Trong khi cả thế giới đang mở cửa và nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 đến mức gần như hoàn toàn trở lại “bình thường cũ”, Trung Quốc lại triển khai hàng nghìn quân nhân và nhân viên y tế đến Thượng Hải để ngăn chặn dịch bùng phát.
Từng là một hình mẫu về việc ứng phó với đại dịch một cách có mục tiêu và được tinh chỉnh, song giờ đây Thượng Hải đang đối mặt với một trong những thử thách khó khăn nhất. Kể từ đầu tháng Ba đến giờ, thành phố có số ca nhiễm kỷ lục là hơn 60 nghìn, hầu hết là không triệu chứng. Xét nghiệm hàng loạt đang được tiến hành ở thành phố 25 triệu dân này.
Khi nói đến chính sách y tế zero-Covid đặc trưng của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đã nói rõ: Thượng Hải quá lớn để thất bại. Thượng Hải đã trở thành ví dụ lớn nhất - và có khả năng tốn kém nhất - về sự kiên quyết của Trung Quốc trong việc tuân thủ chiến lược zero-Covid nghiêm ngặt.
Chính phủ Trung Quốc thông báo triển khai hơn 2.000 quân nhân, hơn 30.000 nhân viên y tế đến đây để xét nghiệm bắt buộc cho tất cả 25 triệu cư dân, bắt đầu từ 4/4.
Mặc dù, số trường hợp mắc bệnh tương đối ít theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng sự bùng phát nhanh chóng đã đặt Thượng Hải vào tuyến đầu của cuộc chiến không khoan nhượng với virus.
Áp lực đang gia tăng đối với các nhà chức trách Thượng Hải. Nhiều tuần qua, thành phố đã bị xáo trộn khi thực hiện giãn cách xã hội, nhân viên buộc phải ngủ lại văn phòng. Sự trì hoãn ở các cảng lớn gây áp lực lên chuỗi cung ứng. Người dân khó khăn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và các nguồn cung cấp cơ bản khác.
Tuần trước, chính quyền thành phố đã thừa nhận những thiếu sót trong việc ứng phó với dịch. Ma Chunlei, đại diện chính quyền Thượng Hải đã phải lên tiếng xin lỗi vì không chuẩn bị đầy đủ với đợt bùng phát dịch lần này.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đã đến thành phố từ cuối tuần để giám sát việc phòng chống Covid-19. Bà là người đã dẫn đầu các nỗ lực kiểm soát Covid-19 kể từ đầu đại dịch. Tại Thượng Hải, bà nhấn mạnh rằng Thượng Hải phải tuân thủ chính sách zero-Covid của Trung Quốc mà không có bất kỳ “do dự hay dao động”.
Trong khi ở nhiều nước, các biện pháp hạn chế trong dịch Covid-19 đã được bãi bỏ, thậm chí cả việc xét nghiệm trước chuyến bay hay hay đeo khẩu trang trên máy bay cũng đang được xem xét cân nhắc bỏ nốt, thì Trung Quốc không thể lơi lỏng trong công cuộc phòng chống dịch.
Các cơ quan y tế Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về khả năng hệ thống y tế bị quá tải nếu virus lây lan rộng rãi trong số 1,4 tỷ người, đặc biệt là khi người cao tuổi chậm được tiêm vắc-xin. Trung Quốc đã nói rõ rằng kiểm soát Covid là một “sứ mệnh chính trị quan trọng”.
Nền kinh tế của Thượng Hải đã bị ảnh hưởng bởi những hạn chế, vì lượng công việc tồn đọng và sự chậm trễ trong việc đi lại ngày càng gia tăng. Thượng Hải là thủ đô tài chính của Trung Quốc và khu vực, cũng như là nơi có cảng container nhộn nhịp nhất thế giới. Với quy mô như vậy, chính phủ sẽ cảnh giác với những tác động lâu dài có thể xảy ra của một đợt đóng cửa kéo dài.
Ngoài Thượng Hải, dịch cũng đang lan rộng ở tỉnh Cát Lâm phía Bắc Trung Quốc, ở Hồng Kông. Đây là các đợt bùng phát, lớn nhất ở Trung Quốc trong hơn hai năm qua.
Những thách thức khiến một số người dân nghĩ lại tình huống hai năm trước ở Vũ Hán, khi Trung Quốc chiến đấu với đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên. Thành phố đã bị phong tỏa dưới nhiều hình thức khác nhau trong khoảng thời gian hàng tháng và các nhân viên y tế từ khắp nơi trên đất nước đã đến đây giúp kiểm soát dịch.
Bài học đó gây ra những tổn thương về tâm lý đầu tiên, khi thế giới còn chưa phải đối mặt với Covid-19, nhưng cũng đã giúp Trung Quốc duy trì con số tử vong ở mức thấp đáng kinh ngạc, trong khi cấp tập phát triển vắc-xin và sau đó cuộc sống bình thường trở lại trong lúc nhiều quốc gia nhất là phương Tây phải chịu những hậu quả kinh hoàng.
Hy sinh kết quả kinh tế trong ngắn hạn, chấp nhận những hạn chế về tự do cá nhân để chống dịch, đó là cách làm của Trung Quốc, bởi xét cho cùng việc bảo đảm quyền sống là bảo đảm được quyền cao nhất cho người dân.