Đại võ sư Mas Oyama trăm trận trăm thắng

GD&TĐ - Trong môn phái Karate-dō, Mas Oyama thắt đai đen 10 đẳng hệ Kyokushin (do chính ông sáng lập năm 1964), 7 đẳng hệ Gōjū-ryū, 4 đẳng hệ Shotokan. Ông lại là cao thủ một số môn võ khác như Judo và Quyền Anh. Từng tay không hạ gục 52 con bò mộng, ông còn bách chiến bách thắng qua giao đấu với các võ sĩ tài danh.

Mas Oyama (1923-1994) là đại võ sư môn phái Karate-dō đã sáng lập hệ Kyokushin / 極真会 / Cực Chân Hội.
Mas Oyama (1923-1994) là đại võ sư môn phái Karate-dō đã sáng lập hệ Kyokushin / 極真会 / Cực Chân Hội.

Đại võ sư có họ tên gốc 최영의, ghi chữ Hanja 崔永宜, phiên âm Hán - Việt thành Thôi Vĩnh Nghi, tiếng Hàn gọi Choi Young-eui; tên thường dùng là 최배달 / 崔倍達 / Thôi Bội Đạt / Choi Bae-dal; chuyển sang tiếng Nhật 大山倍達 / Đại Sơn Bội Đạt / Oyama Masutatsu, rút gọn nên マス大山 / 大山弥 / Đại Sơn Mi / Mas Oyama.

Từ Hàn sang Nhật

Mas Oyama chào đời ngày 27/7/1923 tại TP Gimje, tỉnh Jeollabuk-do, nay thuộc Hàn Quốc, lúc đó do đế quốc Nhật Bản cai trị.

Ấu thời, sống trong nông trại của chị ruột tại Mãn Châu quốc / 滿洲國, Mas Oyama được võ sư họ Lý dạy Thập Bát Thủ - một môn quyền thuật Trung Hoa.

12 tuổi, Mas Oyama trở về Gimje, tiếp thụ võ cổ truyền Triều Tiên. Đến 15 tuổi, Mas Oyama sang xứ sở mặt trời mọc với mong muốn được đào tạo thành phi công lái chiến đấu cơ cho lực lượng không quân hoàng gia Nhật Bản.

Chuyên chú rèn luyện võ thuật

Vì lắm lý do, Mas Oyama không thể học làm phi công, mà chuyển qua tập Judo / Nhu Đạo và Boxing / Quyền Anh. Say mê ngắm các võ sinh Karate-dō / Không Thủ Đạo tung đòn thế, ông liền đăng ký học môn phái này với hệ Shotokan / 松濤館 / Tùng Đào Quán. Khỏe thể lực, sẵn năng khiếu bẩm sinh, nhất là nhờ tập tành chuyên cần bền bỉ, chỉ sau 2 năm, Mas Oyama thi đỗ huyền đai / đai đen 2 đẳng vào tuổi 17.

Sau đó, Mas Oyama học tiếp Karate hệ Gōjū-ryū / 剛柔流 / Cương Nhu Lưu với võ sư So Nei Chu gốc Triều Tiên. 20 tuổi, trở thành võ sư Karate đai đen 4 đẳng, Mas Oyama tòng quân và tiếp tục dượt Nhu Đạo, sau 4 năm luyện rèn đã thắt đai đen 4 đẳng Judo.

Năm 1945, kết thúc thế chiến II, Nhật Bản thất bại thê thảm, chàng sĩ quan lục quân Mas Oyama cùng đồng đội sốc nặng. Thường xuyên gây gổ đấm đá với lính Mỹ đồn trú trên đất Nhật, ông dẫu chẳng bị truy tố nhưng bị khủng hoảng tâm lý sau khi tự vệ khiến một du đãng tử vong. Võ sư So Nei Chu liền khuyên Mas Oyama lên núi mà luyện võ.

Năm 1946, Mas Oyama lên núi Minobu ở tỉnh Chiba. Năm 1947, sau 14 tháng ẩn cư, ông đến TP Kyoto dự Đại hội võ thuật Nhật Bản, đoạt danh hiệu vô địch đối kháng Karate. Võ sư So Nei Chu bảo Mas Oyama hãy lên núi để tự tu tự luyện nữa. Năm 1948, lên núi Kiyosumi cũng ở tỉnh Chiba, ông luyện quyền cước, múa kiếm và thương, kết hợp tập tạ. Sinh hoạt khác thường trên 2 ngọn núi nọ, về sau được Mas Oyama tường thuật qua tự truyện “Du hành vào thế giới chiến đấu” in năm 1968.

Giao đấu với bò mộng & với người: Toàn thắng

Năm 1950, Mas Oyama hạ sơn, liền tạo tiếng vang ngay tại tỉnh Chiba: Tay không quyết đấu và chiến thắng bò mộng. Đã có thống kê rằng suốt đời, Mas Oyama tử đấu với 52 con bò mộng, có 3 con bị giết chết ngay tại chỗ, 48 con bị chặt gãy sừng tất nhiên bằng tay không. Chuỗi huyền thoại kia xác lập bằng kiểu mạng đổi mạng cực kỳ nguy hiểm, mà sự cố ghê gớm xảy ra tại Mêhicô năm 1957: Bò mộng lẹ làng vòng sau lưng ông, húc văng đối phương ngã sõng soài rồi giày xéo lên người và kéo lê cả đoạn. May mà Mas Oyama gượng được, lập thế, vung bàn tay chém gãy sừng bò. Sau trận đó, ông nằm liệt giường 6 tháng.

Năm 1952, Mas Oyama sang Hoa Kỳ, biểu diễn võ thuật, nhận lời thách đấu của các võ sĩ. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết: “Trong suốt cuộc đời của Oyama Masutatsu, ông đã đến 32 quốc gia, giao đấu với trên 270 võ sĩ tài danh và rất nhiều người trong số đó bị ông hạ gục chỉ với một cú đấm. Một trận đấu thường không kéo dài quá 3 phút, và cũng không hiếm khi chỉ dài vài giây.”

YouTube có clip Mas Oyama thua Bruce Lee / 李小龍 / Lý Tiểu Long (1940 - 1973) trong trận đấu do Ultimate Fighting Championship (UFC) tổ chức. Clip ấy giả, bởi UFC được thành lập vào năm 1993, sau khi Lý Tiểu Long mất những 2 thập niên.

“Thần thủ” sáng lập hệ Kyokushin

Năm 1955, công chúng Hoa Kỳ tôn vinh Mas Oyama là “god hand / thần thủ” sau khi xem ông biểu diễn shuto uchi / chém bằng cạnh bàn tay khiến chai rượu whisky đặt đứng bị bay cổ chai nhưng phần dưới không ngã đổ. Mas Oyama còn nhiều pha ngoạn mục khác, như ông xỉa bàn tay tách đôi quả dưa hấu vừa tung lên; hoặc đốt sáng đèn cầy / sáp / nến, ông đấm cách đèn một khoảng thì đèn tắt.

Năm 1964, môn phái Karate được Mas Oyama lập thêm hệ Kyokushin / 極真会 / Cực Chân Hội với chiêu thức thuần khiết và cương mãnh nhằm thực chiến hiệu dụng. Chân đây là chân thật..

Lưu tâm phổ biến võ nghệ khắp thế giới nên Mas Oyama chú ý sách báo tiếng Anh. Ông làm giám đốc nhà xuất bản và trị sự tạp chí đều mang tên Power Karate. Cùng với tự truyện nêu trên và luận văn “Võ đạo”, ông còn soạn loạt sách giảng dạy Karate mà 2 cuốn “What is Karate?” (1958) và “This is Karate” (1965) được Việt dịch bởi Lạc Hà và Phạm Xuân Thảo có nhan đề “Tinh hoa Không Thủ Đạo” (NXB Võ Thuật, Sài Gòn, 1970).

Đại võ sư Mas Oyama từ trần ngày 26/4/1994 tại Tokyo, thủ đô Nhật Bản, hưởng thọ 70 tuổi. “Bách khoa toàn thư Karate” do ông khởi thảo từ năm 1980 được các học trò hoàn chỉnh, đã xuất bản vào năm 1997.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.