Đằm lòng ở xứ xòe Mường Lò

GD&TĐ - “Mường Lò tha thướt dòng Thia”, con suối mát lành và trữ tình ấy chẳng hiểu chứa đựng những gì của đất trời mà tắm cho da con gái Thái Mường Lò cứ trắng hồng hây hây đến vậy. 

Đằm lòng ở xứ xòe Mường Lò

Đôi chân chịu đi đã qua bao miền đất nhưng hình như chưa chốn nào để thương để nhớ thật nhiều trong chúng tôi như xứ Mường Lò - miền mỹ nữ, nơi có những điệu xòe miên man ký ức...

Chếnh choáng ở xứ xòe

Bây giờ đang độ xuân sang, nước dòng Thia đang xanh trong, hiền dịu. Tôi men theo bờ suối, tìm đúng chỗ ngã ba, nơi hợp lưu rộng lớn của suối Nhì và suối Thia để xem mấy chàng trai Thái lưng trần quăng chài bắt cá đón tết. Quăng chài quay cá trên dòng Thia là một thú đam mê của trai bản Thái xứ này.

Xa xa bờ bên kia suối, mấy thiếu nữ Thái eo vai để trần, hồn nhiên xõa mái tóc mướt xanh xuống dòng nước lấp lóa dáng chiều. Chúng tôi biết, chốc nữa các em còn tắm nữa kia, tắm không áo váy, thoải mái cho dòng suối nguồn mát lành thấm đẫm da thịt trắng hồng một thời con gái...

Đặt chân đến bản Cò Cọi thì trăng giữa tháng cũng vừa nhô lên khỏi đỉnh núi Phình Hồ. Ánh trăng đổ vàng lênh loáng khắp bản. Ba hũ rượu cần đã xòe cong cần như hoa cúc giữa khoảng sân gạch đã lên rêu. Có tiếng cười khúc khích xa gần, đã đến giờ các thiếu nữ Thái đến dự đêm xòe. Này là Xạ, là Nhinh, là Sương, là Mây rồi Nường... đều là những sơn nữ tuổi mới trăng tròn, chưa tằng cẩu (búi tóc) tức là chưa có chồng, xinh tươi như hoa ban mùa xuân bên sườn núi.

Các em mời chúng tôi vào vòng cần để mút rượu làm quen rồi ý nhị nhoẻn cười, sờ tay vào yết hầu mỗi người xem có mút cần thật không. Chừng đã chuếnh choáng, các sơn nữ cầm tay chúng tôi nối vòng xoè. Lập tức, trống cắc tùng - cắc tùng tùng. Chiêng xèng xùng xèng - xùng xèng. Khèn te tò tí - te tò tí. Lời khắp vọng vang cất lên à - ơi - ời - ời. Vòng xòe giăng giăng, ríu rít, nghiêng ngả, miên man...

Khi các mâm cỗ được bày ra sàn, mọi người dừng xòe để vào cuộc rượu. Hội xòe ở bản Cò Cọi đâu chỉ có hát, có xòe, có rượu mà còn có cả những món ngon độc đáo mang đậm dư vị miền Tây Bắc. Này là măng chua héo, thịt trâu xôi, thịt gà xôi, hoa chuối thái nhỏ, lá nhội, rau húng rừng, hạt sẻn, nước mắm cá... Những sản vật ấy cũng do chính bàn tay khéo léo của các em sơn nữ Thái chưa tằng cẩu làm ra.

Cuộc rượu đã đủ mềm môi, hồng má, sơn nữ lại nhịp nhàng bước vào vòng xòe tiếp. Vòng xòe lúc hẹp lại, lúc rộng ra, từng sơn nữ trẻ thay nhau đổi chỗ để cùng được nắm tay khách phương xa mỗi người một lúc trong phút giây vui vẻ.

Càng về khuya vòng xòe càng bền chặt tha thiết. Nhìn sâu vào gương mặt rạng ngời của các em gái Thái, chợt gặp ánh mắt lấp lánh lấp lánh như sao trời mùa hạ, hai má hồng rực, môi thắm nụ đào... hình như ai trong chúng tôi cũng chống chếnh.

Các em đều chưa tằng cẩu, tóc xanh mướt xõa dài tận eo lưng, chiếc xà tích bạc cứ lúng liếng nơi cạp váy, hàng cúc mắcpém lẻ đôi thì nhúng nhính, rập rình theo nhịp thở thanh xuân. Chẳng thế mà ở giữa vòng xòe, tay trong tay, chân như bay đỉnh núi, mắt nhìn đắm đuối, hơi rượu ngấm êm, tôi đã ngả nghiêng say xòe để rồi sáng hôm sau tỉnh lại cứ day dứt mãi vì chẳng biết ai đã dìu mình về ngủ ở nhà ông trưởng bản...

Nỗi niềm gửi lại Mường Lò

Buổi chiều trước khi rời Mường Lò, tôi ra giữa cánh đồng mênh mang để hít căng lồng ngực hương nắng, gió xuân vùng cao. Tôi đã gặp trên cánh đồng ấy, những sơn nữ Thái đang nối nhau, nhún nhẩy gánh cỏ về bản để chuẩn bị cho những ngày hội xuân không ra đồng.

Nắng chiều lấp lóa hàng cúc mắcpém. Dáng áo cỏm thon bó làm mềm cả trời chiều. Thì vẫn là chân trần lấm đất, nhưng mà, mỗi khi vào vòng xòe sao mềm mại, dẻo dai, khéo léo là vậy. Bàn chân trần lấm đất của các em khiến tôi nhớ lại cái đêm xem xòe cổ dưới chân núi Pú Chạng.

Đúng ra, đấy là một đêm hội đại xòe với hàng trăm người tham gia, nhưng chương trình trước đó có biểu diễn sáu điệu xòe cổ: Khắm khen, Phá sí, Đổi hôn, Nhôm khăn, Ỏm lọm tốp mư. Phải thừa nhận, chưa bao giờ tôi được xem đủ sáu điệu xòe cổ độc đáo đến như thế.

Xem các em gái Thái chưa tằng cẩu đam mê xòe cổ mà tôi như thấy núi đang sừng sững mọc lên giữa trời đất, như nghe tiếng suối tiếng gió đang ào ào đổ về từ thời hồng hoang, như dõi nhìn mây ngàn bồng bềnh bồng bềnh phiêu dạt, như đang hít hà hương lúa chín đồng vàng Mường Lò, như nghe tiếng hát ngọt ngào tiếng cười giòn tan trong ánh lửa nhà sàn, như nhìn thấy muôn cánh chim trời thấp thoáng chiều hôm về ngàn.

Tôi hiểu, mỗi điệu xòe cổ còn là một biểu hiện tình cảm tinh tế, sâu sắc, là một trạng huống giao tiếp, một cung bậc tình cảm của người Thái Mường Lò cùng nguồn cội. Xem xòe cổ, tôi cứ ngỡ các diễn viên biểu diễn.

Nên khi xong các tiết mục, tìm gặp trực tếp để hỏi mới biết, các em đều là sơn nữ bản Cò Cọi, Noong Ỏ, Cang Nà, Thanh Lương, Cò Noòng, Ao Luông, Vòng Cài, Pú Chạng. Các em không phải nghệ sỹ, mà đều là những tú nữ ở bản lúa, bản ngô khoai sắn, bản rừng cây, chưa tằng cẩu, bàn chân trần còn ngái chua hương bùn đất đồng Mường Lò.

Từ ký ức đêm xòe cổ mùa xuân chưa xa, lại chợt nhớ đến May, em gái Thái tôi đã gặp từ lần đầu tiên lạc bước lên xứ này. May giờ đây đã tằng cẩu được 6 năm rồi. May ngày đó vừa 16 tuổi, chưa tằng cẩu, tóc mướt xanh như suối Thia, mắt đen lay láy, môi thắm hoa đào, gương mặt như hoa ban trắng hồng, kinh cổm nỗm tẳng (eo thon ngực phổng), đẹp đến mơ màng.

May từng múa sáu điệu xòe cổ mà tôi được xem, em lại dịu dàng, hát hay, hát đối đáp giỏi nên từng được bản chọn làm Sao tổn khuống trên Sân hoa Hạn khuống.

Sau đêm Hạn khuống, tôi đang ngẩn ngơ lẫn vào bao nhiêu là thơm tho áo cỏm, áo chàm, thổ cẩm, nâu sồng, ngẩn ngơ trước bao nhiêu là ánh mắt, nụ cười sơn nữ Thái - Tày - Mông - Dao - Mường, thì tình cờ chạm mắt May.

Rồi quen, rồi thân nhau và cả từng đưa lời thương niềm nhớ qua Đèo Ách vào trong Mường Lò nhưng vì khoảng cách địa lý nên mỗi năm hai đứa chỉ gặp nhau đôi ba lần trong các ngày lễ hội mà tôi ngược ngàn. Cứ nhớ, cứ thương thế thôi để rồi một ngày May buộc phải vâng lời cha mẹ đồng ý tằng cẩu...

Cứ mỗi lần trở lại cánh đồng Mường Lò, sau hết những nỗi niềm cảm xúc, lòng tôi lại nao nao nhờ đến người xưa, trước mắt lại như miên man gặp được bóng dáng của em trong hội xòe cổ mùa xuân năm nào.

Tôi biết, mình sẽ còn trở lại Mường Lò nhiều lần nữa bởi một phần “hồn tôi đã đằm lại chốn này” cùng những vòng xòe miên man, bất tận miền mỹ nữ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.