Đàm phán Mỹ - Triều: Khó trông chờ đột phá

GD&TĐ - Ngày 22/6, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, cảnh báo Mỹ không nên lạc quan về khả năng sớm nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

“Có vẻ Mỹ đã diễn dịch tình huống theo cách thuận tiện cho Mỹ” – CNN dẫn lời bà Kim nói - “Sự chờ đợi mà họ chọn theo cách sai lầm đó sẽ khiến họ thất vọng lớn lao”.

Bình luận của bà Kim là nhằm vào phát biểu của Cố vấn An ninh Mỹ Jake Sullivan trước đó. Tuần trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng Triều Tiên cần chuẩn bị cho cả “đối thoại và đối đầu” với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đặc biệt là đối đầu.

Đáp lại, Cố vấn An ninh Mỹ Jake Sullivan nói rằng phát biểu của nhà lãnh đạo Triều Tiên là “một tín hiệu thú vị”, song Triều Tiên “nên đưa ra các tín hiệu rõ ràng hơn và họ nên nói rằng hãy cùng ngồi xuống và thảo luận”.

Phát biểu của em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng được đưa ra trong bối cảnh Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Sung Kim nói rằng Mỹ sẵn sàng gặp gỡ phía Triều Tiên “ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, không cần điều kiện tiên quyết” để đối thoại.

Trong chuyến thăm 5 ngày tới Hàn Quốc, hôm 21/6, ông Sung Kim kêu gọi Triều Tiên “hồi đáp tích cực với cánh tay chìa ra của chúng tôi”. Tuy nhiên, ông cũng thúc giục các bên khác theo gương Mỹ trong việc tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt của HĐBA LHQ về chương trình hạt nhân TriềuTiên.

Tuy nhiên, tuyên bố của bà Kim Yo-jong cho thấy Triều Tiên vẫn chưa sẵn sàng nối lại đàm phán. Đặc sứ Mỹ kêu gọi đối thoại nhưng không quên thúc giục các nước thực thi lệnh trừng phạt.

Còn với Triều Tiên, cuộc tập trận Mỹ - Hàn vào tháng Tám tới có thể là bối cảnh để trì hoãn đối thoại, bởi họ luôn coi tập trận là “hành động thù địch”. Các nhà phân tích ở Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đưa ra những sức ép lớn hơn với Mỹ.

Triều Tiên đang tập trung vào việc mở lại biên giới với Trung Quốc vốn đã bị đóng cửa trong đại dịch Covid-19 để nối lại thương mại và hợp tác với Trung Quốc – đồng minh chính trị và kinh tế quan trọng nhất của họ. Vì thế, đây cũng là dịp để Triều Tiên không vội trong đối thoại với Mỹ, nhất là khi khả năng nối lại đàm phán Mỹ - Triều là không thể thiếu vai trò của Trung Quốc.

Sau điện đàm với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì hôm 11/6, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết hai bên đã thảo luận việc xem xét lại chính sách của Mỹ với Triều Tiên và cho rằng Mỹ - Trung cần hợp tác để tiến tới giải giáp hạt nhân Triều Tiên. Mở cửa lại biên giới với Trung Quốc sẽ củng cố vị thế Triều Tiên trong đối thoại với Mỹ.

Sau khi xem lại chính sách với Triều Tiên tuần trước, Mỹ nói rằng họ sẽ tìm những phương thức “được điều chỉnh và thiết thực” để thuyết phục Triều Tiên giải giáp. Chính sách của Tổng thống Biden về Triều Tiên được xem là sự kết hợp giữa việc can dự trực tiếp của ông Donald Trump và chính sách kiên nhẫn chiến lược của ông Barack Obama.

Với việc cử Kim Sung là đặc sứ lần nữa, Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện sự nghiêm túc trong việc đàm phán với Bình Nhưỡng.

Kim Sung từng là đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, cũng là đặc sứ về Triều Tiên những năm 2014  –  2016. Tuy nhiên, hiện ông vẫn giữ chức vụ Đại sứ Mỹ ở Indonesia nên khó mà dành toàn thời gian để làm việc về Triều Tiên.

Vì vậy khó mà chờ đợi sự đột phá nào trong quan hệ Mỹ - Triều trong năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống Biden. Sẽ rất khó nếu mỗi bên đều không từ bỏ các điều kiện của mình. Người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Donald Trump, trong các năm 2018  –  2019 đã 3 lần gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không đưa tới thỏa thuận nào về giải trừ vũ khí hay nới lỏng lệnh trừng phạt.  

Kể từ đó tới nay, Triều Tiên nói rằng họ sẵn sàng tạo dựng “mối quan hệ mới” với Mỹ, nhưng chỉ khi Mỹ chấm dứt chính sách thù địch” – ngụ ý về lệnh trừng phạt và sự có mặt của Mỹ trong khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ