đúng bà Mỉ rồi! Giời ơi, sao lại nông nỗi thế này! - Bà Sắc òa ra khóc - Ai cũng tưởng…

Bà Mỉ chợt rú lên:

- Chị Sắc.

- Bà Mỉ đây rồi.

Bà Sắc với bà Mỉ vốn là bạn thân thiết. Cả hai đều tuổi như nhau, đều làm dâu xứ người. Sắc còn ở trong đội văn nghệ xã, có tiếng hát hay, ví von giỏi.

- Bây giờ cùng tôi về quê. Kỳ này phải mổ bò khao cả xóm.

Bất ngờ bà Mỉ co rúm người, hét lên. Những người gần đấy vội chạy tới. Bà Mỉ cuống cuồng giơ tay chỉ trỏ bà Sắc với sự hoảng loạn khiến mọi người gặng hỏi, nghi ngờ. Bà Sắc kể nhưng chả ai tin. Sau cùng, bà đành bỏ dở việc thăm con, tức tốc lên xe khách trở về nhà báo tin.

Khi thấy xe taxi từ trong xe bà Sắc cùng anh em Ước lao tới, bà Mỉ đứng phắt dậy trân trân nhìn. Ước chạy đến ôm lấy mẹ.

- M...ẹ... Mẹ ơ...i...

Bà Mỉ như tỉnh cơn mê, nức nở:

- C...on. Ước phải không. Thế còn...

Bà chưa nói hết câu đã khuỵu xuống. Hai anh em khóc như trẻ nhỏ dìu mẹ ra xe...

Ngày trở về của bà Mỉ như ngày hội của xóm Mới. Bà con xóm Quế cũng đổ xô ra. Tiếng cười, nói vang dậy khắp các ngả đường. Người ta không thấy bóng dáng của vợ chồng ông Công.

Bà Mỉ vẫn ngồi y như chiếc ghế cạnh bên với nét mặt căng thẳng.

- Bà Sắc ơi, ta về chứ, ngồi cũng lâu rồi - Bà Trụ nhấp nhổm đứng dậy.

- Nào thì về. Tôi cũng…

Bỗng bà Mỉ hét lên:

- Chị Sắc! Em nhớ ra rồi.

Bà Sắc reo:

- Nhớ rồi hả? Thế ai đây? - Bà chỉ người ngồi bên.

- Chị Trụ vợ thầy giáo Vinh.

Bà Sắc cười, ôm bà Mỉ vừa đứng dậy:

- Còn chị chiếc gì nữa. Tao với bà Trụ đều già cả rồi. Mày cũng vậy. Loáng cái đã mấy chục năm. Đúng là, khi đi trúc chửa mọc măng, khi về trúc đã cao bằng ngọn tre. Khi đi lúa mới sang hè, khi về lúa đã vàng hoe đầy đồng.

- Cái bà này, có mà mấy trăm ngọn tre, mấy chục vụ lúa.

Bà Sắc cười ngất. Bà Mỉ cười nhưng nước mắt chảy tràn trên má.

Bà Trụ té tát chạy ra ngoài. Lúc sau đám đông người trong xóm ồn ào, rầm rập đi tới…

Làng Cộm, 2018

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ