Đào tạo liên kết quốc tế ra đời như thế nào?

Đào tạo liên kết quốc tế ra đời như thế nào?

(GD&TĐ) - Có lẽ ít người biết rằng, chính người Malaysia, nói đúng hơn là người Malaysia gốc Hoa, đã phát minh ra hình thức LKQT trong giáo dục đại học mà ngày nay phổ biến khắp toàn cầu.

Sinh viên khoa Quốc tế tốt nghiệp
Sinh viên khoa Quốc tế tốt nghiệp

Malaysia đến năm 1962 mới có trường đại học đầu tiên, vốn là một phân hiệu của University of Malaya, có trụ sở chính ở Singapore. Năm 1975, Malaysia cũng chỉ có 5 trường đại học. Trong khi đó, năm 1975, miền Bắc Việt Nam có 30 trường đại học với 50.000 sinh viên (không kể cao đẳng); miền Nam có 7 trường công và 7 trường tư với 166.000 sinh viên (UNESCO, 1980).

Vậy mà 30 năm sau, họ vượt lên trước rất xa. Hiện nay, trong khu vực ASEAN, chất lượng giáo dục đại học của họ chỉ kém Singapore. Chính phủ Malaysia đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: biến nước này thành một trung tâm đào tạo đại học của khu vực. Hiện nay, hàng năm, có hàng chục ngàn sinh viên nước ngoài đến học tại Malaysia. Các trường đại học của Malaysia cũng nỗ lực vươn ra thế giới mà các chương trình LKQT với Khoa Quốc tế là một ví dụ.  

Bí quyết nào dẫn đến thành công ấy? Đó chính là chính sách khôn khéo của Thủ tướng Mahathir Mohammed, một chính sách không chỉ giúp khắc phục những sai lầm trong quá khứ, mà còn mở đường cho những giải pháp sáng tạo, trong đó có các chương trình LKQT.

Sau khi giành được độc lập (1957), nhằm củng cố bản sắc quốc gia, Chính phủ Malaysia mới chủ trương coi tiếng Malay của người bản địa, “bumiputeras” (“con của đất”), là ngôn ngữ quốc gia. Tất các các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến đại học đều phải dùng tiếng Malay làm ngôn ngữ giảng dạy.

Song song với chính sách ngôn ngữ, Chính phủ Malaysia thi hành Chính sách Kinh tế Mới (New Economic Policy) với nhiều ưu đãi cho người bumiputeras. Trong giáo dục, những người bumiputeras được hưởng nhiều loại học bổng và nhiều cơ hội việc làm trong các cơ quan chính phủ sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, chương trình giáo dục của Malaysia còn chứa đựng một số môn bắt buộc có nội dung liên quan đến Hồi giáo, là tôn giáo của người bumiputeras.

Tuy nhiên, người bumiputeras chỉ chiếm một đa số tối thiểu (năm 1957, họ chiếm 49,78% dân số, so với người Hoa - 37,1%, và người Ấn - 11%). Hai chính sách trên khiến người Hoa và ngưới Ấn bất mãn sâu sắc. Mâu thuẫn từng dẫn đến xung đột năm 1969. Nhiều người Hoa và người Ấn không muốn học bằng tiếng Malay; những gia đình khá giả đều cho con du học. Nhưng không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính để du học. Kết quả là tỷ lệ sinh viên người Hoa và người Ấn giảm nhanh chóng.

Bước ngoặt diễn ra năm 1996, khi Malaysia ban hành luật về "Cơ sở đào tạo đại học tư thục". Trước đó, Malaysia cũng chống thương mại hóa đại học. Năm 1969, đề án thành lập trường đại học tư đầu tiên, Merdeka University, bị từ chối. Năm 2000, số trường tư (đại học và cao đẳng) đạt 704 trường, sau đó giảm xuống 559 (trong tổng số 630 trường đại học và cao đẳng vào năm 2005) và từ đó luôn ổn định vào khoảng 600.

Vì bị bắt buộc phải dạy bằng tiếng Malay nếu muốn cấp bằng Malaysia nên các trường tư của người Hoa và người Ấn sáng tạo ra một hình thức độc đáo: liên kết với các trường đại học phương Tây, dạy bằng tiếng Anh và cấp bằng nước ngoài.

Trường đại học HELP, đối tác của Khoa Quốc tế, cũng khởi đầu như vậy. HELP vốn có nghĩa là Higher Education Learning Programmes (Các Chương trình Học Đại học), trước khi đổi thành Higher Education Learning Pholosophy (Triết lý Học Đại học), khi HELP đã có cả các chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sĩ của riêng mình.

Hình thức LKQT được manh nha từ những năm 1980 với sự hợp tác giữa trường Monash University (Australia) với tập đoàn  Sungei Way nhằm xây dựng Monash University ở Malaysia. Tuy nhiên, LKQT chỉ bùng nổ sau năm 1996.

Hầu hết các trường tư của Malaysia đều có các chương trình LKQT và thành công của các chương trình này vượt xa mọi dự kiến. Đầu những năm 2000, chính phủ Malaysia nhận thấy rằng sinh viên tốt nghiệp các chương trình LKQT có nhiều lợi thế: họ được học những chương trình chất lượng cao hơn, bằng cấp được công nhận toàn cầu, thông thạo tiếng Anh và có nhiều kinh nghiệp quốc tế hơn hẳn so với sinh viên học các chương trình của Malaysia.

Cũng vào thời điểm đó, chính sách ưu đãi việc làm cho sinh viên người bumiputeras đã dẫn đến một hậu quả tiêu cực: làm bộ máy hành chính của Malaysia phình ra quá lớn. Năm 2002, Thủ tướng Mahathir Mohammad quyết định cho phép dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh.

LKQT đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến chất lượng giáo dục đại học của Malaysia. Nhiều trường cao đẳng, hay thậm chí những “chương trình liên kết đào tạo” đã phát triển thành những trường đại học có chất lượng, như trường hợp đại học HELP.

Một trong những chương trình liên kết quốc tế (LKQT) đầu tiên do đối tác nước ngoài cấp bằng ở Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) là chương trình Cử nhân kế toán liên kết đại học HELP (Malaysia). Bấy giờ, năm 2004, Khoa Quốc tế còn rất nhỏ bé và nền giáo dục Malaysia còn bị người Việt xem thường.

Ngày nay, Khoa Quốc tế đã trở thành một đơn vị đào tạo tương đối lớn với hàng trăm cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, nhiều chương trình đại học và sau đại học, đặc biệt là những chương trình LKQT với các cường quốc giáo dục như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Australia.... Nhưng chương trình liên kết với Malaysia vẫn có sức cạnh tranh cao.

Sinh viên của Khoa Quốc tế có những ưu thế nổi bật mà các nhà tuyển dụng đánh giá cao, đó là kiến thức, kỹ năng, sự tự tin và đặc biệt là ngoại ngữ. Số liệu khảo sát cho thấy 90% số sinh viên ra trường tìm được việc làm phù hợp chỉ trong vòng 3 tháng. Vậy mà nhiều em vốn có xuất phát điểm thấp hơn so với các bạn cùng lứa ở các trường công nổi tiếng. Đây cũng là một điểm khác biệt của Khoa Quốc tế: ở đây, chất lượng không phải là trạng thái, mà là quá trình gia tăng hệ thống năng lực nghề nghiệp; đầu vào chỉ là một trong những chỉ số chất lượng mà thôi.

Ngô Vũ
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ