Đang ăn cơm, con trai 7 tuổi bỗng hét toáng một câu khiến tôi bàng hoàng rồi bật khóc

Hướng Dương thân mến,

Không hiểu sao con trai tôi càng lớn càng ngang bướng, khó dạy. Hiện tại cháu 7 tuổi, sắp lên lớp 2. Cháu thường hay tỏ ra chống đối, không nghe lời mẹ. Tôi vì muốn ép cháu vào khuôn khổ nên thường xuyên la mắng, thậm chí đôi lúc phải dùng đến đòn roi.

Chính tôi cũng cảm thấy mối quan hệ mẹ con có khoảng cách rất khó diễn tả. Cháu không chia sẻ việc học hành, bạn bè ở trường với mẹ mà lại tìm đến bố. Chồng tôi lại hay trách tôi không biết quan tâm, nhẹ nhàng với con. Tôi cũng muốn thế lắm chứ nhưng cháu ngang bướng, tôi không sao kiềm chế được bản thân mình.

Đang ăn cơm, con trai 7 tuổi bỗng hét toáng một câu khiến tôi bàng hoàng rồi bật khóc ảnh 1

Ảnh minh họa.

Chiều nay, khi đang ăn cơm, tôi và cháu lại xảy ra mâu thuẫn. Tôi ép cháu ăn rau xanh, cháu không thích ăn. Tôi gắp rau bỏ vào bát thì cháu gắp bỏ ra lại. Bực quá, tôi dùng tay đánh một cái vào đùi cháu. 

Ngay tức thì, cháu đứng dậy, hét toáng lên: "Con không yêu mẹ. Mẹ không thương con, mẹ chỉ thương cái điện thoại thôi". Nói rồi cháu bỏ vào phòng, khóa trái cửa, không ăn cơm nữa. Chồng tôi phải năn nỉ, đem cơm vào dỗ ngọt, cháu mới chịu ăn.

Câu nói của con khiến tôi bị tổn thương chị ạ. Tôi thường hay dùng điện thoại nhưng cũng chỉ dùng những lúc cho cháu ngủ thôi. Tôi sốc và bất lực đến mức bật khóc. Hướng Dương ơi, tôi phải làm sao để rút ngắn khoảng cách với con trai đây? (thanhthuy...@gmail.com).

Hướng Dương tư vấn

Chào bạn,

Bạn là một người mẹ thương con nhưng tình thương của bạn lại đang bị sai cách. Những lời hét mắng, những trận đòi roi chỉ càng đẩy con ra xa mẹ mà thôi. Vì thế, để rút ngắn khoảng cách với con, Hướng Dương nghĩ bạn nên thay đổi cách thể hiện tình cảm của mình.

Thứ nhất, bạn hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc, sự nóng giận mỗi khi muốn la hét con. Những khi nổi nóng, bạn không nên to tiếng mà hãy hít thở sâu, uống một cốc nước, hoặc nếu quá khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, bạn hãy đi rửa mặt, không ở cạnh con ngay lúc đó. 

Hãy đợi cơn nóng giận đi qua, cảm xúc được điều chỉnh rồi, bạn hãy nói chuyện với con. Càng nóng giận, bạn càng mất bình tĩnh và dễ phạm phải sai lầm.

Thứ hai, hãy rời bỏ điện thoại và dành thời gian cho con. Dùng điện thoại quá nhiều, bỏ quên con trong chính căn nhà của mình đang là điều mà nhiều bà mẹ, ông bố mắc phải. 

Những lúc con ngủ, bạn hãy dành thời gian kể chuyện cho con nghe rồi định hướng, giáo dục con bằng chính những câu chuyện ấy. Khi đón con đi học về, hãy gợi mở, trò chuyện với con về mọi thứ xảy ra trong ngày hôm ấy chứ không chỉ là những chuyện xoay quanh trường lớp. 

Hãy xem con là một người bạn khi trò chuyện, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi của con mà thôi.

Thứ ba, đừng bắp ép con làm những việc con không thích. Con không thích ăn rau, bạn đừng ép con mà hãy tìm cơ hội giải thích cho con về những lợi ích của việc ăn rau. Hãy để con nhận ra rằng, những điều bạn muốn làm đều là vì muốn tốt cho con. Hãy để con tự quyết định những điều con muốn trong khuôn khổ nhất định.

Cuối cùng, bạn hãy là một nhà tư vấn, một người bạn, một người mẹ để đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành nhé.

Chúc bạn bình tâm.

Hướng Dương.

Theo Nhịp Sống Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ