Đào tạo kỹ năng sinh tồn ăn, uống, thở an toàn cho thiếu niên

GD&TĐ - Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường trực thuộc Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hướng dẫn hoạt động Thiếu nhi Trung ương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và Phát triển ABA  (ngày 12/8) đã tổ chức khóa đào tạo Kỹ năng sinh tồn cho trẻ em tại nhà Giáo dục Bảo tồn Vườn thú và Khu sân Chim nước Đà điểu Hà Nội.

Các bạn nhỏ hào hứng và đầy sáng tạo trong các tình huống giả định được đưa ra. Ảnh: Minh Nhung
Các bạn nhỏ hào hứng và đầy sáng tạo trong các tình huống giả định được đưa ra. Ảnh: Minh Nhung

Đây là một hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, là món quà bổ ích dành cho các em thanh thiếu niên trước thềm năm học mới. Nằm trong chuỗi chương trình đào tạo về kỹ năng sinh tồn, kỹ năng bảo vệ bản thân, trong đó yếu tố ăn, uống, thở an toàn là một trong những kỹ năng giúp trẻ em nhận thức về môi trường sống và tương tác với xã hội (tương tác với môi trường sống trong nước và quốc tế tốt hơn, tăng khả năng sinh tồn trong mọi tình huống cá nhân,...).

Là một người nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các khóa dã ngoại, dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường (CEACE) cho biết, phải thắng thẳn thừa nhận rằng trẻ em Việt rất yếu kỹ năng sinh tồn, hay còn gọi là các kỹ năng bảo vệ bản thân.

Khi sinh ra con người đã xuất hiện bản năng sống, bản năng sinh tồn nhưng để biến nó trở thành kỹ năng, phương thức tồn tại thì phải được giáo dục, rèn luyện bài bản, nghiêm túc. Những buổi học thú vị sẽ tạo tính tự lập, chủ động trong cuộc sống hiện tại và tương lai của mỗi thành viên, giúp các em hiểu về động vật, thực vật và kiểm soát được môi trường sống cho bản thân.

Bên cạnh đó các em sẽ có khả năng kiểm soát và cân bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi trong cuộc sống, có kỹ năng vượt qua các áp lực của môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và có những giải pháp cuộc sống cho cá nhân và gia đình. Đồng thời cũng giúp giảm thiểu tình trạng gia tăng các chất thải, giảm những vi phạm trẻ vị thành niên do thiếu hiểu biết pháp luật về môi trường, điều quan trọng nữa là xây dựng thói quen sống có kỷ luật ngay từ tuổi vị thành niên, bà Hà nhấn mạnh thêm.

Theo số liệu thống kê từ một nghiên cứu được tổ chức với 2.200 bà mẹ trên thế giới, có tới 44% trẻ độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi biết chơi game máy tính trong khi số trẻ biết đi xe đạp chỉ có 43%. Trong các trẻ 4 đến 5 tuổi thì có 22% trẻ biết sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh, trong khi đó việc buộc dây giày thì chỉ có 14% trẻ có khả năng thực hiện, 25% trẻ nhỏ biết mở trang web nhưng chỉ có 20% số trẻ ở độ tuổi này biết bơi.

Trên thực tế hiện nay, các bậc phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc cho trẻ tham gia khóa đào tạo, chuỗi hoạt động về kỹ năng sinh tồn cho trẻ nhưng số lượng này vẫn còn chiếm tỷ lệ hạn chế, bởi nhiều phụ huynh vẫn chưa thực sự sẵn sàng.

Khóa học về kỹ năng sinh tồn, kỹ năng bảo vệ bản thân là món quà ý nghĩa dành tặng các bạn thanh thiếu niên trước thềm năm học mới. Ảnh: Minh Nhung
 Khóa học về kỹ năng sinh tồn, kỹ năng bảo vệ bản thân là món quà ý nghĩa dành tặng các bạn thanh thiếu niên trước thềm năm học mới. Ảnh: Minh Nhung

Theo nhận định của giáo viên, huấn luyện viên thì phần lớn phụ huynh vẫn e ngại trong việc cho con ra với thế giới bên ngoài. Như vậy, vô hình chung khiến trẻ không được tiếp xúc với thế giới xung quanh, các em sẽ thiếu những kiến thức về môi trường để khi gặp phải tình huống bất ngờ rất khó có thể ứng phó được. Hoặc khi chứng kiến các bài học huấn luyện thì sợ con không tiếp thu được và có thể con sẽ bị thương, rủi ro... Nhưng phụ huynh lại không ý thức được là những “rủi ro” này sẽ tạo cho con những trải nghiệm và kỹ năng, cũng như ý thức được khi gặp sự cố.

Vì vậy, khóa rèn luyện về kỹ năng sinh tồn cho trẻ với chủ đề ăn, uống, thở an toàn  đã được các giáo viên, huấn luyện viên truyền đạt, hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ, linh hoạt theo từng chủ đề và trong các hoạt động, đảm bảo phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Trong khi đó, xuyên suốt buổi học các bạn nhỏ đã tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá, thực hành về kỹ năng sống theo tình huống cụ thể đưa ra. Không khí diễn ra hết sức nghiêm túc, hiệu quả nhưng không kém phần sôi nổi, thú vị, hầu hết các em đều hào hứng, tự tin phát huy tính tự quản, chủ động và sáng tạo cá nhân và hoạt động nhóm.

Câu chuyện đội bóng đá nhí cùng huấn luyện viên của Thái Lan gặp nạn và bảo tồn tính mạng trong hang động hơn hai tuần vừa xảy ra cách đây ít lâu đã khiến cho các bậc phụ huynh, chuyên gia giáo dục và cộng đồng xã hội “thức tỉnh”. Không ai muốn điều tồi tệ, sự rủi ro đến với mình, nhưng đã đến lúc chúng ta hãy cho con sống chung với những “rủi ro”, cùng tham gia vào từng công việc nhỏ trong nhà. Từ những kỹ năng trong gia đình, các con sẽ tự tin hơn khi bước ra thế giới bên ngoài. Kỹ năng sinh tồn cũng chính là liều kháng thể tốt nhất cho con một hành trình sống tự tin hơn, ý nghĩa hơn.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.