Đào tạo sinh viên giỏi về thực hành

Đào tạo sinh viên giỏi về thực hành

(GD&TĐ) - Là một trong những trường Đại học Dân lập (ĐHDL) ra đời đầu tiên, khi mà quan niệm về ĐHDL chưa được công chúng nhìn nhận đánh giá cao, ĐHDL Phương Đông (ĐHDLPĐ) đã nỗ lực tìm mọi giải pháp để có thể vượt lên, phát triển và có được thương hiệu không thua kém so với nhiều trường ĐH công lập.

Trường ĐHDLPĐ được thành lập theo quyết định số 350/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08-7-1994. Trường có 7 Khoa và 3 Trung tâm với 23 ngành và chuyên ngành đào tạo bậc đại học; 4 ngành đào tạo bậc cao đẳng; 3 chuyên ngành ở bậc trung học chuyên nghiệp. Trong đó, khoa: Công nghệ sinh học và Công nghệ môi trường, Điện – Cơ điện tử đang được nhà trường chú trọng đầu tư và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

Trường DDHDL Phương Đông
Trường ĐHDL Phương Đông

Khoa điện - cơ điện tử (ĐCĐT)

Khoa đào tạo 2 ngành: Công nghệ kỹ thuật điện tử và ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử với 3 chuyên ngành: Tự động hóa, Hệ thống điện, Cơ điện tử. Thời gian đào tạo 4,5 năm (hệ chính quy). Năm 2008 Khoa mở thêm hệ đào tạo liên thông Trung cấp lên Đại học thời gian đào tạo 3 năm và liên thông Cao đẳng lên Đại học thời gian học 2,5 năm với 3 chuyên ngành trên. Năm 2010, Khoa dược Tổng cục dậy nghề cấp giấy chứng nhận số 39/2010/GCN – ĐKHĐDN ngày 15/8/2010 cho phép đào tạo Cao đẳng, Trung cấp và sơ cấp nghề các nghề: Cắt gọt kim loại, Chế tạo thiết bị cơ khí, Điện dân dụng, Tiện, Phay, Bào, Tiện CNC, Phay CNC, Gia công tia lửa điện CNC.

Trước năm 2005 chương trình đào tạo theo hệ thống niên chế. Sau năm 2005 cùng với toàn trường nói chung và Khoa (ĐCĐT) nói riêng đã chuyển sang hệ thống đào tạo tín chỉ. Toàn bộ chương trình được soạn thảo lại theo hướng tăng cường tài liệu tham khảo, hàm lượng thực hành, cải tiến phương pháp quản lý và triển khai quá trình đào tạo: cải tiến phương pháp dạy và học. Từ dạy và học theo kiểu thụ động, chuyển đổi sang hướng tích cực, lấy người học là trung tâm, học tập theo nhóm được khuyến khích, quán triệt phương châm “học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với thực tế”.

Để thực hiện hiệu quả phương pháp đào tạo, Khoa đã có đầy đủ giáo trình tài liệu tham khảo, đặc biệt đã biên soạn 20 cuốn bài giảng cho những môn học đặc thù của ngành và nhiều cuốn bài giảng thực hành cho các hệ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp.

 

Khoa (ĐCĐT) đã giành sự quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng đội ngũ giảng viên, với 20 cán bộ giảng dạy cơ hữu khối cơ sở và chuyên ngành, Khoa đã tuyển mộ cán bộ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của các trường như Bách Khoa, Điện lực, Giao thông vận tải... Giữ lại trường những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, đồng thời lần lượt gửi đi đào tạo Cao học ở các trường nổi tiếng (Đại học Bách khoa, Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Nông nghiệp...) Đến nay, trên 80% đã có bằng Thạc sỹ trở lên. Đội ngũ giáo viên thỉnh giảng trong Khoa khoảng trên 30 thầy, cô giáo là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học… uyên thâm về lý thuyết, giỏi về thực hành ở các chuyên ngành.

Một trong những điểm nhấn về chất lượng đào tạo của khoa là việc thiết kế chương trình đào tạo có tỷ lệ thực hành lớn (30÷40% thời lượng chương trình). Hầu hết các môn cơ sở và chuyên ngành đều có thực hành theo hướng tích cực. Sinh viên tự nghiên cứu bài thực hành, ghép nối cài đặt chế độ vận hành trang thiết bị, xử lý số liệu và báo cáo kết quả dưới sự hướng dẫn kiểm tra đánh giá của giảng viên.

Với cơ chế thích hợp của Nhà trường, Khoa đã đầu tư và hình thành các nhà xưởng và trang thiết bị thực hành qui mô lớn trên diện tích hơn 1.000 m2 với giá trị đầu tư nhiều tỉ đồng được chia làm 2 khối:

Khối các phòng thí nghiệm: Trang bị các thiết bị thí nghiệm đa năng theo các môđun đào tạo: kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, điện công nghiệp và dân dụng, điện tử công suất, điều khiển tự động, điều khiển khả lập trình PLC, vi xử lý, điều khiển thủy khí, điều khiển máy NC, CNC, hệ thống sản xuất tích hợp CIM, hệ thống sản xuất linh hoạt FMS, Robot công nghiệp.

Khối các xưởng thực hành và sản xuất: Xưởng cơ khí TIG, xưởng hàn MIG, MAG, máy công nghiệp gia công khuôn mẫu, gia công chính xác trên các máy CNC (Tiện CNC, phay CNC, gia công tia lửa điện CNC…) Ngoài ra, hàng năm sinh viên còn tham quan thực tế, thực tập tại một số nhà máy, xưởng sản xuất.

Đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp của sinh viên được quy định bắt buộc phải có phần lý thuyết, phần thiết kế, thực hành, chế tạo mô hình thực hoặc số liệu thực nghiệm. Nhờ hoạt động đào tạo như vậy, Khoa (ĐCĐT) Trường ĐHDLPĐ khẳng định đảm bảo đào tạo sinh viên giỏi về thực hành. Đây cũng là một thế mạnh - một yếu tố nổi trội mang tính canh tranh của nhà trường.

Về công tác nghiên cứu khoa học: đây là một nhiệm vụ chính bên cạnh công tác đào tạo. Khoa đã xây dựng câu lạc bộ nghiên cứu khoa học cho các giảng viên và sinh viên trong khoa thường xuyên giao lưu, hội thảo, báo cáo các chuyên đề khoa học… Từ năm 2003 đến nay, hàng năm, Khoa tổ chức 1 đến 2 đội nghiên cứu thiết kế và chế tạo robot tham gia cuộc thi Robocon toàn quốc. Đặc biệt, năm 2004, đội Robocon của Khoa đã đạt giải nhì cuộc thi Olimpic Robocon Micromouse toàn quốc do Hội Tin học Việt Nam tổ chức. Năm 2009, Khoa nhận được bằng khen vì có thành tích tham gia Hội chợ Quốc tế Automa Việt Nam 2009 do hội Tự động hóa trao tặng. Năm 2010, đội tiếp tục đoạt giải nhì cuộc thi “Robot quốc tế TDK – 14th” tổ chức tại Đại học Minh Tân – Đài Loan.

Một trong những hoạt động nổi bật ở Khoa những năm qua là đào tạo thực hành và đào tạo nghề ở Trung tâm Tự động hóa và Trung tâm đào tạo nghề cơ khí. Có nhiều trường bạn hàng năm đã gửi sinh viên đến thực hành về kỹ thuật điện, kỹ thuật điều khiển tự động… Một số công ty như: Vinacomex, Emico, DKS, Halasuco, công ty Hoàng Long, Phú Thọ, Vitourco… thường xuyên gửi học viên đến đào tạo nghề gia công cơ khí, hàn hồ quang TIG, MIG, MAG, gia công trên máy tiện CNC, phay CNC, gia công tia lửa điện CNC…Trong năm qua, Khoa đã có gần 100 hợp đồng đào tạo nghề với khoảng 800 công nhân cung cấp cho xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Tính đến nay, Khoa đã có 6 khóa sinh viên chính quy tốt nghiệp với hơn 500 kỹ sư mà hầu hết đã có chỗ đứng vững vàng trong xã hội không những tại VN mà rất nhiều trong số đó đang từng đảm nhiệm các vị trí tác nghiệp ở các nhà máy công nghiệp hiện đại tại Nhật Bản.

Khoa Công nghệ sinh học và Công nghệ môi trường (CNSH & CNMT)

Ngày 22.3.2001, Bộ GD-ĐT đã có Quyết định số 1454/QĐ-BGD-ĐT cho phép Trường được đào tạo Ngành Công nghệ sinh học. Nhờ sự góp sức của các thế hệ thầy, cô là giáo sư, phó giáo sư, TS khoa học, và sự hỗ trợ của các cơ sở liên kết đào tạo như: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm, Viện CNSH, Viện CNMT, Viện di truyền nông nghiệp… tham gia giảng, đến nay 10 khóa sinh viên đã và đang học ở khoa. Hàng năm, thường xuyên có 200 sinh viên nhập học 2 ngành CNSH & CNMT.

- Công nghệ sinh học bao gồm nhiều chuyên ngành khoa học công nghệ như: Công nghệ vi sinh, công nghệ enzym-protein, công nghệ tế bào, kỹ thuật di truyền phân tử… và được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực như: y - dược (sx thuốc, chuẩn đoán bệnh, sx vac-xin…), nông lâm ngư nghiệp (chọn giống, chữa bệnh, sản xuất thức ăn gia súc…), công nghệ thực phẩm (sản xuất rượu, bia, chế biến thực phẩm…), công nghệ sau thu hoạch (sử dụng chất bảo quản sinh học, vật liệu sinh học…), kỹ thuật môi trường (xử lý phế thải rắn, lỏng…). Hiện nay nước ta có nhiều trường đào tạo CNSH với mục tiêu khác nhau. Có trường đi sâu nghiên cứu cơ bản, có trường đi sâu về CNSH ứng dụng trong nông nghiệp hay ngư nghiệp, có trường đi sâu về CNSH ứng dụng trong công nghiệp hay xử lý môi trường. Trên cơ sở khung đào tạo của Bộ GD-ĐT, Khoa CNSH-MT, Trường ĐHDLPĐ cung cấp cho sinh viên những kiến thức chung về sinh học đại cương, sinh học thực nghiệm, những thành tựu mới về CNSH. Để đáp ứng yêu cầu của xã hội và nguyện vọng của sinh viên, khoa có 3 chuyên ngành đào tạo: CNSH Công nghiệp, CNSH Nông nghiệp và CNSH Kinh tế.

- Công nghệ kỹ thuật Môi trường là ngành được nhiều trường đại học quan tâm đào tạo vì kỹ sư kỹ thuật môi trường đang là nhu cầu của các nhà máy, xí nghiệp đến các nông lâm ngư trường, trang trại từ thành phố đến nông thôn, từ cơ quan quản lý đến các viện nghiên cứu, trường đại học… Với 2 chuyên ngành đào tạo là Công nghệ kỹ thuật môi trường và kỹ thuật kinh tế môi trường, khoa đã tập trung trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản, toàn diện về khoa học môi trường, chú ý đào tạo kỹ năng thực hành về các kỹ thuật, thiết bị xử lý môi trường. Sinh viên ra trường có thể tự tin đảm đương các nhiệm vụ mà xã hội yêu cầu.

Để sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng làm tốt công việc, khoa chú trọng đào tạo để sinh viên có đủ kiến thức về tiếng Anh, tin học ứng dụng. Trong quá trình học tập sinh viên được học tập, thực hành ở nhiều phòng thí nghiệm hiện đại, trọng điểm quốc gia ở các cơ sở liên kết là các viện nghiên cứu hàng đầu của VN như: Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Công nghệ sinh học, Viện Cơ điện nông nghiệp. Từ năm thứ 3, những sinh viên có kết quả học loại khá được hỗ trợ kinh phí để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, dưới sự hướng dẫn của nhiều nhà khoa học nổi tiếng. Qua 10 năm xây dựng và phát triển, sinh viên khoa CNSH - MT có 10 giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Điển hình là sinh viên Trương Ngọc Tú, sinh viên lớp 931 đoạt giải nhất sinh viên NCKH năm 2006; sinh viên Lê Thùy Quyên lớp 503301 đoạt giải nhất sinh viên NCKH năm 2007, giải thưởng Vifotech, giải thưởng Wipo duy nhất của Việt Nam năm 2007 do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao tặng...

Với những cố gắng của thầy, cô giáo Trường ĐHDLPĐ đã và đang góp phần phục vụ đắc lực vào quá trình CNH, HĐH đất nước.

 PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.