Dạy học trực tiếp: Đồng thuận cùng nguyện vọng của phụ huynh

GD&TĐ - UBND TPHCM đã có công văn chỉ đạo tạm thời chưa dạy học trực tiếp cho trẻ 5 tuổi và học sinh lớp 1 từ ngày 13/12. Quyết định này nhận được sự đồng tình từ phía nhà trường và phụ huynh học sinh.

Học sinh khối 12 Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) trở lại học tập trực tiếp. Ảnh: Đình Tuệ
Học sinh khối 12 Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) trở lại học tập trực tiếp. Ảnh: Đình Tuệ

Chỉ thí điểm khối lớp 9, lớp 12

Theo đó, từ ngày 13/12 tới, TPHCM chỉ thí điểm tổ chức học tập trực tiếp cho khối 9, lớp 12 đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, kiểm tra, thẩm định và phê duyệt kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị.

Sau thời gian thí điểm tổ chức học tập trực tiếp đối với học sinh khối 9, lớp 12 (từ ngày 13 - 25/12), UBND TPHCM giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tổng kết, rút kinh nghiệm và tham mưu UBND thành phố xem xét, quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, từ đầu năm đến nay, học sinh lớp 1 thiệt thòi khi chưa từng được đến trường. Bên cạnh đó, lớp 9 và 12 có các kỳ thi quan trọng. Do đó, trong kế hoạch cho học sinh trở lại trường, sở tham mưu UBND TP chọn 3 khối này thí điểm. Để đưa ra kế hoạch, sở đã phối hợp chặt chẽ với các quận huyện, đặc biệt là huyện Cần Giờ (TPHCM), với thời gian thí điểm 6 tuần dạy học trực tiếp ở xã đảo Thạnh An. Sau khi công bố kế hoạch, các trường lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh. Trong đó, khối 9 và 12 nhận được sự đồng thuận cao, nhưng khối 1 chỉ hơn 30% đồng ý.

Học sinh lớp 1 ở TPHCM tiếp tục học trực tuyến. Ảnh: AT
Học sinh lớp 1 ở TPHCM tiếp tục học trực tuyến. Ảnh: AT

Phù hợp với tình hình thực tế

Để chuẩn bị cho việc đến trường học trực tiếp của trẻ, 565 trường tiểu học tại TPHCM đã khảo sát ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ đi học lại từ 13/12. Tổng số học sinh lớp 1 là hơn 131.200 em. Số người tham gia khảo sát là hơn 121.700. Hơn 70% (khoảng 85.400 phụ huynh) không đồng thuận cho con đi học trực tiếp.

Tuy vậy, từ đầu tuần đến nay, các trường tiểu học đã triển khai công việc chuẩn bị đón học sinh lớp 1 như sơn sửa, vệ sinh cơ sở vật chất, lên phương án đảm bảo an toàn. Tại Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Với 250/348 phụ huynh được hỏi không đồng ý cho con đi học lúc này, tôi đồng cảm với những băn khoăn của các bậc cha mẹ trước diễn biến dịch bệnh hiện nay…” - thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ.

Bên cạnh đó, liên quan việc cho học sinh lớp 1 đi học trở lại, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai cũng cho rằng còn có những băn khoăn trước số lượng học sinh/lớp quá đông. Nếu đi học nguyên lớp thì khoảng cách không đảm bảo, còn nếu chia đôi lớp, việc sắp xếp bố trí giáo viên dạy gặp nhiều khó khăn (vì giáo viên chủ nhiệm vừa dạy trực tuyến vừa dạy trực tiếp rất khó bố trí thời gian hợp lý). Ngoài ra, việc sắp xếp thời khóa biểu để tương tác với học sinh cũng không dễ.

Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) vệ sinh chuẩn bị đón học sinh.
Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) vệ sinh chuẩn bị đón học sinh.

Theo anh Nguyễn Tú (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Phong Phú, thời gian qua con học trực tuyến ở nhà, gia đình rất mệt trong việc vừa đi làm vừa trông con. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp mà các cháu lớp 1 chưa được tiêm ngừa vắc-xin thì việc đi học trực tiếp khiến cả gia đình băn khoăn và lo lắng cho an toàn của con.

Chị Hồng Hạnh - chủ cơ sở Lớp mẫu giáo Sao Biển (Quận 12, TPHCM) - chia sẻ: “Dịch bệnh khiến việc đi học của các cháu cũng chập chờn. Hôm trước, khi có thông tin cho các cháu đi học, tập thể sư phạm trường rất vui và chuẩn bị mọi thứ. Nay nhận thông báo các cháu chưa đi học trực tiếp được, tôi cũng thấy có phần hụt hẫng, nhưng an toàn cho các cháu là trên hết nên đành chấp nhận...”.

Tương tự, cô Lê Thị Thanh Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non 9 (Quận 4, TPHCM) - cho rằng: Công văn tạm dừng cho trẻ 5 tuổi và học sinh lớp 1 đến trường của UBND TPHCM phù hợp tình hình dịch bệnh hiện nay. Điều này cũng khiến phụ huynh an tâm.

Đồng tình quan điểm trên, chị Bích Ngọc (ngụ Quận 8, TPHCM) có con học lớp Lá tại Trường Mầm non Tuổi Hoa nói: “Trẻ 5 tuổi rất hiếu động, lại chưa được tiêm ngừa nên đi học phụ huynh thêm lo lắng. Do đó, cho lớp 9 và 12 đi học trước, đạt kết quả tốt rồi mới tiến tới các lớp nhỏ là phù hợp…”.

Ngày 9/12, các trường tiểu học ở Đà Nẵng triển khai lấy ý kiến phụ huynh về tổ chức cho học sinh lớp Một học trực tiếp tại trường. Anh Nguyễn Văn Đông (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cho biết: Việc thăm dò ý kiến của phụ huynh đúng ra phải thực hiện trước thời điểm học sinh quay trở lại trường học trực tiếp chứ không phải vài ngày sau khi các cháu đến trường. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh khi lựa chọn phương án.

Chị Võ Huyền Trân – có con học lớp Một Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) - cho hay: Con hào hứng với việc đến trường học trực tiếp, có bạn để trò chuyện, vui chơi cùng. Phụ huynh cũng yên tâm và chưa thấy vấn đề gì với công tác phòng, chống dịch của nhà trường và của địa phương tại địa bàn học sinh đang theo học.

“Chúng tôi không được biết kết quả thăm dò ý kiến phụ huynh sẽ được sử dụng như thế nào. Nếu lại chuyển sang học trực tuyến sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các con khi vừa mới hòa nhập vào môi trường học tập mới chưa được bao lâu. Điều này cũng phải tính đến khi hiện nay, số học sinh đến trường học trực tiếp cũng đã quá 60%” – chị Trân chia sẻ.

“Qua quan sát, bốn buổi đi học trực tiếp đã giúp cháu thay đổi rất nhiều, tinh thần phấn chấn và thích thú với việc học hơn. Dù không nhìn rõ mặt bạn như khi học online vì bạn nào cũng phải đeo khẩu trang và ra chơi tại chỗ, nhưng cũng cho thấy sự thay đổi lớn của các cháu khi được gặp gỡ, giao lưu với nhau. Ngoài kiến thức, hoạt động giáo dục, thể chất cũng cần thiết với học sinh” – anh Đông bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.