Trong lúc tình hình cung cấp nước còn chưa thể có hướng giải quyết, những hộ dân sống trong hai tòa nhà phải tự nghĩ ra mọi cách để tạm thời vượt qua khó khăn.
Theo quan sát của PV báo Người Đưa Tin, mọi vật dụng trong nhà có thể trữ nước từ xô, chậu, can, bình cho đến nồi, bồn tắm… đều ở tư thế sẵn sàng “trực chiến”. Có những gia đình đã “đầu tư” cả bình inox loại 100 – 200l để phục vụ cho “cuộc chiến” giành nước này.
Chia sẻ với PV, ông Chu Hữu Bình, Tổ trưởng tổ dân số 39, cư dân trong tòa nhà cười chua chát: “Gia đình tôi có sáu người cùng chung sống, từ hôm mất nước thì mạnh ai người nấy lo, tận dụng đi vệ sinh, tắm ở cơ quan, nhà người quen.
Nước được tận dụng hết công suất. Nước rửa rau xong phải đổ lại để rửa xoong nồi, sau đó mới đổ lại để giội nhà vệ sinh”. Cũng theo ông Bình, một vài hộ không chịu được sự thiếu nước đã phải đi thuê nhà trọ ở nơi khác để ở tạm thời.
Chị Thảo, sống ở phòng 608 tòa nhà N09B1 kể: “Lúc nào trong nhà cũng phải dự trữ cả nước khoáng đóng bình. Nhà mình có bà ngoại đã 70 tuổi mà vẫn phải xách nước từ bể chứa của tòa nhà lên. Nhiều lúc, cả nhà mỗi người một xô, một chậu, tranh cướp nước cứ như thời bao cấp vậy”.
Người dân đang múc nước tại bể chứa.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Tô Thành Tâm, Giám đốc trung tâm quản lý vận hành tòa nhà N09B1 và N09B2 cho biết: “Ban quản lý tòa nhà đã có những giải pháp ngắn hạn như mua nước chở bằng xe bồn, tăng cường kíp trực.
Có khi anh em đội kỹ thuật phải thay nhau ngủ trên nắp bể nước. Bất kể sáng sớm hay đêm khuya, cứ có tiếng nước chảy là phải bơm ngay, dù mức nước chảy rất nhỏ. Nhưng lo ngại nhất là lỡ xảy ra hỏa hoạn thì cũng không biết lấy nước ở đâu mà cứu hỏa”.
Theo ông Tâm, nước ở đây đã thiếu từ sau Tết, nhưng tới ngày 13/4 mới thực sự trầm trọng khi mất nước hoàn toàn trong ba ngày liên tiếp. Trung tâm đã gửi hai công văn đến ban quản lý dự án, và xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, tới thời điểm sáng ngày 22/4 tình hình đã được cải thiện, tuy nhiên nước vẫn chỉ đủ cho những nhu cầu nhỏ nhất như đánh răng, rửa mặt buổi sáng.
Trao đổi với PV, ông Trần Xuân Cương, giám đốc xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy, đơn vị cung ứng nước trực tiếp cho khu đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Cho đến nay xí nghiệp vẫn cung cấp đủ mức nước theo nhu cầu của ban quản lý khu đô thị.
Xí nghiệp đã cử người trực tiếp đến theo dõi tình hình cấp nước ở hai tòa nhà N09B1 và N09B2, tuy nhiên vì đồng hồ đo nước ở đây đã bị hỏng nên không thể đo đếm được khối lượng nước cấp đến tòa nhà. Để có phương án giải quyết lâu dài, chúng tôi yêu cầu được xem bản vẽ thiết kế mạng lưới tuyến ống, nhưng ban quản lý không đưa ra một bản thiết kế cụ thể”.
Về việc mất nước ở hai tòa nhà này, ông Cương cho biết thêm “Có thể do quá trình xây dựng của nhà thầu không tính toán hết nhu cầu sử dụng sẽ tăng cao, một số tuyến ống đến nay đã hỏng hóc mà chưa được sửa chữa nên dẫn đến tình trạng bất cập trong thời gian gần đây. Xí nghiệp chỉ có thể giúp đỡ cải tạo hệ thống chứ không thể can thiệp sâu vào cơ sở hạ tầng thiết kế của các tòa nhà”.
Ông Trần Mạnh Trường, Phó giám đốc xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình cho hay: “Xí nghiệp chúng tôi đã có những kế hoạch để đảm bảo chỉ tiêu phục vụ 99% nhu cầu cung ứng nước trên địa bàn quận Ba Đình. Giữa những tháng hè có thể sẽ xảy ra mất nước cục bộ do nhu cầu tăng đột biến.
Thiếu 60.000m3/ngày đêm Theo tổng công ty nước sạch Hà Nội, hiện nguồn nước ngầm tiếp tục bị suy giảm từ 1% -2% hằng năm, nguồn nước Sông Đà cung cấp cho nội đô cũng chỉ đạt bình quân từ 40.000 - 45.000m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu sử dụng nước hàng năm dự kiến tăng từ 2- 3%. Đặc biệt vào dịp hè có những đợt nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến từ 10 - 15%, do vậy tổng lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu từ 40.000 - 60.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó nguồn nước sông Đà cấp cho công ty thường xuyên xảy ra sự cố (đã xảy ra sự cố 2 lần vỡ ống và 1 lần mất điện tại trung tâm nhà máy, gây ảnh hưởng đến công tác điều phối cấp nước đặc biệt cho 2 quận Đống Đa và Cầu Giấy vào đầu năm 2015). Tiếp đến, công tác khoan bổ sung thay thế các giếng suy thoái để duy trì công suất khai thác, bổ sung nguồn nước cũng gặp nhiều khó khăn do quỹ đất thành phố hạn hẹp chưa bố trí được địa điểm khoan thay thế giếng. |