Đam mê tìm hiểu sự thật giúp phát triển kỹ năng tranh biện

GD&TĐ - Trước thềm diễn ra The Debate Challenge mùa hai, ông Nguyễn Duy Trường – Quyền Giám đốc Swinburne Việt Nam tại TP. HCM, Phó Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi đã có những chia sẻ về kỹ năng tranh biện.

Ông Nguyễn Duy Trường - Quyền Giám đốc Swinburne Việt Nam tại TP.HCM đã có những chia sẻ về tranh biện trước thềm diễn ra The Debate Challenge mùa hai.
Ông Nguyễn Duy Trường - Quyền Giám đốc Swinburne Việt Nam tại TP.HCM đã có những chia sẻ về tranh biện trước thềm diễn ra The Debate Challenge mùa hai.

Đây là lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm và đón nhận của nhiều bạn trẻ.

The Debate Challenge là cuộc thi tranh biện do Báo điện tử VnExpress và Swinburne Việt Nam phối hợp tổ chức dành cho các học sinh THPT trong độ tuổi từ 16-19 trên phạm vi toàn quốc. Mùa thứ hai mở đơn đăng ký cho các thí sinh từ 14/5 – 8/6/2022 tại đây.

- Tranh biện nhận được nhiều sự quan tâm ở các nước đã phát triển nhưng chỉ mới được chú ý ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Theo ông, điều này có phải quá muộn?

Không bao giờ quá muộn để chúng ta học những điều mới hay thực hành những phương pháp học mới, cách làm việc mới để đem lại sự tiến bộ, hữu hiệu hơn.

Đúng là tranh biện đã nhận được sự quan tâm đi trước ở các nước phát triển. Tại Việt Nam, mặc dù chúng ta đi sau nhưng cũng đã có những hoạt động rất thiết thực để gia nhập với xu hướng của thế giới, bằng chứng là ngày nay tranh biện đã trở thành một lĩnh vực được quan tâm ở tất cả cấp học.

- Một số trường như Swinburne Việt Nam đã đưa tranh biện trở thành môn học chính thức. Những giá trị mà tranh biện có thể mang lại cho học sinh, sinh viên là gì?

Hiểu rộng tranh biện không chỉ là một cuộc tranh cãi giữa hai bên mà là nơi hai bên có thể đưa ra những góc nhìn khác nhau về cùng một vấn đề. Chúng ta cần đưa ra những luận chứng, luận cứ, luận điểm cùng lời giải thích để giúp người nghe có thêm hiểu biết về vấn đề đó. Việc hiểu biết thấu đáo sẽ giúp chúng ta sẽ có những quyết định sáng suốt.

Tranh biện là môn học mang đến nhiều lợi ích cho học sinh, sinh viên.
Tranh biện là môn học mang đến nhiều lợi ích cho học sinh, sinh viên.

Kỹ thuật nói là cần thiết, nhưng việc nói như thế nào để thuyết phục người đối diện cũng quan trọng. Cần hiểu đúng tranh biện không phải bộ môn để học cách “cãi nhau”, mà là cách chúng ta tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác, sử dụng những lập luận và bằng chứng tin cậy để đưa ra ý kiến cũng như thuyết phục mọi người. Đây là kỹ năng mà các học sinh ở Việt Nam còn hạn chế nhưng lại là tố chất của các lãnh đạo tương lai.

Trong chương trình tranh biện tại Swinburne Việt Nam, chúng tôi không dạy các em nói những cái người khác muốn nghe, mà chú trọng vào việc các em muốn nói điều gì. Các em cần nói lên tiếng nói của chính mình với các bằng chứng (evidence) để mọi người thấy những gì em đưa ra là đúng.

- Tại The Debate Challenge, chúng ta đang đề cập tới khái niệm “Academic Debate” (tranh biện học thuật). Đâu là sự khác nhau giữa tranh biện học thuật và tranh biện mở thông thường?

Ngày nay, có một số cuộc thi về tranh biện nhưng thực tế lại giống một cuộc “tranh cãi” hơn. Trong đó, các tranh biện viên đưa ra những ý kiến cá nhân nhưng không có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học, mà chủ yếu nhắm đến điểm yếu của người khác để tạo sự phản biện. Đây có thể coi là tranh biện mở thông thường.

Với tranh biện học thuật, tranh biện viên cần làm rõ ý của mình hoặc của người khác với những lập luận, dẫn chứng cụ thể từ các nguồn thông tin đáng tin cậy.

Tranh biện học thuật cũng cần có cấu trúc về việc trình bày cùng những quy định ai nói trước, ai nói sau và nói điều gì. Trong chương trình tranh biện tại Swinburne Việt Nam, chúng tôi quy định rất rõ người thứ nhất trình bày vấn đề, người thứ hai chất vấn vấn đề, người thứ ba phản biện lại vấn đề bên đối phương trình bày và người thứ tư tổng kết vấn đề.

Thông qua The Debate Challenge, chúng tôi hy vọng sẽ đem đến cho học sinh Việt Nam một cách hiểu đúng về tranh biện, từ đó luyện tập thực hành để trở thành những tranh biện có sức thuyết phục và thu hút người khác.

- Người trẻ Việt cần có những yếu tố gì để phát triển các kỹ năng về tranh biện?

Để phát triển kỹ năng về tranh biện, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng cần có tinh thần học hỏi và đam mê tìm hiểu về sự thật, khoa học, logic…Đặc biệt là ham muốn truyền đạt và lan tỏa tri thức đến với mọi người. Không phải ai tự nhiên đã có thể trở thành những nhà tranh biện đại tài. Đó là một quá trình luyện tập thường xuyên, lâu dài và cần bắt đầu từ những bước đầu cơ bản.

Các học sinh, sinh viên cần có nhiều yếu tố để phát triển các kỹ năng về tranh biện.
Các học sinh, sinh viên cần có nhiều yếu tố để phát triển các kỹ năng về tranh biện.

- Ông đánh giá thế nào về xu hướng phát triển của tranh biện tại Việt Nam trong thời gian tới?

Hiện nay các trường phổ thông, đại học hay ngay cả các trung tâm tiếng Anh đều rất quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng tranh biện cho học sinh, sinh viên. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên trước khi tổ chức giảng dạy, chúng ta cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về các kiến thức và tài liệu tranh biện.

Xu hướng tranh biện của Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế mở, do đó luôn sẵn sàng cập nhật những xu hướng giáo dục mới để gia nhập thế giới.

Trong thời gian ngắn nhất, chúng tôi đặt mục tiêu có thể đưa các em sinh viên đi thi tranh biện với các sinh viên ở Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…thậm chí là ở các nước nói Tiếng Anh bản ngữ. Bởi chất lượng đào tạo sinh viên được xã hội công nhận là cái đích cuối cùng mà chúng tôi hướng đến.

Trước khi trở thành Quyền Giám đốc Swinburne Việt Nam cơ sở TP. HCM, ông Nguyễn Duy Trường từng trải qua nhiều chức vụ quản lý trong lĩnh vực giáo dục. Ông từng tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế (1993), Thạc sĩ Kinh tế (1997) tại Đại học Macquarie (Sydney, Australia) và Cao học Quản trị Kinh doanh (2001) tại Trường Quản trị Kinh doanh MGSM. Đây là trường đào tạo kinh doanh xếp thứ 4 tại Australia và thứ 95 thế giới theo QS Global MBA Rankings 2022 đồng thời nằm trong top 50 trường toàn cầu.

Bên cạnh đó ông cũng từng có khoảng thời gian 10 năm gắn bó với ngành giáo dục đại học Australia trên vai trò Trợ lý Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng Đào tạo, đồng thời là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Đại học Macquarie. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.