Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30: Bước đà nhân rộng Mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Qua 1 năm triển khai thực hiện đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30, hầu hết CBQL và GV đều có chung nhận định: Muốn đánh giá sát HS, giáo viên phải nắm chuẩn kiến thức của từng môn học, từng bài học, nắm chắc yêu cầu kỹ năng về sự hình thành và phát triển về phẩm chất, năng lực của HS tiểu học ở từng độ tuổi, từ đó quan sát từng HS để đưa ra được nhận định đúng hoặc lời khuyên về từng cá nhân. Đây cũng là bước chuẩn bị để các đơn vị giáo dục triển khai áp dụng Mô hình Trường học mới (VNEN).

HS đang thảo luận để vẽ tranh trong khuôn khổ hoạt động Ngày hội HS tiểu học do Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức
HS đang thảo luận để vẽ tranh trong khuôn khổ hoạt động Ngày hội HS tiểu học do Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức

Quan tâm hơn đến học sinh

Cô Hà Thị Vẻ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Phú (Đồng Hới, Quảng Bình) - cho biết: Để đánh giá HS theo Thông tư 30, trước khi tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở các tổ chuyên môn để thảo luận về cách thức thực hiện, nhà trường đã chỉ đạo cho mỗi giáo viên tự nghiên cứu Thông tư, ghi chú những thắc mắc cần giải đáp. 

Ngoài việc giải đáp thắc mắc theo tổ chuyên môn, Trường Tiểu học Đồng Phú còn tổ chức cho toàn thể GV xem băng hình về hội thảo Thông tư 30 do Bộ GD&ĐT tổ chức và triển khai phổ biến đến phụ huynh học sinh để cùng nhau phối hợp trong nhận xét cũng như trong đánh giá. 

Theo cô Hà Thị Vẻ, trong suốt năm học qua, Ban Giám hiệu thường xuyên theo dõi và cùng giáo viên trải nghiệm qua thực tế dạy học trên lớp để chia sẻ về cách đánh giá thường xuyên bằng nhận xét HS trong quá trình dạy học; từ đó chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên, được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng “lời nói” hoặc là “viết” vào vở hoặc phiếu học tập, bài kiểm tra của học sinh phù hợp với học sinh và nhà trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Châu - Giáo viên dạy Nhạc, Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhận xét: “So với đánh giá HS bằng điểm số như trước kia thì với nhận xét bằng lời hoặc chữ viết, buộc GV phải nhớ sở trường của những HS tiêu biểu để khuyến khích phát triển, có HS thì có năng khiếu ca hát, có em lại có khả năng cảm thụ, có em thích múa, múa đẹp; lại có những HS không có năng khiếu gì nổi trội nhưng lại tích cực tham gia các hoạt động. 

Ngoài ra, cũng cần phải lưu tâm đến những trường hợp HS không chú ý học để có những động viên phù hợp nhằm nhắc nhở, lôi cuốn các em tham gia các hoạt động trong giờ học”. Chính vì vậy, muốn đánh giá đúng với từng HS, buộc GV phải thật sự theo sát HS, công tâm, có trách nhiệm và không cảm tính.

Cô Trần Thị Sáu - Trưởng phòng GD&ĐT TP Đồng Hới (Quảng Bình) - cũng thừa nhận, từ khi đánh giá HS theo Thông tư 30, phụ huynh cũng đòi hỏi nhiều hơn đối với GV. 

“Tâm lý chung của phụ huynh là muốn con em mình được nhận xét bằng chữ viết càng nhiều càng tốt, và nhận xét phải tỉ mỉ, không được chung chung. Chính vì vậy, Ban giám hiệu cần phải có những hỗ trợ, định hướng nhằm chia sẻ những khó khăn cho GV” - Cô Sáu nói.

Đón đầu cho Mô hình Trường học mới

Thầy Trần Tám - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bạch Đằng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Theo kế hoạch, năm học 2015 - 2016, trường chúng tôi sẽ triển khai dạy học theo Mô hình Trường học mới - VNEN. 

Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy việc thay đổi cách đánh giá HS tiểu học từ điểm số sang nhận xét là rất phù hợp chương trình sách giáo khoa cũng như phương pháp giảng dạy của VNEN. 

Với cách đánh giá mới, đòi hỏi GV phải bám sát HS nên có thể kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, khích lệ cũng như phát hiện những khó khăn để hướng dẫn, giúp đỡ”.

Đây cũng là nhận xét của cô Trần Thị Sáu - Trưởng phòng GD&ĐT Đồng Hới (Quảng Bình). Cùng với việc áp dụng một số phương pháp dạy học như Bàn tay nặn bột, Mô hình Trường học mới, HS được rèn luyện các kỹ năng tự học, tự giải quyết vấn đề, tự phục vụ. 

Ngoài các trường tiểu học đã tham gia triển khai thí điểm Mô hình VNEN, hiện ở TP Đồng Hới, một số trường đã triển khai áp dụng Mô hình VNEN ở mức độ 1 theo hướng chọn một số phương pháp để áp dụng như thành lập hội đồng tự quản, GV giảng dạy theo nhóm…

Thầy Trần Tám chia sẻ: “Năm học vừa qua, chúng tôi nhận thấy có một điểm khác biệt ở khối lớp Một so với các năm học trước là hầu như ngày nào cũng có HS tìm gặp thầy Hiệu trưởng, chứng tỏ các em đã mạnh dạn hơn rất nhiều trong giao tiếp, có ý thức đóng góp hơn.                                                                                                                                                                                                                 Sự thay đổi đó cũng xuất phát hiệu quả của việc đánh giá theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, hoàn toàn thích hợp với yêu cầu triển khai của Mô hình VNEN tới đây của nhà trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ