Eugène Ionesco được xem là ông trùm của kịch phi lý với phong cách sáng tác được giới nghệ thuật cho là chịu ảnh hưởng nhà văn Kafka, một trong số ít nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20. Dòng kịch phi lý hấp thu những vấn đề cơ bản của triết học hiện tại, mang tính thần thoại.
Các vở kịch thường có nội dung xoay quanh việc phản ánh sự tha hóa của con người, xã hội là một cõi thế giới hư vô, rời rạc. Sau đó, lần lượt các tác phẩm sử dụng yếu tố hài, tiếng cười khinh bạc của Eugène Ionesco đã gặt hái được rất nhiều thành công.
Các tác phẩm nổi bật của Eugène Ionesco gồm: “Ca sĩ hói đầu”, “Những chiếc ghế”, “Nạn nhân của bổn phận”, “Kẻ giết người không công”, “Con tê giác”, “Đói và khát”, “Macbett”, “Những cuộc hành trình xuống âm phủ”... Đặc điểm chung mà hầu hết các nhân vật của ông rơi vào đều diễn tả những trạng thái khác nhau của nỗi tuyệt vọng, cô đơn, đau khổ, thất bại... và mặc dù không làm gì nên tội họ cũng phải chịu cảnh ê chề, khắc khoải, lo âu, sợ hãi...
“Nữ ca sỹ hói đầu” kiệt tác đầu tay của Eugène Ionesco đã gây “sốt” ngay trong lần đầu tiên công diễn tại Paris ngày 11 tháng 5 năm 1950 và mở đầu cho một trào lưu kịch phi lý, hay còn gọi là “hài kịch – nghịch dị”, của phương Tây hiện đại. “Nữ ca sỹ hói đầu” cũng là thử nghiệm đầu tiên của đoàn kịch Luc Team với thể loại kịch này.
Ra mắt công chúng vào ngày 12/1/2019 tại L’Espace vở diễn đưa đến một hướng tiếp cận mới cho khán giả. Giới thiệu tác phẩm nổi tiếng của một dòng kịch nổi tiếng, kịch phi lý, đạo diễn Trần Lực cùng đoàn kịch LucTeam ấp ủ kỳ vọng sẽ mang đến cho đời sống sân khấu Thủ đô một món ăn tinh thần lạ, hấp dẫn và thổi một luồng gió mới cho làng kịch nghệ.