Dân tố “trâu hoang” phá cao su

GD&TĐ - Lợi dụng lúc rừng cao su không có người trông coi, nhiều đàn trâu được người dân nuôi thả trong rừng đã kéo nhau về tàn phá khiến hàng ngàn cây cao su từ 7 - 8 năm tuổi của người dân xã Phong Sơn (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) bị hư hại. 

Dân tố “trâu hoang” phá cao su

Nhiều cây bị trâu dùng sừng húc tróc vỏ toàn thân, không còn khả năng khai thác mủ. Sự việc này diễn ra liên tục từ nhiều tháng nay khiến người trồng cao su tại hai thôn Sơn Quả, Thanh Tân (xã Phong Sơn) vô cùng lo lắng.

Dân lo trâu tiếp tục phá

Đến thực tế tại khu vực rừng Khe Thai (xã Phong Sơn) chúng tôi nhận thấy những vết chân trâu vẫn hiện nguyên, nhiều cây cao su bị trâu chà quanh thân hay giẫm đạp, ăn đọt cây nằm khắp khu vực Dốc Ngựa và Tiểu khu 78. Đây là những điểm có số lượng trâu trả rong phá cao nhiều nhất.

Một số người dân đang khai thác mủ cao su tại đây cho biết: Thường từ sau tháng 2 Âm Lịch người chăn nuôi trâu tại Phong Sơn đem trâu vào rừng thả rông, đến mùa mưa lũ mới đánh trâu về nhà.

Do việc trông coi trâu thả rông không được thường xuyên, kỹ càng dẫn đến việc trâu kéo đến từng đàn rồi giẫm đạp trên rể cao su, ăn đọt cây, cà vào thân. Trong số nhiều héc ta rừng cao su bị trâu phá tiêu biểu có rừng của gia đình các ông Hoàng Ngọc Sơn, Lê Linh, Trần Tiến, Trần Mao… 

Ông Hoàng Ngọc Sơn ở thôn Sơn Quả kể lại: “Năm 2006 chúng tôi được Nhà nước cho vay gần 70 triệu đồng để trồng hơn 1,4 ha cao su tại khu vực rừng Khe Thai, mỗi cây giống hồi đó gia đình mua 5.500 đồng/ cây, trong số hơn 1200 cây cao su sắp đến vụ khai thác mủ nhưng đã có gần 500 cây đã bị trâu đến phá. Điều này khiến gia đình tôi hết sức lo lắng. Nếu không kiểm soát được trình trạng trâu bò thả rông, thời gian tới cây cao su sẽ chết cả”.

Tương tự gia hoàn cảnh anh Sơn, ông Lê Linh trồng 1 ha cao su đang đến vụ thu hoạch. Cả gia đình thay phiên nhau vào rừng cao su túc trực, thế nhưng hễ vắng người là trâu bò hoang lại ồ ạt tràn xuống phá rừng cao su.

“Người trồng cao su chúng tôi ai cũng muốn cao su tốt, khai thác mủ đạt sản lượng cao vừa xóa đói, giảm nghèo, vừa cố gắng trả lãi suất ngân hàng nhưng không chịu nỗi cảnh trâu bò thả rông phá rừng cao su, rừng tràm. 

Bà con mong muốn lãnh đạo xã Phong Sơn cần có biện pháp cứng rắn hơn đối với những hộ dân nuôi trâu bò thả rông trong núi, không thì bao công sức bỏ ra của những người trồng cao su cũng như nước đổ lá môn. Chúng tôi sợ viết đơn tố cáo sợ họ sẽ trả thủ lại tiếp tục cho trâu xuống phá thì mất cả” - Ông Linh bức xúc.

Để hạn chế trình trạng trâu bò thả rông tàn phá cao su, người dân thôn Sơn Quả đã dùng thép gai vây quanh những cây su bị trâu bò phá. 

Có những khu rừng bà con đem tóc xin từ tiệm cắt tóc về cột thành từng núm nhỏ bỏ bên các lối đi hoặc trên từng cây rồi đốt lên, trâu bò khi đi ngang qua ngủi mùi tóc không còn đến phá.

Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời. Còn về lâu dài mong muốn của đại đa số bà con trồng cao su là lãnh đạo địa phương cần có biện pháp xứ lý mạnh tay đối với những hộ dân không chịu quản thúc trâu bò thả hoang.

Sớm có quy hoạch vùng nuôi trâu bò

Ngoài tàn phá cao su, sự quản lý còn lỏng lẻo của các chủ hộ có trâu bò thả rông trong núi đã dẫn đến nhiều cảnh thương tâm. Tại xã Phong Sơn, riêng trong năm 2014, có rất nhiều trường hợp trâu bò húc vào người khiến nạn nhân phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Chỉ tính hai thôn Sơn Quả, và Thanh Tân có 6 trường hợp, đặc biệt, ông Nam ở làng Cổ Bi (xã Phong Sơn) bị chết do trâu húc.

Quá trình tìm hiểu tại địa phương chúng tôi nhận được phản ánh của rất nhiều người dân xung quanh câu chuyện quy hoạch vùng nuôi trâu bò. 

Theo bà con cả hai việc trồng cao su và nuôi trâu bò đều nằm trong các dự án thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, đa dạng hóa nông nghiệp nông thôn. 

Vì thế người trồng cao su bức xúc vì trâu bò bị phá nhưng người nuôi trâu bò cũng có lí do than vãn không có đồng cỏ cho trâu bò ăn nên buộc phải thả rong trên rừng. 

Ông Trần Tiến - Trưởng thôn Sơn Quả - cho biết: Toàn thôn Sơn Quả trước đây có 36 hộ trồng cao su nay còn lại 20 hộ với số lượng khoảng 40 ha đang vào khai thác mủ năm thứ ba tập trung tại khu vực Khe Sấu, Khe Thai. 

Tuy nhiên trình trạng trâu bò thả hoang thường xuyên váo phá khiến gần 4 ha cao su của bà con không thể cạo lấy mủ, lãnh đạo xã đã nhiều lần mời các chủ hộ nuôi trâu bò thả rông về viết biên bản, ký cam kết nhưng sau mỗi lần như thế mọi chuyện đâu lại vào đấy. 

“Cả người nuôi trâu bò và trồng cao su, trồng rừng đều làm kinh tế trên một vùng đất nhưng cuối cùng trâu bò đến phá cả đàn thì ai chịu thiệt hơn. 

Vì thế nguyện vọng của bà con Sơn Quả kiến nghị huyện, xã sớm quy hoạch vùng chăn nuôi trâu bò càng sớm càng tốt. Việc này vừa có lợi cho người trồng rừng, vừa có lợi cho người tham gia chăn nuôi” - Ông Tiến kiến nghị.

Tại thôn Thanh Tân, trong tổng số gần 50 ha cao su của bà con đang vào vụ lấy mủ đợt 3 đã có trên 3 ha bị trâu bò thả rông tàn phá không thể cho mủ. 

Trước trình trạng này ông Trần Thước và Phan Tường đã thay mặt nhóm hộ trồng rừng cộng đồng viết đơn phản ảnh kiến nghị xã về trình trạng trâu bò thả rong phá cao su. 

UBND xã Phong Sơn đã yêu cầu 10 hộ nuôi có số lượng 130 con trâu bò nuôi thả rông tại khu vực rừng Khe Thai phải cử một ngày 2 người thay nhau trông coi trâu bò thả rong và đưa ra chế tài xử phạt 500.000 đến 1 triệu đồng đối với một hộ nuôi nếu phát hiện trâu bò phá cao su, rừng keo tràm. Tuy nhiên những biện pháp này vẫn chưa đủ mạnh để kịp thời răn đe, ngăn chặn trình trạng này.

Trao đổi với chúng tôi lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết: Thời gian tới Phòng NN&PTNT huyện sẽ cử cán bộ vào khu vực rừng thuộc xã Phong Sơn để kiểm tra trình trạng trâu bò nuôi thả rong phá cao su, rừng tràm. 

Đồng thờ, Phòngi yêu cầu những hộ nào chăn nuôi không quản lý chặt chẽ để trâu bò đến phá phải có trách nhiệm bồi thường cho những hộ dân trồng rừng. 

Về lâu dài Phòng sẽ sớm tham mưu cho lãnh đạo huyện, xã cần quy hoạch vùng nuôi trâu bò cho dân xa khu vực rừng trồng cao su và keo tràm.

Dân tố “trâu hoang” phá cao su ảnh 1Dân tố “trâu hoang” phá cao su ảnh 2Dân tố “trâu hoang” phá cao su ảnh 3Dân tố “trâu hoang” phá cao su ảnh 4Dân tố “trâu hoang” phá cao su ảnh 5Dân tố “trâu hoang” phá cao su ảnh 6Dân tố “trâu hoang” phá cao su ảnh 7Dân tố “trâu hoang” phá cao su ảnh 8Dân tố “trâu hoang” phá cao su ảnh 9

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ