Đào tạo theo định hướng Blended learning

GD&TĐ - Ngày 29/3, Trường ĐH Mở TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp đào tạo theo định hướng Blended learning trong bối cảnh mới”.

PGS. TS Vũ Hữu Đức, Khoa đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Mở TPHCM trình bày tại hội thảo.
PGS. TS Vũ Hữu Đức, Khoa đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Mở TPHCM trình bày tại hội thảo.

Hội thảo thu hút sự quan tâm và nhiều bài tham luận đến từ các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục, kinh tế, kỹ thuật.

Mô hình giảng dạy của kỉ nguyên số

Tại hội thảo các nhóm chủ đề được đại biểu, học giả trình bày hướng đến các vấn đề như: Thực trạng và kinh nghiệm thực tiễn đào tạo theo định hướng Blended learning của các cơ sở giáo dục tại Việt Nam.

Các yêu cầu về nguồn lực (hạ tầng, nhân lực…) để đáp ứng khả năng phát triển đào tạo theo định hướng Blended learning. Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, TPHCM để phát triển đào tạo theo định hướng Blended learning.

PGS. TS Vũ Hữu Đức, Khoa đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Mở TPHCM cho biết: Blended learning là một mô hình, phương thức giảng dạy và học tập nhằm kết hợp các phương pháp sư phạm khác nhau để mang lại hiệu quả học tập cao nhất.

Cũng theo PGS.TS Vũ Hữu Đức, chất lượng Blended learning phụ thuộc vào chất lượng cả phần trực tiếp và trực tuyến cũng như dịch vụ hỗ trợ chứ không phải là vấn đề tỷ trọng mỗi phần nhiều hay ít.

Blended learning bao gồm nhiều mô hình khác nhau, được lựa chọn phù hợp với chuẩn đầu ra của môn học cũng như điều kiện của nhà trường và giảng viên. Để áp dụng Blended learning cần tận dụng MOOCs và các tài nguyên mạng khác.

"Với nền tảng tài nguyên số và công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ trong mọi hoạt động của các trường, việc triển khai mô hình Blended learning (học tập kết hợp) trong bối cảnh mới hoàn toàn khả thi và hiệu quả, khi người học được mở rộng không gian học tập. Mô hình vừa phát huy ưu điểm phương thức dạy học truyền thống vừa giúp người dạy và người học có thời gian làm quen dần với mô hình trực tuyến"- PGS.TS Vũ Hữu Đức nói.

GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM phát biểu khai mạc hội thảo.

GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo ông Phạm Xuân Vũ, Trường Đại học Sài Gòn, dạy học kết hợp (Blended learning) đã và đang được nghiên cứu và trở thành xu hướng giáo dục phổ biến ở đại học hiện nay. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự phù hợp của hình thức dạy học này đối với đào tạo ở đại học vì tăng cường hiệu quả học tập, tạo ra môi trường linh hoạt và sáng tạo của người học.

Quan trọng hơn, mô hình Blended Learning tạo môi trường học tập linh hoạt: người học học ở trường, nhà, cơ quan hoặc các địa điểm công cộng có thiết bị kết nối Internet, tạo điều kiện thuận lợi cho người học tương tác chủ động và tích cực hơn; đồng thời tăng khả năng hợp tác làm việc của học viên, không thụ động tiếp nhận tri thức từ giảng viên.

Thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học

Theo ông Phạm Xuân Vũ, việc tổ chức dạy học theo hình thức Blended learning đòi hỏi sự hợp tác đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ của giảng viên, tinh thần tự giác học tập và khả năng tiếp cận với hình thức học kết hợp của người học, các yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và phương tiện công nghệ của nhà trường.

"Các mức độ của dạy học kết hợp Blended Learning luôn thay đổi linh hoạt tùy thuộc vào tính chất và khả năng tiếp thu của người học. Thông thường những môn học cơ sở giảng viên sử dụng mức độ thấp để người học từ từ thích nghi với cách học kết hợp này, đồng thời nắm vững các nội dung cơ sở đầu tiên. Các học phần phương pháp có thể linh động áp dụng mức độ cao để người học tự học online, thực hiện các bài tập lớn và làm việc nhóm, trao đổi giữa các nhóm thông qua hướng dẫn của giảng viên, giúp việc học hiệu quả hơn." - ông Vũ chia sẻ.

Các đại biểu tại hội thảo.

Các đại biểu tại hội thảo.

Th.S Trần Thị Tuyết Vân, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM: Môi trường học tập truyền thống theo xu hướng phát triển sẽ không còn phù hợp. Phương pháp giảng dạy trực tuyến lại không thể thay thế hoàn toàn truyền thống, bởi nó được xây dựng dựa trên kế thừa những điểm mạnh và khắc phục yếu điểm còn tồn tại. Vì vậy, mô hình Blended Learning (kết hợp hai phương pháp có tác dụng bổ trợ lẫn nhau) được xem là tối ưu cho sinh viên trong bối cảnh mới.

"Để việc dạy và học trực tuyến thành công, đạt hiệu quả... cần sự thống nhất, đồng thuận cao và sự phối hợp giữa tổ chức giáo dục, người dạy và người học. Để hoạt động dạy học thực sự chất lượng, trước mắt các tổ chức giáo dục, người dạy và học phải thay đổi, thích nghi và tìm ra cách dạy học trực tuyến hiệu quả, tối ưu nhất.

Trên thực tế, mỗi thử thách đều mở ra cơ hội mới. Những thử thách giúp phát triển tiềm năng bởi nó phát hiện những điểm yếu và chúng ta có thể sửa chữa, củng cố cho tương lai tốt hơn. Trong tương lai, hình thức dạy học trực tuyến sẽ trở thành xu thế để thế hệ trẻ có thể tiếp cận cách học mới, giáo dục người học trở thành công dân toàn cầu"- Th.S Tuyết Vân nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ