Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh của Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine),Yegor Chernev, mới đây đã công khai đặt câu hỏi về hiệu quả của loại đạn pháo công nghệ cao của Mỹ, M982 Excalibur, với lý do nó dễ bị tổn thương trước các chiến thuật tác chiến điện tử của Nga.
Ông Chernev khẳng định rằng, loại đạn dược dẫn đường bằng GPS, có giá hàng chục nghìn đô la mỗi quả này, đã gặp khó khăn trong việc duy trì độ chính xác trước các hệ thống gây nhiễu tinh vi.
Lời chỉ trích này, xuất phát từ cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, đặt ra những câu hỏi rộng hơn về độ tin cậy của vũ khí tiên tiến trên chiến trường hiện đại, nơi các biện pháp đối phó điện tử ngày càng phổ biến.
Trong khi Excalibur từng được ca ngợi vì độ chính xác tuyệt đối, những thiếu sót được báo cáo của nó làm nổi bật cuộc chạy đua vũ trang công nghệ có thể định hình lại cách quân đội trên thế giới thiết kế và triển khai các loại đạn dược dẫn đường chính xác.
M982 Excalibur là đạn pháo dẫn đường tầm xa 155mm, nó được thiết kế để mang lại độ chính xác tàn phá trong môi trường chiến đấu phức tạp.
Khi Ukraine bắt đầu nhận được đạn pháo Excalibur từ Mỹ vào năm 2022, chúng được ca ngợi là một bước ngoặt. Các video do lực lượng Ukraine chia sẻ cho thấy các viên đạn phá hủy thiết bị của Nga với độ chính xác cao, từ xe tăng đến pháo binh.
Tướng Valeriy Zaluzhny, từng là Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine, đã ca ngợi độ chính xác của chúng trong các cuộc tấn công dọc theo Sông Dnipro, nơi thiết bị này phá vỡ các vị trí của Nga đang pháo kích vào thành phố Mykolaiv.
Các báo cáo ban đầu cho thấy các quả đạn pháo bắn trúng mục tiêu với tỷ lệ thành công khoảng 70%, một cải tiến đáng kể so với pháo không điều khiển, có thể bắn ra hàng trăm mét từ điểm ngắm.
Khả năng tấn công chỉ bằng một phát bắn của Excalibur, thay vì phải bắn nhiều phát để hạ gục mục tiêu, có nghĩa là các xạ thủ Ukraine có thể tiết kiệm đạn dược và giảm nguy cơ bị phản pháo. Đối với quân đội phải đối mặt với đối thủ vượt trội về số lượng, hiệu quả này vô cùng quý giá.
Tuy nhiên, khi cuộc xung đột đang diễn ra, hiệu quả của Excalibur bắt đầu suy yếu. Lực lượng Nga, để thích nghi với mối đe dọa, đã triển khai các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến được thiết kế để phá vỡ tín hiệu GPS.
Những hệ thống này, như Krasukha-4 và Zhitel, phát ra sóng vô tuyến mạnh làm nhiễu hệ thống định vị vệ tinh, khiến đạn dược dẫn đường bằng GPS mất khả năng khóa tọa độ. Nếu không có sự dẫn đường chính xác, quỹ đạo của Excalibur trở nên không đáng tin cậy, và có thể trượt mục tiêu hàng chục mét hoặc không nổ chính xác.
Đến giữa năm 2023, các đánh giá của Ukraine ghi nhận tỷ lệ thành công của đạn pháo giảm mạnh, một số ước tính cho rằng, tỷ lệ này giảm xuống mức thấp tới 6%. Sự sụt giảm đáng kể này đã khiến Kiev phải cắt giảm việc sử dụng loại đạn này, và cuối cùng Mỹ đã dừng giao hàng, với lý do tỷ lệ thất bại cao.
Một báo cáo của Washington Post vào tháng 5/2024 đã xác nhận rằng, Ukraine đã thông báo cho Washington về những vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh việc Nga gây nhiễu đã làm giảm khả năng sử dụng trên chiến trường của loại đạn pháo này.
Đối với các đội pháo binh Ukraine, độ tin cậy ngày càng giảm của Excalibur là một nguồn gây thất vọng. Các xạ thủ được huấn luyện để mong đợi những cuộc tấn công gần như hoàn hảo đã phải quay lại với các phương pháp cũ hơn, kém chính xác hơn, bắn hàng loạt đạn không có điều khiển để đảm bảo bắn trúng đích.
Sự thay đổi này làm tăng lượng đạn tiêu thụ và khiến kíp vận hành phải chịu nhiều rủi ro hơn, vì họ phải ở lại vị trí lâu hơn để điều chỉnh hỏa lực.
Tổn thất về mặt tâm lý cũng rất đáng kể. Những người lính từng dựa vào độ chính xác của Excalibur giờ đây phải đối mặt với sự bất trắc, biết rằng, một viên đạn đắt tiền có thể bắn trượt mục tiêu, khiến mục tiêu nguyên vẹn và vị trí của họ trở nên dễ bị tấn công.