Những hũ mắm được mẹ muối cẩn thận, để gọn gàng một góc bếp ăn suốt mấy tháng trời. Không riêng gì gia đình tôi, hầu hết những gia đình khác ở thôn quê vẫn vậy, mỗi nhà dù nhiều hay ít vẫn có vài hũ mắm để trong nhà. Tùy thuộc vào sở thích, mỗi nhà đều có mỗi cách ăn mắm khác nhau như kho, chưng, chiên mắm. Nhưng với gia đình tôi thường là ăn mắm sống.
Mẹ tôi thường dặn chúng tôi phải biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, nhưng mỗi khi dọn cơm ra, chỉ cần nhìn thấy chén mắm nằm chễm chệ trong mâm, cùng với mớ rau luộc non xanh là chúng tôi bắt đầu ăn ngấu nghiến, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết cả nồi cơm.
Bữa cơm gia đình thường được trang trí bởi những nụ cười. Vui nhất vẫn là mẹ tôi. Hiểu ý con, nên có lúc mẹ nấu thật nhiều cơm; chắt sẵn mắm vào cái chén con con, rồi để bên cạnh nồi cơm, đậy vung cẩn thận, mẹ ra đồng. Chúng tôi đi chơi về, sẵn chén mắm, cùng nồi cơm nên tha hồ ăn no nê. Không quá kén chọn cơm ăn thức uống như thời đại bây giờ, vậy mà chúng tôi vẫn lớn như quả dưa lăn lóc ngoài ruộng.
Rồi tôi lớn lên, đậu đại học xa nhà. Mỗi lần tôi về quê, mẹ thường gói ghém từng lọ mắm nhỏ, cùng một ít rau, quả bí, quả mướp, để dành ăn đỡ tiền chợ. Đến mỗi bữa cơm, mâm cơm dọn ra giữa phòng, nghe mùi mắm thơm, phòng bên cạnh cầm chén qua xin mỗi đứa một ít để cùng nhau thưởng thức món quà quê đậm đà. Rồi đứa nào cũng trầm trồ khen ngon. Cái thời nghèo khổ ấy cũng qua. Vậy mà mỗi khi gặp lại, chỉ cần nhắc lại chuyện xưa, bạn bè tôi ai cũng nhớ vị đậm đà, mặn mà của chén mắm một thời nghèo khó.