Điểm cộng cho dân số già
Đời người ai cũng phải trải qua giai đoạn từ ấu thơ đến trưởng thành và về già. Quá trình phát triển của con người cũng giống như quy mô dân số một nước. Tuy vào điều kiện cụ thể, mỗi nước sẽ có chiến lược để tăng dân số độ tuổi phụ thuộc hay lao động chính. Từ đó có quyết sách phù hợp về giáo dục đào tạo, công ăn việc làm, an sinh xã hội.
Ở nước ta, sau nhiều năm nỗ lực kiểm soát quy mô dân số bằng cách quy định số con cho mỗi cặp vợ chồng, thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Khi mức sinh ổn định và đạt mức thay thế theo khuyến cáo cũng là lúc quy mô dân số bước vào giai đoạn chín muồi. Lực lượng lao động chiếm phần lớn dân số, tạo ra nguồn lực lao động lớn, giá trị kinh tế dồi dào.
Khác với các nước phát triển, quy mô dân số vàng ở nước ta đi qua khá nhanh. Hiện quy mô dân số đang ở ngưỡng già hóa. Già hóa dân số tức số trẻ sinh ra và người mất đi đều giảm trong khi tuổi thọ tăng cao. Điều này cho thấy sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân khá hơn.
Già hóa dân số cũng được coi là giai đoạn quan trọng để chúng ta nhìn lại mình đã làm được gì, đang có gì trước khi bước vào ngưỡng dân số già.
Nói vậy để thấy rằng, già hóa dân số, đặc biệt dân số già không phải là chấm hết mà thực sự nó mở ra một trang mới đòi hỏi những người làm công tác dân số, quy hoạch chính sách nhanh chóng nắm bắt và đưa ra quyết sách phù hợp, để tận dụng lực lượng lao động hiện có cũng như giúp họ chuẩn bị tương lai tốt hơn khi bước vào ngưỡng cao tuổi.
Rõ ràng, dân số già nhưng có sức khỏe, có tri thức thì họ vẫn là “viên ngọc quý”, có thể đóng góp cho xã hội thông qua việc làm, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm với người trẻ và cộng đồng.
Lo cho tuổi già từ khi còn trẻ
Trên diện rộng, dân số già là chuyện đại sự nhưng nếu nhìn lại gần, người già là hiện thân của người trẻ trong tương lai. Nói vậy để thấy rằng, bất kỳ ai rồi cũng có lúc đến giai đoạn già hóa. Và lo cho tuổi già chính là lo cho mình. Như vậy, bản thân mỗi người phải có trách nhiệm với bản thân trong việc tích lũy kiến thức, kinh tế, rèn luyện sức khỏe để khi về già không rơi vào cảnh… đuối sức, phải dựa vào con cháu hay cộng đồng.
Hiện nay, ngành dân số cũng đã lên phương án cho quy mô dân số già. Đó là sự phát triển của hệ thống khoa và bệnh viện lão khoa. Nếu như trước kia, cả nước mới có 1 bệnh viện lão khoa, rất ít khoa lão khoa thì nay hệ thống này đã được chú ý và có mặt ở hầu hết các địa phương.
Nhà dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người già cũng đang trên đà phát triển. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có đề án tổng thể chăm sóc sức khỏe người già. Vấn đề còn lại là việc thực hiện của các địa phương từ việc thành lập đề án, dành nhân lực và vật lực để xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe người già, tạo công ăn việc làm cho người già sao cho phù hợp với đặc điểm của địa phương.
Song song với việc lo cho người già, chúng ta cũng cần “để mắt” đến người trẻ. Để người già nói riêng và quy mô dân số già nói chung là thành tựu của sự phát triển thì cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dân số.
Một đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, được nuôi dưỡng, học tập, được sống trong môi trường an toàn là tiền đề thuận lợi cho tương lai và cả khi về già. Với giới trẻ, đào tạo, tạo công ăn việc làm là điều vô cùng cần thiết. Khi giới trẻ được tạo điều kiện để phát triển, để cống hiến thì họ sẽ tự biết cách đón nhận tuổi già sao cho vui vẻ, có ích nhất.
Người cao tuổi ở nước ta chiếm 10,5% dân số. Nhưng chỉ có khoảng 5% người trong độ tuổi này sống khỏe mạnh, còn lại phải chung sống với bệnh tật, thậm chí có người sống với 3 - 4 bệnh mãn tính cùng lúc.
Dân số già là việc của quốc gia nhưng cũng liên quan đến mỗi cá nhân, từng gia đình. Vì vậy, làm sao để mỗi người biết và chủ động đón nhận là cách ứng phó tốt nhất.