Có em út cách xa nhiều tuổi là một trải nghiệm tuyệt vời của các bạn trẻ. Qua đó người trong cuộc có cơ hội thể hiện bản lĩnh và sự chững chạc của mình thông qua cách đối xử với em nhỏ hằng ngày. Đó cũng là môi trường rèn luyện để họ bước vào cuộc sống hôn nhân với những kiến thức chăm trẻ tối thiểu đã được trang bị.
Tuy nhiên, có những tình huống "từ trên trời rơi xuống" khiến những cậu ấm, cô chiêu khóc dở mếu dở vì có em ruột cách xa cơ số tuổi nhiều đến như vậy.
Làm anh ở tuổi có thể làm bố có nhiều niềm vui. Ảnh minh họa.
Thành Văn đang sinh viên năm hai đại học Thủy Lợi Hà Nội. Lên Hà Nội học đại học và rời xa vòng tay của bố mẹ, nhưng điều khiến Văn lưu luyến nhất là cậu em trai năm nay hai tuổi.
Những dịp lễ tết về quê hội ngộ gia đình, cậu em trai cứ quấn quýt nhõng nhẽo Văn không rời.
Bố mẹ Văn sau nhiều năm nỗ lực "thả" để có con thứ hai nhưng không thành công, họ đã xác định tư tưởng dừng lại ở một con để nuôi dạy cho tốt. Tuy nhiên, hạnh phúc làm bố làm mẹ một lần nữa gõ cửa muộn khi mẹ cậu đã chạm ngưỡng 45, còn bố xấp xỉ 50. Vậy là Văn lên chức anh cả khi đã "tròm trèm" 20.
Có em trai vui nhiều nhưng gặp tình huống méo mặt không ít. Chuyện là chia tay người yêu đã hơn hai năm trời nhưng Văn vẫn không quên hình bóng người cũ. Biết bạn gái thời gian qua vẫn chưa có người yêu, cơ hội tiếp cận vẫn còn nhưng Văn chưa dám ngỏ lời lại.
Đợt nghỉ lễ vừa rồi, dẫn cậu em trai đang tuổi chập chững biết đi vào siêu thị chơi, vô tình Văn gặp lại người cũ. Trống ngực cậu đập thình thịch, tiến lại gần cô gái để gặp gỡ hỏi han, tính xin số điện thoại liên lạc trở lại. Chưa kịp để Văn mở lời, cô bạn cũ nhìn hai anh em một lượt rồi lạnh lùng: "Thời gian chia tay chưa quá xa nhưng con anh đã lớn chừng này rồi cơ à? Nhìn hai người giống nhau như hai giọt nước!".
Văn chưa kịp thanh minh thì cô gái đã cười lạnh rồi hòa vào dòng người tấp nập mua bán.
Ngọc Luân, 23 tuổi, đang sinh viên năm cuối đại học Bách Khoa Hà Nội. Cậu cũng đón chào niềm vui làm anh cả khi tuổi đời đã 20. Bố cậu xấp xỉ tuổi về hưu, còn mẹ làm nghề nội trợ. Trước đó Luân có em trai tròn 10 tuổi. nhưng không may, em lại mất sớm do tai nạn giao thông.
Bố mẹ Luân sau thời gian dài chìm đắm trong u buồn, đã quyết tâm đứng dậy vực lại tinh thần. Để có thêm sự bận rộn và niềm vui tuổi xế chiều, bố mẹ anh đã lên kế hoạch sinh con tiếp theo vào thời điểm lứa tuổi không còn quá phù hợp.
Nhưng tình huống dở khóc dở cười không ít. Ảnh minh họa.
Khi em đi học mẫu giáo, Luân đưa em đến trường. Cô giáo mầm non mới ra trường hồn nhiên bảo bé: "Chào bố để vào lớp đi con". Thời gian đầu Luân đứng hình, nhưng rồi riết cậu thấy quen, còn cảm thấy vui vui và mặc kệ cho người khác hiểu lầm.
Bên cạnh đó, bố của Luân cũng rơi vào những tình huống "dở khóc dở cười" không kém. Nhiều hôm vợ bận nội trợ, bố cậu tranh thủ đi đón con. Cô giáo cũng nhanh nhảu vào lớp nhắn lại, rằng con hãy ngừng chơi vì có ông đến đón và đang đứng đợi ở cửa. Cả lớp cười ồ, còn con bé lên ba được một phen thẹn thùng, khóc suốt trên con đường từ trường về nhà buổi hôm đó.
Còn Thu Hằng, 20 tuổi, đang là sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Khi Hằng 17 tuổi thì em gái thứ ba trong gia đình ra đời mang tên "Trần Thị Nhỡ". Chào đón thành viên thứ ba xuất hiện ngoài mong đợi, nhưng bố mẹ cô đã nhanh chóng chuyển từ thái cực bối rối sang tận hưởng niềm vui và bận rộn con cái ở lứa tuổi xế chiều.
Khi em bé chập chững biết đi, Hằng dẫn em đi chơi, gặp lại những bạn bè người quen lâu ngày không liên lạc. Câu hỏi thường xuyên Hằng đón nhận là: "Lấy chồng bao giờ mà con lớn thế này rồi?", Hằng cười méo mó, vì thời điểm đó cô còn chưa có người yêu.
Thậm chí còn có nguồn tin Hằng bị... người tình ruồng bỏ, âm thầm làm mẹ đơn thân ở tuổi mới chập chững vào đời. Thời điểm đầu cô rất sốc, thậm chí muốn tìm gặp từng người để thanh minh. Nhưng rồi cùng với thời gian cô chỉ mỉm cười phẩy tay, mặc nhiên để những lời đồn thổi đó phía bên ngoài cánh cửa gia đình.
Và các thành viên gia đình tận hưởng niềm vui có thêm em út, cùng nắm tay nhau lớn lên và bình yên trưởng thành bên nhau. Vì xét cho cùng, trong tất cả các câu chuyện, chỉ cần người trong cuộc biết mình là ai, thế là đủ.