Lần đầu tiên tiến hành theo hình thức trực tuyến, nên dù chỉ là thử nhưng hoạt động này vẫn được triển khai khá bài bản, nghiêm túc tại các nhà trường.
Không nhiều bỡ ngỡ
Từ 27/4, Trường THPT Phú Bài (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) cho học sinh (HS) thử ĐKDT tốt nghiệp THPT trực tuyến. Thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh cho biết: Chuẩn bị cho hoạt động này, nhà trường đã cử giáo viên thành thạo công nghệ thông tin (CNTT), nhân viên phụ trách Cổng thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT tham gia tập huấn việc quản lý và nhập dữ liệu trên hệ thống do sở GD&ĐT tổ chức.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 được thông báo kế hoạch từ sớm và được tập huấn để hướng dẫn HS cách nhập dữ liệu, đăng ký thông tin. Thông tin HS cũng được in ra từ hệ thống để kiểm dò, đối chiếu dữ liệu thực tế.
“ĐKDT thử giúp các em thành thạo trong quá trình thao tác, bảo đảm thông tin chính xác trước khi đăng ký chính thức từ ngày 4/5. Trong quá trình HS đăng ký ngày 27/4, hệ thống đăng ký thi thử tốt nghiệp THPT ổn định. Khó khăn nhỏ phát sinh do một số HS lần đầu đăng nhập vào hệ thống nên cần sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và quản trị viên của trường” - thầy Hoàng Minh chia sẻ.
Ngày 26/4, Sở GD&ĐT Bắc Ninh tổ chức tập huấn về Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ làm công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ngay chiều 26/4, sau khi dự tập huấn của Sở, Trường THPT Hàm Long (TP Bắc Ninh) tổ chức tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm các lớp 12. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Khương, sáng 27/4, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp phổ biến, hướng dẫn HS tại lớp bằng máy chiếu.
Chiều 27/4, nhà trường tạo tài khoản và mở phòng máy cho HS thử ĐKDT (làm theo từng lớp). Trong quá trình này, cán bộ CNTT của trường luôn túc trực và hướng dẫn những HS chưa thành thạo. Dự kiến đến hết sáng 29/4, toàn bộ HS Trường THPT Hàm Long sẽ hoàn thành việc thử ĐKDT tốt nghiệp THPT năm 2022.
Tương tự, Trường THPT Nam Đàn 1 (Nam Đàn, Nghệ An) cũng lên kế hoạch và cán bộ tuyển sinh hướng dẫn HS thử ĐKDT từ chiều 27/4. Tại Trường THPT Thanh Thủy (Thanh Thủy, Phú Thọ), hoạt động này diễn ra muộn hơn.
Thầy Trần Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy, chia sẻ: Nhà trường đã thành lập Ban hồ sơ, gồm ban giám hiệu, thư ký, giáo viên chủ nhiệm lớp 12; chuẩn bị cơ sở vật chất để hỗ trợ HS đăng ký trực tuyến cũng như hướng dẫn HS chuẩn bị các nội dung liên quan đến công tác này và rà soát thông tin đăng ký. “Sau khi nhà trường lập và giao tài khoản, từ 29/4 - 3/5, HS của trường có thể thử ĐKDT” - thầy Trần Huy cho hay.
Thông tin từ thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Tháp Mười, Đồng Tháp), nhà trường đã lập và cấp tài khoản cho tất cả HS để tham gia thử ĐKDT trực tuyến trên hệ thống quản lý thi từ 26/4 đến hết 3/5. Trường mở phòng máy tính có kết nối Internet và cán bộ nhập dữ liệu hướng dẫn khi học sinh thử ĐKDT trong thời gian đầu và hướng dẫn qua điện thoại, Zalo trong thời gian nghỉ lễ.
Bước đầu làm quen khá thuận lợi, nhưng vẫn có một số em sau khi thay đổi mật khẩu không ghi lại nên không đăng nhập vào hệ thống quản lý thi được. Khi đó, cán bộ nhập dữ liệu của trường phải tiến hành thao tác để cấp lại mật khẩu mới cho học sinh.
Không bỏ sót thí sinh
Tại Hòa Bình, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay: Sở GD&ĐT đã yêu cầu cơ sở giáo dục THPT xây dựng kế hoạch, có biện pháp cụ thể cùng phối hợp với các cấp, ngành trên địa bàn tích cực chuẩn bị mọi mặt cho công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Mục đích nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, nhân văn, đảm bảo kết quả thi phản ánh đúng chất lượng dạy và học của đơn vị, có tác động tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu giáo dục.
Năm nay, Hòa Bình có 59 đơn vị ĐKDT, là các trường THPT, Trung tâm GDNN - GDTX, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT và Trường Phổ thông liên cấp Sao Mai Hòa Bình. Các đơn vị ĐKDT hướng dẫn kỹ các quy định ĐKDT và tổ chức cho thí sinh ĐKDT theo đúng kế hoạch của Bộ GD&ĐT.
Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, máy tính, mạng Internet phục vụ công tác ĐKDT của thí sinh. Bố trí cán bộ giáo viên hướng dẫn thí sinh ĐKDT online, không để bất kỳ em nào quên không đăng ký hoặc không ĐKDT được.
“Sở GD&ĐT đã quy định cụ thể về địa điểm ĐKDT cho thí sinh đang học lớp 12, thí sinh tự do. Với thí sinh đã học xong lớp 12 tại các cơ sở giáo dục THPT của tỉnh, thành phố khác có nguyện vọng ĐKDT tại tỉnh Hòa Bình thì lựa chọn một trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để thực hiện ĐKDT và đăng ký xét tốt nghiệp THPT (nếu có).
Sở GD&ĐT cũng lưu ý về việc sử dụng thẻ căn cước công dân. Theo đó, những thí sinh chưa có thẻ căn cước công dân thì dùng chứng minh nhân dân để thay thế. Thống nhất ngay từ khi bắt đầu nộp hồ sơ ĐKDT đến khi kết thúc kỳ thi, thí sinh chỉ sử dụng duy nhất 1 loại (căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân)” - bà Bùi Thị Kim Tuyến lưu ý.
Với Đắk Lắk, ngày 26/4, Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn về Quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ làm công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Hội nghị đã triển khai từ công tác tuyên truyền, điều động giáo viên làm thi, tài chính, hoàn thành chương trình năm học, ôn tập, thi thử…; đồng thời quán triệt các văn bản về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Ngày 27/4, Sở GD&ĐT tiếp tục tập huấn triển khai phần mềm Quản lý thi; trong đó các trường được hướng dẫn tạo tài khoản cho HS.
Theo ông Nguyễn Hoàng Chương, Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng - CNTT, Sở GD&ĐT Đắk Lắk, nhà trường đang tích cực chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, để có thể cho HS tiến hành thử ĐKDT từ 29/4 đến hết 3/5. Mỗi trường thành lập 1 tổ tiếp nhận ĐKDT, tổ trưởng là lãnh đạo nhà trường.