"Đánh bay" nỗi sợ mang tên khám răng

GD&TĐ - Đưa trẻ tới phòng khám nha khoa định kỳ là phương pháp chăm sóc tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cũng như thẩm mỹ răng miệng ở trẻ. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng ngoan ngoãn hợp tác và vui vẻ đến gặp nha sĩ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đừng làm trẻ mất lòng tin

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay, sâu răng gây ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe răng miệng của trẻ. Hiện, tình trạng sâu răng sữa ở trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực. Nguyên nhân là do sự chủ quan của người lớn khi tin rằng, răng sữa sẽ mất và mọc răng vĩnh viễn thay thế.

Sâu răng ở trẻ em làm hạn chế chức năng ăn uống, cản trở sự phát triển của trẻ. Việc ăn uống khó khăn, thiếu chất và những tác động khác là tác động chủ yếu. Sâu răng còn dẫn đến đau đầu chính là dấu hiệu tủy răng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các cơn đau đầu sẽ xuất hiện với tần suất cao hơn vào buổi đêm, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ không chỉ của người lớn, mà còn trẻ nhỏ. Từ đó, tâm lý của con cũng sẽ thay đổi, khó chịu và nhạy cảm hơn.

Theo chuyên gia, người bị sâu răng cần đến các nha khoa uy tín để kiểm tra tình trạng bệnh và được điều trị đúng cách. Không nên tự ý sử dụng thuốc không đúng liều lượng, sẽ khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn.

Bởi đã có trường hợp bệnh nhân bị sâu răng và tự ý sử dụng thuốc giảm đau có chứa kháng sinh, khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, đường huyết cao và tính mạng gặp nguy hiểm.

Tuy vậy, đối với trẻ, mỗi lần đi khám răng, con cứ đòi về hay không chịu hợp tác với nha sĩ. Cha mẹ cần có phương pháp giúp con vượt qua nỗi sợ nha sĩ đang phổ biến ở trẻ. Bác sĩ Thủy khuyên rằng, để con không sợ hãi, người lớn cần tạo ấn tượng tích cực khi đến khám răng miệng ngay từ sớm.

Không nên để đến lúc con có vấn đề về răng miệng hoặc chuyển nặng mới tìm đến nha khoa. Bởi thời điểm này, trẻ đang có những khó chịu trong người sẽ khiến nỗi sợ hãi bác sĩ tăng cao hơn. Vì vậy, cần bắt đầu càng sớm càng tốt để trẻ có thời gian làm quen với không khí của phòng khám.

Với những trẻ là lần đầu tiên gặp nha sĩ, cha mẹ không nên nói quá nhiều. Con sẽ càng lo lắng và thắc mắc vì sao phải đi khám dù đang rất khỏe mạnh. Hãy giữ thái độ lạc quan khi nói với trẻ về việc kiểm tra răng miệng nhưng đừng khiến con tin vào những điều không đúng.

Ví dụ, nhiều người không nói mọi thứ sẽ ổn thôi, khám răng sẽ không đau đâu. Nếu bé cần phải nhổ răng, trám răng, cạo vôi răng, điều này có thể khiến con đau và khó chịu. Do đó, nếu nói không đau, con có thể mất lòng tin vào người lớn. Thậm chí, những lần sau chỉ cần đến cửa phòng khám, trẻ sẽ phản ứng dữ dội.

"Đánh bay" nỗi sợ mang tên khám răng ảnh 1

Lần đầu khám răng của trẻ

Bố mẹ cũng có thể giải thích thêm việc nha sĩ sẽ giúp con đánh bay lũ sâu răng đáng ghét khiến bé khó chịu và đảm bảo rằng sau này nụ cười của con sẽ luôn tỏa sáng nhờ có hàm răng trắng đẹp. Ngoài ra, hãy làm gương cho trẻ bằng cách đánh răng đúng giờ, hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt. Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy

Trước khi đưa con đến nha sĩ lần đầu, cha mẹ có thể chơi trò nhập vai cùng con. Cha mẹ là nha sĩ và con là bệnh nhân. Tất cả những gì người lớn cần là bàn chải đánh răng.

Sau đó, hãy đếm số lượng răng của con và ngân nga theo một giai điệu nào đó mà bé thích. Điều này tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho trẻ ngay từ những phút đầu tiên. Con cũng dễ dàng hợp tác với các bác sĩ hơn khi phải khám thật.

Bác sĩ Thủy chia sẻ: “Cha mẹ hãy cho trẻ biết rằng bạn đã đặt hẹn cho bé với nha sĩ. Nếu trẻ thắc mắc, hãy giải thích rằng khám răng là một cơ hội vô cùng đặc biệt. Hãy miêu tả nha sĩ như một người rất thú vị.

Bên cạnh đó, người lớn không nên dỗ ngọt bé bằng quà thưởng. Thay vào đó là giải thích một cách dễ hiểu cho bé những lợi ích của việc chăm sóc răng miệng”.

Cũng theo bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, khi muốn khám răng của mình, một số bố mẹ thường cho con đi theo. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết đây là một sai lầm.

Bản thân người lớn cũng có thể lo lắng về việc khám răng, nhưng lại không nhận ra. Nhưng, khi đi cùng, trẻ có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi đó. Vấn đề nhổ răng, chích thuốc, khoan vào nướu khiến con lo lắng rất nhiều dù người phải trị liệu là bố mẹ. Từ đó, bé sẽ không muốn đến nha sĩ nữa vì nghĩ nha sĩ chỉ làm đau mình.

Nhiều chuyên gia răng miệng cũng không khuyến khích bố mẹ hứa hẹn sẽ tặng cho con phần thưởng nếu con ngoan ngoãn đến gặp nha sĩ. Điều này sẽ làm tăng sự e ngại của con.

Nhiều cha mẹ nói rằng: “Lúc khám răng, nếu không khóc, con sẽ được ăn kẹo”. Câu nói này có thể làm con nghĩ rằng chắc phòng khám có điều gì đó có thể khiến con khó chịu nên mới thưởng cho bé như vậy.

“Bạn cũng không nên thưởng con bằng đồ ngọt vì thức ăn này có thể gây sâu răng. Thay vào đó, sau mỗi lần khám răng, hãy khen ngợi con yêu về thái độ và sự dũng cảm của bé kèm theo một món đồ chơi nhỏ đáng yêu”, bác sĩ Thủy nói.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chuẩn bị tinh thần khi bé quấy khóc. Khi nha sĩ, tức là người lạ với trẻ, kiểm tra răng miệng của con, trẻ quấy khóc và tỏ thái độ bất hợp tác là điều rất bình thường. Người lớn nên giữ bình tĩnh để chuyên viên nha khoa xử lý các tình huống như thế này theo cách nhẹ nhàng nhất.

Khi nha sĩ nhờ giữ tay chân con, cha mẹ cũng có thể hỗ trợ để trẻ có cảm giác thoải mái và yên tâm, tránh tình trạng bé gạt tay dụng cụ nha khoa ra khỏi miệng có thể gây nguy hiểm cho con.

Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên sử dụng từ ngữ quá gợi tả như đau, chích, nhổ với trẻ vì sẽ khiến bé càng sợ hãi hơn. Thay vào đó, bạn có thể dùng những từ ngữ ngộ nghĩnh nhằm giúp con vượt qua những tình huống khó khăn.

Bạn có thể nói với bé yêu rằng nha sĩ đang tìm kiếm con sâu trong miệng con và tiêu diệt chúng. Hãy sử dụng các cụm từ tích cực như hàm răng sạch sẽ, khỏe mạnh sẽ giúp việc kiểm tra răng miệng trở nên vui vẻ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ