Kế thừa tích cực
Nghiên cứu Dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại HS tiểu học áp dụng cho Chương trình GDPT mới, GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Đã kế thừa được quan điểm “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh” của Thông tư 22/201/TT-BGDĐT.
Thông tư quy định, việc đánh giá sẽ “Không so sánh HS này với HS khác, không tạo áp lực cho HS, GV và cha mẹ HS”. Điều này theo GS Đinh Quang Báo cần thiết và nên áp dụng bởi: Các nghiên cứu tâm lý cho thấy, nếu HS kém bị so với bạn giỏi hơn dễ tự ti, mặc cảm và dẫn tới chán học. Tuy nhiên phải khuyến khích HS tự đánh giá, so sánh với thành tích học tập trước đó của chính mình.
Sự kế thừa tích cực còn thể hiện ở chỗ thực hiện kết hợp đánh giá quá trình với định kỳ và tổng hợp nhiều kênh thông tin, nguồn minh chứng về hoạt động học. Như vậy sẽ bảo đảm chính xác, khách quan, mặt khác làm cho đánh giá vừa thực hiện được chức năng xác nhận kết quả học tập, vừa đóng vai trò phương pháp dạy học tích cực.
Theo GS Đinh Quang Báo, trong kiểm tra đánh giá HS cần coi trọng hình thức phản hồi kết quả cho HS. Điều này Dự thảo Thông tư đã hướng dẫn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng cho điểm, trong đó, đánh giá quá trình chủ yếu bằng nhận xét, đánh giá định kỳ thể hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Cần lưu ý rằng, đánh giá bằng nhận xét có vai trò quan trọng với mục đích vì sự tiến bộ của HS.
Dự thảo Thông tư quy định GV, phụ huynh, HS là chủ thể tham gia đánh giá với vai trò khác nhau. Nhiều người đặt câu hỏi việc tham gia của phụ huynh vào đánh giá liệu có cần thiết và khả thi không? Có làm cho việc đánh giá thêm phức tạp?
Với câu hỏi này GS Đinh Quang Báo lý giải: Phối hợp giáo dục nhà trường và gia đình là một nguyên lý giáo dục. Có nhiều hoạt động phối hợp, trong đó có phối hợp đánh giá HS. Gia đình có nhiều cơ hội, yêu cầu về kết quả giáo dục có thể tham gia và đánh giá. Vì vậy, nếu thiếu nguồn thông tin phản hồi này sẽ làm cho đánh giá giảm tác dụng thúc đẩy sự tiến bộ của HS…
Tuy nhiên, GS Đinh Quang Báo khẳng định, trong đánh giá quá trình sự kết hợp với phụ huynh để bổ sung thêm thông tin là cần thiết nhưng kết luận cuối của việc đánh giá vẫn thuộc về người thầy. Bởi thầy giáo mới có đủ kiến thức, kĩ năng, chuyên môn… để đánh giá chính xác nhất về HS. Gia đình, phụ huynh, được xem như một kênh để tham khảo trong quá trình đánh giá HS.
Giúp GV thích nghi với yêu cầu mới
Theo cô Hoàng Thị Nga – giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang): Những phẩm chất như chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm… trong quá trình dạy học, gắn bó với HS trên lớp và ngoài giờ học, GV có thể dễ dàng quan sát và nhìn nhận. Những phẩm chất yêu nước, nhân ái trong việc đánh giá phẩm chất chung cần được cụ thể hóa. Yêu nước với HS tiểu học là gì? Hằng ngày HS làm gì để yêu nước? Ở HS tiểu học, phẩm chất yêu nước, nhân ái có thể chỉ là những hành động, việc làm nhỏ, không cao siêu nhưng nếu không được cụ thể hóa bằng những câu từ dễ hiểu sẽ gây khó cho GV trong việc đánh giá chính xác phẩm chất HS (dù đó chỉ là 1 - 2 phẩm chất trong nhiều phẩm chất cần đánh giá).
Nói về tiêu chí tự chủ và tự học trong việc đánh giá năng lực cốt lõi, năng lực chung của HS, cô Hoàng Thị Nga cho rằng: Đây là năng lực khó hình thành với HS tiểu học nói chung, và HS tiểu học vùng khó, HS tiểu học người dân tộc nói riêng. Đến nay, việc học của HS tiểu học nơi này chủ yếu vẫn do nhà trường, thầy cô quan tâm, đốc thúc, dạy bảo, còn phía gia đình mang tâm lý học tập là trách nhiệm của thầy cô, nhà trường nên gần như buông xuôi. Chưa kể đời sống HS nhiều nơi còn vất vả, việc tự chủ và tự học cũng là khái niệm “xa vời” với các em. Như vậy, năng lực tự chủ và tự học chưa là tiêu chí sát thực với mọi HS tiểu học, đặc biệt với HS tiểu học vùng khó, HS dân tộc.
Đồng tình với quan điểm này, cô Bùi Thị Hường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng – Si Ma Cai (Lào Cai) bày tỏ: Một số tiêu chí đánh giá xếp loại năng lực phẩm chất của HS tiểu học (yêu nước, nhân ái, tự chủ và tự học) còn mang tính hàn lâm, chưa phù hợp với mọi đối tượng HS và cần được cụ thể hóa. Ví như ở lứa tuổi HS tiểu học các em chủ yếu học tập theo động cơ bên ngoài (học vì bố mẹ, thầy cô, học vì được đến lớp…) chứ học chưa phải là động cơ thúc đẩy bên trong. Như vậy, năng lực tự chủ và tự học khó hoặc chưa hình thành, GV không tìm ra “thông số” để đánh giá chính xác năng lực chung của HS.
Cô Bùi Thị Hường cũng khẳng định: Tuy có thêm một số điểm mới trong Dự thảo Thông tư quy định về đánh giá và xếp loại HS tiểu học áp dụng cho Chương trình GDPT mới nhưng không làm nặng thêm công việc đánh giá xếp loại cho GV tiểu học bởi khá tương đồng với việc đánh giá HS tiểu học theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT. Như vậy, công việc đánh giá xếp loại HS tiểu học đối với đa số GV đã thành thạo. Có chăng, GV cần nâng cao và tăng cường thêm về kỹ năng, trách nhiệm, tinh thần để phù hợp và hỗ trợ tốt hơn cho công việc đánh giá xếp loại theo yêu cầu mới của Chương trình GDPT 2018.
Khi cán bộ quản lý, GV gửi thư khen HS có thành tích học tập, việc làm tốt, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực… sẽ góp phần động viên kịp thời, giúp các em phấn khởi, có thêm động lực rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, hình thức này đòi hỏi GV phải có kiến thức, hiểu biết về tâm lý để biết lúc nào khen thư thì phù hợp. GV cũng cần linh hoạt trong việc khen thưởng, sử dụng một hình thức sẽ kém hiệu quả. - GS Đinh Quang Báo