(GD&TĐ) - UBND TP Hà Nội vừa có quyết định đào tạo thí điểm 500 công chức nguồn làm việc tại xã phường, thị trấn với đầu vào là sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy các trường công lập. Đây là một phần trong Đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn giai đoạn 2012-2015 của TP Hà Nội, để thay thế những công chức về hưu.
Ảnh minh họa |
Đối tượng được đào tạo là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, học viện công lập, hệ chính quy loại khá trở lên, có nguyên vọng trở thành công chức nhà nước của thành phố. Chỉ tiêu đào tạo cụ thể theo 5 chức danh, gồm: 98 chỉ tiêu văn phòng - thống kê; 146 chỉ tiêu tư pháp - hộ tịch; 85 chỉ tiêu địa chính - xây dựng; 137 chỉ tiêu văn hóa - xã hội; 34 chỉ tiêu tài chính - kế toán.
Các học viên phải có hộ khẩu Hà Nội, nếu không có thì phải tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy loại giỏi, đúng ngành đào tạo công chức nguồn; bằng tốt nghiệp tiến sĩ hoặc thạc sĩ đúng chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học công lập hệ chính quy, phù hợp chỉ tiêu đào tạo công chức nguồn. Nếu là người dân tộc ở các xã miền núi của thành phố phải tốt nghiệp đại học công lập chính quy loại trung bình khá trở lên, đúng ngành, chuyên ngành đào tạo công chức nguồn.
Ngoài ra, người được đào tạo phải có bằng B tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc trở lên, kèm theo trình độ tin học văn phòng, tuổi đời 27 trở xuống với người tốt nghiệp đại học; 30 trở xuống với thạc sĩ; 35 trở xuống với tiến sĩ. Người được đào tạo cũng phải cam kết sẽ làm việc ít nhất 5 năm tại xã phường, thị trấn được phân công.
Ngoài các kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ theo các chức danh chuyên môn, học viên sẽ phải học chuyên ngành các theo chuyên đề quản lý đô thị Hà Nội, nông thôn Hà Nội, kinh tế- văn hóa- xã hội Hà Nội, thì học viên cũng sẽ được bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về Hà Nội. Các lớp nguồn sẽ được chia theo chức danh công chức cấp xã, đào tạo tập trung 18 tháng bao gồm cả 2 tháng thực tập (không kể thời gian nghỉ hè, lễ, tết) và học tập tại Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.
Trong khi đó, tại Nam Định, ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định khẳng định không nhận bằng ĐH tại chức khi thi tuyển công chức xã, phường. Đã có nhiều ý kiến trái chiều bàn luận chung quanh quyết định “cứng” của tỉnh vì cho rằng phân biệt bằng cấp là “không công bằng”, là “vi hiến”, làm khó cho công tác đào tạo, tuyển sinh của các trường ĐH hệ dân lập và hệ tại chức trong bối cảnh Nhà nước chủ trương xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập.
Ông Lã Mạnh Doanh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định cho rằng: Việc đề ra tiêu chí trong thi tuyển công chức, nhất là công chức ở cơ sở cao hơn qui định của Bộ Nội vụ là do tính chất đặc thù của tỉnh và nhu cầu của từng đơn vị, địa phương trong đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công chức. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Nam Định đã tuyển dụng được gần 400 công chức cấp xã có bằng ĐH hệ chính qui, riêng năm 2012 tuyển dụng được 98 công chức cấp xã có bằng ĐH hệ chính quy.
Lan Anh